Multimedia Đọc Báo in

20 năm đi tìm đồng đội

14:50, 31/12/2011

Sở hữu bản danh sách gần 500 liệt sĩ cùng bản đồ, tọa độ nơi các đồng đội đã hy sinh hay được an táng, gần 20 năm qua ông Nguyễn Ngọc Sương, người sĩ quan đặc công năm xưa ấy đã âm thầm làm công việc báo tin cho gia đình các liệt sĩ và trèo đèo, lội suối, đến tận rừng thẳm, núi xanh để tìm, mang hài cốt đồng đội về đoàn tụ với gia đình, quê hương.

Còn sức khỏe còn đi tìm đồng đội
Tại Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh chúng tôi gặp ông Nguyễn Ngọc Sương đang cùng gia đình liệt sĩ Bùi Ngọc Trình đưa mộ phần về an nghỉ tại quê nhà Hà Nam. Đây là một trong những trường hợp mà ông Sương cùng gia đình đã bỏ ra nhiều công sức tìm kiếm. Ông Sương nói rằng năm nay là năm khá may mắn trong việc tìm kiếm đồng đội vì đã giúp các gia đình tìm được gần 10 ngôi mộ trên khắp các tỉnh Tây Nguyên, nơi Trung đoàn Đặc công của ông từng chiến đấu. Ông hồ hởi khi kể về thành công của chuyến hành trình đầy vất vả, khó khăn khi tìm mộ liệt sĩ Nguyễn Trung Thành vào hồi đầu năm. Từ lá thư báo tin của ông Sương, gia đình liệt sĩ Thành tại Hà Nội (tỉnh Hà Tây cũ) đã vào Buôn Ma Thuột tìm ông Sương và đưa ông cùng sang huyện Đăk Tô, Tân Cảnh (tỉnh Kon Tum) để tìm mộ. Hơn nửa tháng trời đào bới khắp vùng, theo tọa độ trong bản đồ thì trước kia là rừng xanh, nhưng giờ đây đã thành rẫy sắn của đồng bào, nhà dân lại xa nên rất khó khăn trong sinh hoạt, bánh mì, cơm nắm phải nhường nhau… Ban ngày đi xác định tọa độ, đào bới trên những quả đồi cao dưới trời nắng như đổ lửa, buổi tối lại phải đến từng nhà dân có người sống lâu ở vùng đó và có rẫy trong tọa độ xác định để hỏi thông tin về mộ phần… Kết hợp với huyện đội Đăk Hà và những người già trong buôn, cuối cùng gia đình cũng đã tìm được hài cốt, đưa mẫu đi thử AND cho kết quả chính xác... Ông kể mà ánh mắt vui mừng như thể tìm lại được người thân của mình. “Mỗi khi tìm thấy hài cốt đồng đội lòng tôi lại ngập tràn xúc cảm. Niềm vui của những người mẹ, người vợ, người con khi tìm được người thân dù đã nằm dưới lớp đất dày làm tôi thêm ấm lòng và quyết tâm hơn ”- ông Sương tâm sự. Nhưng giọng ông thoáng buồn, chùng xuống khi kể về những trường hợp tìm kiếm đã lâu mà chưa thấy như tìm mộ liệt sĩ Nguyễn Ngọc Lan. Đây là hành trình  tìm kiếm mộ khó khăn, vất vả nhất. Con gái của liệt sĩ Lan là Nguyễn Ngọc Lương sinh năm 1963, chưa một lần được nhìn thấy mặt cha vì cha nhập ngũ khi Lương còn nằm trong bụng mẹ. Từ nguồn tin do ông Sương cung cấp cho gia đình, Lương đã lặn lội gần 2.000 cây số vào Buôn Ma Thuột tìm đến ông Sương nhờ được giúp đỡ. Sau một tuần ròng rã trên xe máy và leo hết ngọn núi này đến ngọn núi khác, dốc đứng, trơn trượt, dựa vào trí nhớ và dò theo tọa độ trên bản đồ, hai bác cháu mới xác định được nơi hy sinh của thượng úy, chính trị viên Nguyễn Ngọc Lan là ở xã Cư Dliê M’nông, huyện Cư M’gar. Nhưng chỉ mới khoanh vùng chứ tìm được mộ là một việc còn khó gấp nhiều lần vì những cánh rừng ngày xưa giờ đã biến thành nương rẫy, nhà ở. Những ngôi mộ chôn vội vàng sau mỗi cuộc chiến với khoảng thời gian gần 40 năm rồi, nếu tìm được là một kỳ tích và may mắn lắm. Ông Sương đã có gần chục đợt, mỗi đợt dài từ một tuần đến vài tuần cùng cô con gái đồng đội đến vùng đã được xác định để dò hỏi người dân địa phương, tiến hành đào bới theo chỉ dẫn của các nguồn tin và nhà ngoại cảm, nhưng cho đến nay vẫn chưa tìm thấy…

