Multimedia Đọc Báo in

“Gà trống” nuôi 4 đứa con thơ

07:49, 25/04/2013

Vượt hơn 7 km đường đất đỏ qua hai con suối, chúng tôi mới tìm được nhà anh Nguyễn Văn Thừa ở thôn 11, xã Ea Khal (huyện Ea H’leo). Căn nhà tranh tre nứa lá xiêu vẹo nằm lọt thỏm giữa vườn cà phê của một người chủ khác. Trong nhà chẳng có gì đáng giá, vách nhà đầy những khe hở mối mọt phải dựa vào cái giường gỗ duy nhất trong nhà để khỏi bị nghiêng.

Quê gốc ở tỉnh Lâm Đồng, anh Nguyễn Văn Thừa kết hôn với chị Hoàng Thị Kim Vân vào năm 1990. Vợ chồng nghèo, làm thuê nuôi nhau,  không có nhà cửa phải ở nhờ nhà ông bà nội. Niềm vui đến cũng là lúc nỗi lo cơm áo gạo tiền chất đầy khi 4 đứa trẻ lần lượt ra đời, đứa lớn nhất sinh năm 1993, nhỏ nhất sinh năm 2007. Đến năm 2009, gia đình anh đến lập nghiệp tại Dak Lak. Dựng một ngôi nhà tạm bằng vật liệu thô sơ sẵn có, những tưởng làm ăn ở vùng đất mới có thể bớt đi những nghèo khó nhọc nhằn để nuôi dưỡng các con. Thế nhưng “cái khó bó cái khôn”, vì ở xa khu dân cư điều kiện sinh hoạt kham khổ, không có phương tiện đi lại, cũng không thể đi làm thuê xa nhà bởi các con lại ốm đau liên tục, công việc lúc có lúc không, thu nhập ít ỏi, vợ chồng anh Thừa tiêu cạn dần những đồng bạc dành dụm được mà cái đói khổ vẫn mãi đeo bám. Thế rồi, chán nản với cuộc sống chật vật “ăn bữa nay lo bữa mai”, chị Vân bỏ đi, để lại 5 cha con bơ vơ trong căn nhà tranh rách nát.

Từ ngày vợ bỏ đi, trong nhà thiếu bàn tay người phụ nữ khiến đôi vai anh Thừa ngày càng thêm gánh nặng, đầy ắp những lo toan. Anh loay hoay với cả hai vai trò vừa làm cha, vừa làm mẹ. Khi mẹ bỏ đi, đứa con bé nhất mới tròn 3 tuổi, nhớ mẹ nó quấy khóc suốt ngày. Những hôm mưa bão kéo dài, căn nhà nhỏ dột nát trở nên ẩm ướt, xiêu vẹo “ọp ẹp” thành tiếng. Xót thương bốn đứa con thơ dại, nỗi lo chất đầy khiến người đàn ông chưa qua cái tuổi 40 bỗng già sọm đi. Anh kể,  có những lần hai đứa nhỏ đau ốm cùng một lúc. Bệnh viện ở xa, xe cộ không có, nửa đêm người cha khốn khổ phải tay bồng tay bế, đi bộ hơn 7km đưa con ra bệnh viện thị trấn!

Hằng ngày anh đẽo đá ở ven bờ suối bán cho những người làm xây dựng, thu nhập khoảng 100.000 đồng/ngày.  Đến mùa mưa nước ngập thì anh đi làm thuê. Công việc bấp bênh, thu nhập bữa có bữa không nên dù thương con nhưng ước mong của anh là cho các con đến trường cũng chẳng thể thực hiện được. Hai đứa con lớn học đến lớp 2 đều phải bỏ học, hiện đi giúp việc ở một quán cơm tại thị trấn Ea Đrăng. Chỉ có đứa con thứ ba sinh năm 2003 ở nhờ nhà một người bà con trong thị trấn là còn được đến trường.

Chia tay ra về, hình ảnh người cha và 4 đứa con khốn khổ trong căn nhà xiêu vẹo có thể sập bất cứ lúc nào cứ khiến chúng tôi day dứt: Nếu không có lối thoát khỏi hoàn cảnh khốn khổ ấy, tương lai của những đứa trẻ sẽ ra sao?

Lê Vũ Ngọc Dung


Ý kiến bạn đọc