Người dân buôn Chăm nghèo khổ vì tảo hôn và đông con
Anh Nay Nheh và chị Ksơr H’Lem cưới nhau năm 1981, khi đó anh Nay Nheh 17 tuổi, còn chị KSơr H’Lem mới 16 tuổi. Đến nay, họ đã có với nhau 7 người con, đứa con đầu năm nay 17 tuổi, còn đứa con út mới 3 tuổi. Có 10 nhân khẩu nhưng cả gia đình anh Nay Nheh chỉ trông chờ vào thu nhập từ 3 sào đất trồng màu. Anh Nay Nheh phải đi làm thuê, làm mướn, quanh năm suốt tháng gia đình anh vẫn phải sống trong cảnh “thiếu trước, hụt sau”; chị KSơr H’Lem thì xanh xao, tiều tụy bởi trải qua quá nhiều lần sinh. Những đứa con của anh chị lớn dần lên trong đói khổ và thất học, đứa học cao nhất cũng chỉ mới hết lớp 6. Hiện tại, 2 đứa đầu đã bỏ học để đi chăn bò, làm cỏ thuê, đứa con út mới được 3 tuổi còi cọc và suy dinh dưỡng vì thiếu ăn. Vợ chồng anh Nay Soan và chị Ksơr H’Jít cưới nhau năm 1988, nay cũng đã có 9 đứa con, đứa đầu 22 tuổi còn đứa con út chưa tròn 2 tuổi. Cả 9 đứa con của anh Soan, chị Jít đều còi cọc, nhếch nhác bởi lớn lên trong hoàn cảnh luôn thiếu thốn về cái ăn, cái mặc. Mặc dù nhiều lần được cán bộ dân số tư vấn, vận động sử dụng biện pháp tránh thai nhưng vợ chồng anh chị vẫn chưa áp dụng nên cũng chẳng thể biết được số con của họ liệu đã dừng ở số 9 hay chưa!
Chị Ksơr H'Lem cùng các con trước ngôi nhà sàn của gia đình. |
Những trường hợp nhà đông con, nghèo khó như gia đình anh Nay Nheh và Nay Soan không phải chuyện hiếm ở buôn Chăm. Theo thống kê của Ban Dân số - Kế hoạch hóa gia đình xã Ea Sol, buôn Chăm hiện có 100 cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ; có 70 phụ nữ sinh con thứ 3 trở lên, trong đó có 50 chị sinh từ 5 con trở lên. Năm 2013, trong buôn có 9 trẻ em sinh ra là con thứ 3 trở lên; 2 trường hợp tảo hôn. Tỷ lệ trẻ em bị suy dinh dưỡng hằng năm chiếm từ 30% trở lên. Bí thư Chi bộ buôn Chăm Nay Nhuên cho biết: trong số 136 hộ của buôn thì có đến 70 hộ nghèo và 10 hộ cận nghèo, chất lượng cuộc sống thấp. Trong khi các thôn, buôn khác trên địa bàn xã đang thực hiện gia đình ít con, ấm no, hạnh phúc thì ở buôn Chăm vẫn còn luẩn quẩn với việc tìm giải pháp xóa tảo hôn và giảm tỷ lệ sinh con thứ 3.
Điều đáng nói là trong thời gian qua, cán bộ dân số xã đã phối hợp với Ban tự quản và cộng tác viên dân số của buôn tích cực tuyên truyền, tư vấn để người dân buôn Chăm thực hiện kế hoạch hóa gia đình, song hiệu quả vẫn còn thấp. Nguyên nhân chính là do tập quán sinh đẻ, hôn nhân lạc hậu đã ăn sâu trong tiềm thức của mỗi người dân. Đa số người dân ở buôn Chăm còn ngại áp dụng các biện pháp tránh thai hiện đại mà chủ yếu áp dụng biện pháp tránh thai tự nhiên. Trình độ dân trí thấp, hầu hết phụ nữ không biết tiếng phổ thông. Đường sá xa xôi, nhà ở thưa thớt cũng là những trở ngại lớn trong công tác tuyên truyền dân số - KHHGĐ.
Hoài Nam
Ý kiến bạn đọc