Multimedia Đọc Báo in

Thách thức trong công tác dân số ở buôn Kplang

14:28, 30/12/2015

Những năm qua, tình trạng “vỡ kế hoạch”, đẻ nhiều, đẻ dày đã khiến cho không ít gia đình ở buôn Kplang, xã Tân Tiến (huyện Krông Pak) cứ mãi luẩn quẩn trong đói nghèo, lạc hậu, con cái dở dang chuyện học hành...…

Chúng tôi theo chân chị cán bộ dân số xã đến thăm gia đình chị H’Nhăn Byă, một gia đình “điển hình” trong việc sinh nhiều con ở buôn Kplang. Đang ngồi bóc hạt điều thuê, thấy có người vào chơi chị H’Nhăn trải vội manh chiếu cũ để che cái nền nhà vỡ nham nhở làm chỗ mời mọi người ngồi. Trong câu chuyện với chúng tôi, khi được hỏi về hoàn cảnh gia đình, chị H’Nhăn ngượng nghịu nói: “Mình tuổi thì ít nhưng con thì nhiều, mới 35 tuổi mà có tới 6 đứa con đấy, 3 trai và 3 gái. Cuộc sống gia đình đông con, kinh tế trông chờ vào 1 sào cà phê cằn cỗi cha mẹ cho mượn và 500m2 trồng lúa rẫy nên khó khăn lắm. Hằng ngày, để có gạo cho các con ăn, chồng mình phải đi làm thuê, còn mình vừa ở nhà trông con nhỏ vừa bóc hạt điều cho người ta để kiếm tiền. Nhưng bóc hạt điều cũng lâu lắm, cả tuần mới được khoảng 10 cân, tiền công khoảng 50 nghìn đồng, nhưng đợt nào con mình nó bốc trộm để ăn thì mình lại phải đền tiền cho số hạt điều bị hao hụt, coi như công cốc. Không có tiền, nhiều hôm cả ngày mình chỉ ăn một bữa cơm, để dành phần cho lũ trẻ”. Nghe những lời bộc bạch ấy mà thấy ái ngại thay cho chị, song chúng tôi càng ái ngại hơn khi chị bảo: “Mình cũng không muốn đẻ nữa đâu, nhưng chồng mình nói bây giờ khổ thì phải đẻ nhiều con để sau này có nơi mà cậy nhờ!”. Cậy nhờ chưa thấy đâu, hiện tại chỉ thấy các con chị lít nhít, nhếch nhác, đứa lớn nhất cũng chỉ độ khoảng 13-14 tuổi, còn đứa nhỏ đang nằm trên võng vẫn chưa tròn năm. Còn tài sản trong nhà, đến cái giường tử tế làm chỗ ngủ cho bọn trẻ cũng không có. Đã vậy, do cảnh nhà túng bấn, đứa con lớn của chị H’Nhăn đã bỏ học, ở nhà phụ mẹ nhặt hạt điều kiếm tiền lo cái ăn qua ngày.

Mẹ con chị H’Nhăn bóc hạt điều thuê kiếm tiền trang trải sinh hoạt cho gia đình.
Mẹ con chị H’Nhăn bóc hạt điều thuê kiếm tiền trang trải sinh hoạt cho gia đình.

Ở buôn Kplang, những gia đình đông con như chị H’Nhăn không phải là hiếm. Chị H’Mlô Niê (36 tuổi), một phụ nữ khác ở buôn cũng có 6 mặt con, đứa lớn năm nay 17 tuổi, đứa nhỏ nhất chưa đầy 16 tháng tuổi. Đông con, không có vốn sản xuất, cuộc sống của gia đình anh chị cứ mãi khó khăn, quanh năm bám nương, bám rẫy mà chẳng đủ ăn. Phải làm việc quần quật suốt ngày, không có thời gian chăm sóc cho bản thân nên vợ chồng chị già hơn rất nhiều so với tuổi của mình. Thế nhưng, khi nghe mọi người đề cập đến chuyện sinh nở nhiều vất vả, chị thản nhiên nói: “Nếu có sức khỏe sắp tới mình sẽ đẻ nữa. Vợ chồng mình thích đông con và thích có con gái để sau này nó lo cho mình mà bây giờ 6 đứa con toàn là trai, lớn lên chúng cũng theo vợ hết nên phải đẻ đến khi có con gái mới thôi”. Nối dõi hay phụng dưỡng cha mẹ thì chưa biết, chỉ biết rằng vì đẻ nhiều, cố sinh con gái mà gia đình chị H’Mlô rơi vào cảnh túng thiếu, con cái không được chăm sóc đầy đủ, thậm chí phải bỏ bê việc học hành. Hai đứa con lớn trong nhà, đứa đầu 17 tuổi bỏ học theo bạn bè đi làm thuê ở xa, đứa kế 16 tuổi đang học lớp 8 cũng nghỉ học tụ tập cùng chúng bạn, ngày thì đi làm đổi công, tối lại túm tụm nhậu nhẹt, say khướt mới chịu về nhà. Hỏi chị H’Mlô sao không khuyên con cái chịu khó học hành, chị bảo: “Thấy chúng nó bỏ học, mình cũng nói đi học đi, nhưng chúng bảo lớn rồi không thích đi học nữa, đến lớp to hơn các bạn thấy xấu hổ lắm. Nói nhiều, chúng không thích lại bỏ đi uống rượu nên mình không nói nữa”.