Gần 20 năm nay, chẳng kể gần xa, mỗi lần phát hiện dấu tích mộ liệt sĩ hay có người nhờ giúp đỡ là ông sẵn sàng lên đường. Ngôi nhà của ông tháng nào cũng có khách xa đến ăn ở để đi tìm mộ. Ông Sương tâm sự: “Mỗi lần tìm thấy hài cốt đồng đội, niềm vui, nỗi buồn cứ xen lẫn trong tâm trí tôi. Vui vì giọt mồ hôi mình đổ ra không vô nghĩa. Buồn vì nhiều đồng đội khác vẫn còn nằm đâu đó trong lòng đất... Còn sức khỏe, tôi tiếp tục đi tìm đồng đội”.

Ông Sương (bìa phải) cùng thân nhân liệt sĩ đang xác định tọa độ và thu thập thông tin của người dân quanh vùng.
Ông Sương (bìa phải) cùng thân nhân liệt sĩ đang xác định tọa độ và thu thập thông tin của người dân quanh vùng.

“Đại gia liệt sĩ”
Đó là biệt danh mà những người làm công tác chính sách có công đặt cho ông Sương - người nắm giữ một danh sách gần 500 liệt sĩ từng là đồng đội của ông… Nhập ngũ năm 1970, ông Sương trở thành lính đặc công - đội quân tinh nhuệ của Trung đoàn 400. Năm 1975, Trung đoàn của ông là một trong những mũi tấn công vào Sân bay Hòa Bình (Buôn Ma Thuột). Tiếp đó là những tháng ngày “chia lửa” tại chiến trường Campuchia. Buông súng, ông lại tiếp tục việc học của mình rồi công tác ở Ban Quân lực Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh. Năm 1989, ông chuyển ngành và giữ chức vụ Trưởng Ban I thuộc UBND thị xã Buôn Ma Thuột. Năm 1992, Ban I giải tán, ông Sương xin về hưu. Đây là khoảng thời gian thích hợp để ông bắt tay vào thực hiện ý định nung nấu trong lòng bao lâu nay: tìm mộ đồng đội và thông tin các liệt sĩ cho thân nhân đi tìm kiếm. Việc đầu tiên là ông kết hợp với  ông Nguyễn Ngãi (nguyên Chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh) và ông Lê Mạnh Hùng (nguyên  Lữ trưởng, Lữ đoàn đặc công 198) tổng hợp, sưu tầm hồ sơ những chiến sĩ thuộc Trung đoàn của ông đã hy sinh. Quá trình sưu tập cũng rất vất vả vì địa bàn chiến đấu rộng, liên quan đến nhiều tỉnh phải liên lạc, trực tiếp đến từng nơi, vẽ lại sơ đồ , tọa độ nơi các chiến sĩ từng chiến đấu và hy sinh. Danh sách liệt sĩ dần được hình thành và bổ sung hoàn thiện đầy đủ. Ban đầu chỉ là hơn 200 liệt sĩ, nay thì 483 liệt sĩ thuộc Trung đoàn đã có đầy đủ thông tin trong cuốn sổ “đỏ”- báu vật thiêng liêng của ông. Tuy nhiên, mới chỉ có 354 người được quy tập về các nghĩa trang trên địa bàn đã hy sinh như Nha Trang (Khánh Hòa), Sân bay Thành Sơn, Phan Rang (Ninh Thuận), Gia Lai, Kon Tum, Dak Lak; 129 liệt sĩ vẫn chưa tìm thấy hài cốt.  Đến nay, điều làm ông trăn trở nhất là nhiều anh em còn nằm lại ở những cánh rừng, vùng đất xa, hoặc đã được đoàn tụ tại nghĩa trang nhưng vẫn còn khuyết danh, chưa tìm ra quê quán. Nghĩa trang Liệt sĩ tỉnh có hơn 2.000 mộ liệt sĩ được cất bốc về thì 105 ngôi mộ trong số đó còn khuyết danh.

