Multimedia Đọc Báo in

Người phụ nữ sản xuất giỏi và có tấm lòng nhân ái

09:22, 25/10/2010

Đến xã Cư Êbur, TP. Buôn Ma Thuột, hỏi chị Nguyễn Thị Lý, Chi hội trưởng phụ nữ thôn 2, có lẽ không ai là không biết đến, bởi chị không chỉ làm kinh tế giỏi mà còn là người có tấm lòng nhân ái.

Người khởi xướng kinh tế trang trại
Với người dân Cư Êbur, khi nói đến nguồn lực chủ yếu để phát triển kinh tế gia đình, mọi người sẽ nghĩ ngay đến nguồn thu nhập từ các trang trại chăn nuôi. Bởi, phần lớn các hộ gia đình ở đây đều chăn nuôi gia súc, gia cầm, động vật hoang dã theo mô hình trang trại từ vài ba trăm con đến hàng ngàn con. Để có được kết quả đó phải kể đến công lao khởi xướng ban đầu của chị Nguyễn Thị Lý (thôn 2). “Hơn 20 năm trước, cuộc sống gia đình tôi chỉ với những sào rẫy cà phê, khi mất mùa, lúc mất giá, không đủ nuôi 5 đứa con đang tuổi ăn học và người chồng bị bệnh thần kinh.

Sau những đêm trăn trở, tôi quyết định bán một ít rẫy để làm trang trại nuôi bò”, chị Lý nhớ lại. Ban đầu, chị nuôi 10 con, dần dần tăng lên hơn 100 con. Cứ thế, hơn 6 năm gắn bó với nuôi bò, cuộc sống gia đình chị Lý giờ đã có của ăn, của để. Thấy mô hình chăn nuôi bò của chị hiệu quả, nhiều người dân trong xã đã đến học hỏi, chị sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, giúp vốn hoặc bán nợ bò cho các hộ khó khăn để họ có điều kiện phát triển kinh tế. Năm 2005, chị quyết định bán hết đàn bò để chuyển sang chăn nuôi vịt, ngan, chim cút, heo, đến nay trang trại của chị đã có hơn 2.000 con vịt, 3.000 chim cút, hơn 300 con ngan, và khoảng 80 con heo vừa xuất chuồng trước đợt dịch bệnh tai xanh vừa rồi. Trung bình mỗi năm, sau khi đã trừ chi phí, chị thu vào hơn 200 triệu đồng.

Chị Lý đang chăm sóc đàn vịt.
Chị Lý đang chăm sóc đàn vịt.

“Bà đỡ” cho những người nghèo
Không chỉ làm kinh tế giỏi mà chị Lý còn hay giúp đỡ mọi người. Với gia đình anh Bùi Đình Duy và chị Trần Thị Liên (thôn 2) khi từ ngoài Bắc vào đến Dak Lak (năm 1999) lập nghiệp, trong túi chỉ còn 20.000 đồng, được chị Lý cho ở nhờ và bảo lãnh giúp vợ chồng anh vay 4 cây vàng lập nghiệp, nhờ vậy cuộc sống của anh chị dần ổn định, đến nay đã tạo dựng được một cơ ngơi vững chắc từ việc kinh doanh hàng hóa ở chợ, các con đều học hành đến nơi, đến chốn. Anh Duy luôn tự nhắc nhở mình và các con noi gương chị Lý, biết giúp đỡ mọi người trong những lúc khó khăn, hoạn nạn.

Cũng như gia đình anh Duy, ông M’Sư (thôn 1) từng giữ bò cho nhà chị Lý, cũng được chị cho mượn tiền xây dựng một trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm. Trước đây, gia đình ông bữa đói, bữa no, ông đi chăn bò thuê một tháng chỉ được 1 triệu đồng mà phải nuôi cả nhà 8 miệng ăn. Trong bối cảnh đó, chị Lý quyết định ứng trước 8 triệu đồng tiền lương và giúp ông xây dựng chuồng trại nuôi heo, đồng thời bán nợ cho ông hai con bò và cho nuôi chung trong trang trại của chị. Sau 2 năm, ông M’Sư đã có 6 con bò làm vốn phát triển kinh tế gia đình, nhờ vậy cuộc sống cũng dần ổn định. Để kể hết những trường hợp đã được chị Lý giúp đỡ thì quả thật khó, bởi tùy vào hoàn cảnh mỗi người mà chị có cách hỗ trợ khác nhau. Đó là những lúc cho chị Phương (thôn 2) mượn tiền đi khám bệnh, là khi xóa nợ cho anh Quang (thôn 3) mượn 3,5 triệu đồng nhưng không có khả năng trả…

Với những việc làm trên, chị Lý là tấm gương để nhiều chị em trong hội phụ nữ xã noi theo. Bà Nguyễn Thị Phương Lan, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Cư Êbur cho biết, ngoài những việc làm nhân ái, chị Lý – với cương vị là Chi hội trưởng phụ nữ thôn - còn làm tốt nhiệm vụ hòa giải về các mối bất hòa giữa chòm xóm và hôn nhân của một số gia đình trong thôn. Qua những nỗ lực và cố gắng không mệt mỏi, chị Lý đã được Hội Nông dân Việt Nam, UBND tỉnh, UBND xã Cư Êbur… tặng nhiều Bằng khen và Giấy khen về sản xuất kinh doanh giỏi, và có thành tích trong công tác hòa giải.

 

Thúy Hồng

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.