Do sinh đẻ nhiều lại vất vả lo toan cho gia đình, chị H’Mlô già hơn nhiều so với tuổi 36 của mình.
Do sinh đẻ nhiều lại vất vả lo toan cho gia đình, chị H’Mlô già hơn nhiều so với tuổi 36 của mình.

Gia đình chị H’Nhăn, H’Mlô chỉ là 2 trong số rất nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn do sinh nhiều con. Hiện nay, Ban tự quản buôn Kplang cũng như các ban, ngành chức năng của xã cũng nhìn nhận thấy thực trang này song không dễ khắc phục. Song, để thay đổi được cục diện không phải là chuyện dễ thực hiện. Theo chị H’Bhơi Byă, cộng tác viên dân số của buôn Kplang, bình quân mỗi năm trong buôn có khoảng 20 chị em sinh nở, thì có 7-8 trường hợp sinh con thứ 3 trở lên. Đối tượng sinh con thứ 3 trở lên hầu hết rơi vào phụ nữ trung niên. Nhiều người đã có 8-9 người con, thậm chí là 10-11 con rồi nhưng vẫn muốn sinh thêm. Tâm lý chung của những cặp vợ chồng này là muốn có nhiều con để nối dõi, nhờ cậy lúc về già. Vì thế, những buổi tuyên truyền dân số - kế hoạch hóa gia đình đối với họ giống như “nước đổ lá khoai”. Bên cạnh đó, một nguyên nhân khác của tình trạng sinh nhiều, sinh dày ở nhiều gia đình là do một số chị em thiếu hiểu biết về kiến thức chăm sóc sức khoẻ sinh sản, các biện pháp phòng tránh thai và ngại tiếp xúc với cán bộ dân số. Cũng có chung chia sẻ này, chị Trần Thị Mậu, cán bộ chuyên trách dân số xã Tân Tiến cho biết: “Thời gian qua, chính quyền và Ban Dân số - Kế hoạch hóa gia đình của xã đã có nhiều nỗ lực trong việc tuyên truyền, vận động người dân thực hiện tốt chính sách dân số. Không thể phủ nhận hiệu quả của công tác tuyên truyền đã góp phần làm cho tình trạng sinh con thứ 3 trở lên trên địa bàn xã mỗi năm một giảm so với trước. Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận người dân, trong đó chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số tập trung nhiều ở 4 buôn Kplang, Kniêr, Ea Dray và Ea Dray A vẫn chưa nhận thức được hậu quả của việc sinh nhiều con. Trong gia đình họ đã định sẵn tư tưởng muốn sinh đông con nên công tác tuyên truyền của cộng tác viên dân số chưa đạt được hiệu quả, thậm chí một số gia đình còn có thái độ bất hợp tác, không cho cộng tác viên vào nhà tuyên truyền. Từ thực tế này, thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với các ban ngành,đoàn thể của xã tổ chức các buổi tuyên truyền, tư vấn, giáo dục phù hợp để người dân thay đổi nhận thức và chấp nhận sử dụng các biện pháp tránh thai, thực hiện kế hoạch hóa gia đình”.

Từ câu chuyện của buôn Kplang cho thấy, tư tưởng có con để nối dõi, cậy nhờ trong một bộ phận người dân đã đặt ra nhiều thách thức cho công tác dân số, đòi hỏi công tác này phải được điều chỉnh kịp thời, quan tâm hơn nữa góp phần thực hiện mục tiêu chiến lược Dân số - sức khỏe sinh sản của Việt Nam giai đoạn 2011-2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Kim Oanh


Ý kiến bạn đọc