Multimedia Đọc Báo in

Hết mình với phong trào thanh niên

22:19, 31/10/2010

Những năm qua, phong trào Đoàn tại huyện Krông Ana là một trong những địa phương được đánh giá là sôi nổi và có chiều sâu nhất trong toàn tỉnh. Bên cạnh sự quan tâm của các cấp ủy Đảng và chính quyền, thành công trong công tác Đoàn tại đây là nhờ có được một “thủ lĩnh” thực sự tâm huyết với phong trào, đó là anh Thái Văn Tài, cách đây chưa lâu là  Bí thư Huyện Đoàn Krông Ana.

Với đặc thù của huyện Krông Ana có đến trên 50% thanh niên là đồng bào dân tộc thiểu số nên công tác tập hợp thanh niên gặp nhiều khó khăn. Lực lượng thanh niên, đặc biệt là thanh niên nông thôn được gắn liền với cụm từ “3 không” (không quyền làm chủ tài sản, không tiền, không chuyên môn). Hơn thế, tâm lý của thanh niên là không kiên trì, chỉ muốn làm những “việc lớn” và không thích ở lại nông thôn. Vì vậy, việc vận động thanh niên tham gia các phong trào, nhất là phong trào phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo gặp nhiều trở ngại. Không lùi bước trước khó khăn, anh Thái Văn Tài đã có nhiều sáng kiến, triển khai nhiều hoạt động cuốn hút thanh niên nhiệt tình tham gia. Qua tiếp xúc, tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của thanh niên là muốn phát triển kinh tế nhưng thiếu vốn và kinh nghiệm sản xuất, anh Tài đã mạnh dạn triển khai phong trào “4 mới” (kỹ thuật mới, ngành nghề mới, thị trường mới, mô hình mới) cho thanh niên trong huyện. Đích thân anh đi gõ cửa Ngân hàng Chính sách xã hội huyện và các doanh nghiệp để hỗ trợ về vốn, đồng thời kêu gọi các nhà khoa học đến giúp đỡ thanh niên về khoa học kỹ thuật. Cho đến nay, Huyện Đoàn Krông Ana đã thực hiện các mô hình gồm: mô hình trồng nấm; trồng rau sạch trong nhà lưới; nuôi thỏ, gà thả vườn; nuôi cá rô phi, ba ba; làm phân vi sinh. Các mô hình này đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho những đoàn viên tham gia, đồng thời thu hút hàng trăm đoàn viên triển khai thực hiện sau khi được tham quan và học hỏi cách làm tại đây. Kể về những ngày đầu triển khai thực hiện các mô hình mẫu này, anh chia sẻ, do chưa có nhiều kinh nghiệm về nông nghiệp nên những thành viên tham gia cũng gặp không ít khó khăn, bản thân anh phải bám sát từng khâu trong quá trình triển khai. Theo anh, bám sát được như vậy không chỉ giúp mình đúc rút được kinh nghiệm mà còn tạo ra chỗ dựa, động viên thanh niên tự tin hơn nếu lỡ gặp thất bại.

 

Trước thực trạng thanh niên không có sân chơi dẫn đến nhiều biểu hiện tiêu cực, anh nghĩ đến việc xây dựng sân bóng chuyền tại các buôn trong huyện, nhưng khó khăn nhất là tiền đâu để làm. Và anh Tài lại “xoay”. Khi chưa có sự hỗ trợ nào, anh kêu gọi sự đóng góp trong đoàn viên thanh niên là công chức trong các cơ quan, ban ngành của huyện. Bản thân anh đã mạnh dạn thế chấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của gia đình để góp tiền xây dựng các sân bóng đầu tiên. Có tiền mua vật liệu, nhưng để việc xây dựng sân bóng chuyền trở thành một hoạt động có ý nghĩa, anh Tài lại vận động thanh niên địa phương tham gia thi công các công trình này. Từ chính hiệu quả của những sân bóng chuyền đầu tiên ấy đã thuyết phục được các cấp, các ngành và cả xã hội cùng chung tay tham gia. Lần lượt 26 sân bóng chuyền trị giá hàng trăm triệu đồng tại các buôn trong huyện đã mọc lên, không chỉ tạo sân chơi cho thanh niên mà còn là nơi sinh hoạt văn hóa của nhân dân, mang lại giá trị xã hội to lớn. Hôm gặp chúng tôi, anh Tài còn đùa rằng: “Giờ thì mọi việc đã ổn, mình vừa lấy “sổ đỏ” ra, thiếu tí nữa thì mình đưa vợ con vào ở tập thể rồi”. Là Bí thư Huyện Đoàn, anh Thái Văn Tài luôn đi đầu trong mọi hoạt động, thể hiện vai trò “thủ lĩnh” dám nói, dám làm và vận động thanh niên bằng những việc làm cụ thể, thiết thực. Hơn thế, anh luôn tự tạo ra sức ép đối với bản thân bằng chính những công việc đã đề ra để làm sao không thất hứa với các cấp ủy Đảng, chính quyền cũng như với đoàn viên thanh niên. Những ý tưởng hay, cách làm sáng tạo của anh thu hút hàng nghìn lượt thanh niên tham gia các cuộc vận động lớn của Đảng và Nhà nước, các hoạt động của địa phương. Từ thành công của mình, anh Tài cho rằng, để công tác vận động thanh niên đạt hiệu quả, trước hết phải xóa bỏ tính hình thức trong mọi hoạt động, các công việc triển khai phải cụ thể và đảm bảo tính bền vững. Các cấp, các ngành cần mạnh dạn giao nhiệm vụ cho thanh niên, nhất là thanh niên dân tộc thiểu số, đồng thời cần đảm bảo lợi ích kinh tế cũng như lợi ích chính trị cho họ.

Hiện nay, mặc dù đã chuyển công tác sang công tác tại Phòng Giáo dục huyện Krông Ana, nhưng anh Thái Văn Tài vẫn luôn trăn trở với phong trào thanh niên của địa phương. Những hoạt động không biết mệt mỏi của anh chính là nền tảng vững chắc để phong trào Đoàn của huyện Krông Ana tiếp tục phát triển trong thời gian tới.

 

Giang Nam

 


Ý kiến bạn đọc