Dẫu thác vẫn còn
09:30, 17/10/2010
Hồi nhỏ, tôi từng chứng kiến các bạn đồng niên của cha đến nhà chơi rồi cùng đàm đạo cái đẹp trong nghệ thuật thư pháp, thư họa chữ Nho. Ai cũng khen cha tôi chữ tốt, tốt trong trường hợp này được hiểu là đẹp. Hẳn vì lẽ đó, ông cụ thường được bà con trong làng nhờ viết văn bia, trướng liễn. Đặc biệt, những văn tự trong đám tang như lá triệu treo trên bàn thờ người quá cố, tờ sớ (bằng chữ Nho) đặt trên quan tài trước khi hạ huyệt... hầu như do cha tôi thủ bút. Ông coi đó như việc của mình, nghe nhà nào có người qua đời là ông liền đem bút mực tới cặm cụi viết. Thù lao, tất nhiên không bao giờ nhắc đến trong việc hiếu này. Thời gian dần qua, người biết chữ Hán cổ trong làng nối nhau thành người thiên cổ; cha tôi cũng không còn đi xa được sau vụ tai nạn.
Bữa đó, cha tôi từ đồng về bị một thanh niên đang tập chạy xe máy tông vào. Tưởng không qua khỏi nhưng sau hai tháng nằm viện, sức khỏe ông dần bình phục; đầu óc trở lại gần bình thường nhưng chỉ có thể nhúc nhắc đi lại trong nhà. Hôm ông vừa từ bệnh viện về, trong làng có một cụ “ra đi”. Thân quyến người mất đến nhờ cha tôi viết văn tự tiễn đưa người quá cố nhưng ông đi lại sao được. Nghĩ một lát rồi ông bảo, đem vải, giấy đến nhà để ông viết. Mẹ tôi không đồng ý cho sửa soạn văn vật đám tang ngay tại nhà mình, bà sợ việc này sẽ ảnh hưởng không hay đến gia đình, theo quan niệm tâm linh nào đó. Thuyết phục mẹ không được, cha buồn rầu: “Việc nhiều người không làm được nhưng mình làm được. Mình làm được nhưng không làm thì sống khác nào đã chết?!”. Thấy cha ứa nước mắt, mẹ hoảng quá, đành chiều theo ý ông. Cũng từ đấy, trong làng có đám tang, cha tôi ngồi tại nhà viết những văn tự tiễn đưa người quá cố. Được làm việc ấy, ông như khỏe ra và còn vui vầy bên con cháu đến đại thọ.
Giờ đây, cỏ xanh trên mộ cha tôi đã lâu. Nhưng mỗi khi làng có đám tang hoặc cần người viết văn bia, trướng liễn hay dịch gia phả từ Hán cổ ra quốc ngữ, người ta lại nhắc ông. Họ thường xuýt xoa tiếc nuối: “ Giá như ông Ba còn sống...” và kể một cách trân trọng những việc tốt đẹp ông từng làm cho chòm xóm, gia tộc. Vậy là, dẫu thác nhưng cha tôi vẫn được nhiều người tưởng nhớ. Điều đáng quý ấy đâu phải tự nhiên có được - Anh em tôi thường nhắc nhau như thế mỗi khi nhớ về người cha kính yêu.
Bữa đó, cha tôi từ đồng về bị một thanh niên đang tập chạy xe máy tông vào. Tưởng không qua khỏi nhưng sau hai tháng nằm viện, sức khỏe ông dần bình phục; đầu óc trở lại gần bình thường nhưng chỉ có thể nhúc nhắc đi lại trong nhà. Hôm ông vừa từ bệnh viện về, trong làng có một cụ “ra đi”. Thân quyến người mất đến nhờ cha tôi viết văn tự tiễn đưa người quá cố nhưng ông đi lại sao được. Nghĩ một lát rồi ông bảo, đem vải, giấy đến nhà để ông viết. Mẹ tôi không đồng ý cho sửa soạn văn vật đám tang ngay tại nhà mình, bà sợ việc này sẽ ảnh hưởng không hay đến gia đình, theo quan niệm tâm linh nào đó. Thuyết phục mẹ không được, cha buồn rầu: “Việc nhiều người không làm được nhưng mình làm được. Mình làm được nhưng không làm thì sống khác nào đã chết?!”. Thấy cha ứa nước mắt, mẹ hoảng quá, đành chiều theo ý ông. Cũng từ đấy, trong làng có đám tang, cha tôi ngồi tại nhà viết những văn tự tiễn đưa người quá cố. Được làm việc ấy, ông như khỏe ra và còn vui vầy bên con cháu đến đại thọ.
Giờ đây, cỏ xanh trên mộ cha tôi đã lâu. Nhưng mỗi khi làng có đám tang hoặc cần người viết văn bia, trướng liễn hay dịch gia phả từ Hán cổ ra quốc ngữ, người ta lại nhắc ông. Họ thường xuýt xoa tiếc nuối: “ Giá như ông Ba còn sống...” và kể một cách trân trọng những việc tốt đẹp ông từng làm cho chòm xóm, gia tộc. Vậy là, dẫu thác nhưng cha tôi vẫn được nhiều người tưởng nhớ. Điều đáng quý ấy đâu phải tự nhiên có được - Anh em tôi thường nhắc nhau như thế mỗi khi nhớ về người cha kính yêu.
Nguyễn Trọng Hoạt
Ý kiến bạn đọc