Multimedia Đọc Báo in

Xót thương bé trai 6 tuổi mắc bệnh não úng thủy

09:17, 11/05/2016

Cháu Nguyễn Phước Hậu (6 tuổi) bị mắc bệnh não úng thủy, hiện đang sống với ông bà ngoại già yếu ở số nhà 16, hẻm số 6 đường Lê Quý Đôn, thị trấn Buôn Trấp (huyện Krông Ana).

Bà Nhật đang chăm sóc cháu.
Bà Nhật đang chăm sóc cháu.

Hậu là con trai đầu lòng của anh Nguyễn Văn Hoàng và chị Nguyễn Tường Vi. Biết con mắc bệnh não úng thủy bẩm sinh, vợ chồng anh Hoàng đã mang con đi chữa trị khắp nơi song do không có tiền phẫu thuật nên đành mang cháu về nhà. Cuộc sống khốn khó, anh chị phải vào TP. Hồ Chí Minh làm thuê làm mướn, để lại cậu con trai bệnh tật cho ông bà ngoại năm nay đã gần 70 tuổi chăm sóc. Gia đình ông bà ngoại cũng thuộc diện hộ nghèo. Bà Nguyễn Thị Nhật, bà ngoại cháu Hậu cho biết, cứ 2 tháng một lần bố mẹ Hậu gửi về khoảng 1 triệu đồng cộng với tiền trợ cấp hộ nghèo và hỗ trợ trẻ em khuyết tật để lo thuốc thang cho cháu.

Hiện tại, bệnh tình của cháu Hậu ngày càng nặng hơn. Do không được phẫu thuật nên cháu mắc phải chứng rối loạn tiêu hóa và bị viêm phổi nặng lâu ngày. Hậu không biết nói, thường xuyên nôn ói, la hét, run rẩy và co giật. “Nhìn cháu như vậy, lòng chúng tôi đau đớn lắm nhưng cũng chẳng biết làm thế nào, chỉ ước mong có phép màu nào đó đến với cháu để giúp cháu khỏi bệnh” – bà Nhật nói trong nước mắt. 

Chính quyền địa phương và Hội Liên hiệp Thanh niên huyện Krông Ana cũng đã vận động bà con quyên góp giúp đỡ cho cháu Hậu phẫu thuật song số tiền quá lớn nên vẫn chưa đủ. Hoàn cảnh đáng thương của cháu Hậu đang rất cần sự chia sẻ, giúp đỡ của các tổ chức, cá nhân có tấm lòng hảo tâm để cháu có thể nhanh chóng được phẫu thuật kịp thời. Mọi sự giúp đỡ xin gửi về: anh Đào Đức Hiệp, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên huyện Krông Ana, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Khát vọng Xanh Krông Ana; điện thoại: 0913120121. Hoặc Quỹ “Tấm lòng vàng” Báo Đắk Lắk 23 - Lê Duẩn, TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk. 

Kim Ngân


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.