Lần theo địa chỉ trong cuốn sổ “đỏ” đặc biệt của mình ông gửi thư về tất cả các gia đình liệt sĩ thông báo cụ thể tháng ngày, địa điểm hy sinh, tình trạng hài cốt hiện nay, đã được quy tập về đâu hay chưa…cho gia đình liệt sĩ biết để khỏi đi tìm không đúng địa chỉ hoặc có kế hoạch đi thăm, tìm. “Vì ngày xưa, theo nguyên tắc, giấy báo tử chỉ ghi là hy sinh ở mặt trận phía Nam. Mà mặt trận phía Nam thì mênh mông từ Quảng Trị trở vào nên nhiều gia đình không biết đâu mà tìm hoặc tìm kiếm theo những thông tin mê tín...” - ông Sương chia sẻ ý nghĩa việc làm của mình.

Trong cuốn sách ghi chép của ông dày đặc tên các liệt sĩ mà ông đã báo tin. Ông ước chừng có khoảng 30% số gia đình liệt sĩ, đến khi nhận được thư của ông họ mới biết liệt sĩ đó đang ở đâu. Như liệt sĩ Nguyễn Xuân Dự quê Hà Nội, hy sinh ở Buôn Hồ năm 1972, người nhà của liệt sĩ khi nhận được tin của ông Sương họ vui mừng, xúc động òa khóc trong điện thoại khiến ông cũng khóc theo. Hay như gia đình liệt sĩ Lô Ích Cần từ Cao Bằng nhận được tin của ông là vào ngay và theo tọa  độ, bản đồ mà ông Sương cung cấp, trực tiếp đến hiện trường (giờ đã là rẫy cà phê) tìm được ngôi mộ ở Ea Kmat, (xã Hòa Đông, TP. Buôn Ma Thuột).

“Tiếng lành đồn xa”, thân nhân liệt sĩ ở khắp các vùng từ Cao Bằng, Lạng Sơn đến TP. Hồ Chí Minh đều gọi điện, tìm đến ông khi về các tỉnh Tây Nguyên tìm mộ. Mỗi lần có người cậy nhờ, lòng ông lại đầy tâm trạng, vui vì họ tin tưởng và lại có thêm một đồng đội nữa được về sum họp cùng người thân, băn khoăn vì không biết cuộc tìm kiếm có thành công như ý để người nhà khỏi thất vọng…”

Gần 20 năm nay, cái công việc thầm lặng mà thiêng liêng ấy vẫn không có ai thay thế ông được. Những người nhiệt tình, có sức khỏe thì thuộc thế hệ sau không nắm được địa bàn nơi đồng đội ông đã chiến đấu và hy sinh trong khi cảnh vật sau gần 40 năm thay đổi quá nhiều. Nay đã 60 tuổi, ông Sương vẫn không mệt mỏi trong những chuyến đi tìm đồng đội. Hạnh phúc hơn, bên cạnh ông luôn có người vợ tảo tần sớm hôm, ủng hộ và chăm lo cho ông trong mọi chuyến đi. “Tôi vui vì đã góp phần nhỏ sức mình làm được điều gì đó tri ân đến các đồng đội, những người đã ngã xuống”.

 

Minh Quân

 


Ý kiến bạn đọc