Multimedia Đọc Báo in

Gần 10 năm đi đòi quyền sở hữu trí tuệ vẫn không “nguội” niềm đam mê sáng chế

18:39, 23/01/2011

Con người ông khá đặc biệt, đam mê khoa học kỹ thuật đến kỳ lạ. Niềm đam mê dường như đã ngấm vào máu thịt. Nhắc đến tên ông, kỹ sư Hoàng Thịnh ở thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông Ana, người ta không chỉ biết ông là chủ nhân của nhiều phát minh trong lĩnh vực cơ khí, chế tạo máy móc mà còn biết đến là nguyên đơn của một vụ kiện vi phạm quyền sở hữu trí tuệ đã gần 10 năm nay vẫn chưa có hồi kết.

 

Tốt nghiệp Khoa Cơ khí chế tạo máy móc, Đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh năm 1974, chàng kỹ sư trẻ người Huế này ấp ủ ước mơ trở thành nhà sáng chế trở về quê hương. Rong ruổi với nghiệp mưu sinh, bệ thổi lửa và chiếc búa đe là tài sản quý trong hành trang lên Dak Lak lập nghiệp của ông bắt đầu từ năm 1976. Gần 10 năm làm thuê cuốc mướn, sự nghiệp, thành công mà ông có được trên con đường nghiên cứu chế tạo máy móc chính là từ số tiền tiết kiệm chắt chiu của những năm tháng lao động vất vả cực nhọc đó. Mua được một chiếc máy hàn, ông bắt tay sản xuất các công cụ lao động thô sơ. Năm 1985 các lò gạch ở huyện Krông Ana phát triển mạnh, những chiếc máy đùn gạch giúp tăng năng suất lao động nhưng độ an toàn không cao, nhiều vụ tai nạn công nhân bị đứt chân đứt tay xảy ra khiến ông trăn trở phải làm một cái gì đó để khắc phục tình trạng này. Sau nhiều năm mày mò nghiên cứu, sản phẩm máy đùn gạch có gắn trục cào ra đời đã đem đến những kết quả bất ngờ, tăng công suất máy trung bình 150-230% so với trước và đặc biệt là giảm thiểu tối đa tai nạn lao động. Tháng 12-2002, Cục Sở hữu công nghiệp (nay là Cục Sở hữu trí tuệ, thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp bằng độc quyền giải pháp hữu ích số 319 (gọi tắt là bằng 319) về sản phẩm máy đùn gạch có gắn trục cào cho kỹ sư Hoàng Thịnh. Nhưng sau đó, ngay lập tức, sản phẩm ra đời đã bị “đánh cắp” dưới nhiều hình thức và ông Thịnh bắt đầu vất vả với hành trình đi đòi quyền sở hữu trí tuệ suốt từ năm 2002 đến nay. Một mình bỏ ra không ít công sức và tiền bạc điều tra, khảo sát, ông đã phát hiện không chỉ trên địa bàn Dak Lak mà các tỉnh lân cận như Bình Định, Bình Thuận, Đồng Nai, Bình Dương, Khánh Hòa, Dak Nông cũng có các cơ sở vi phạm sản phẩm độc quyền của ông. Nhưng nỗ lực lớn của bản thân cùng sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng vẫn chưa đủ mạnh để ngăn chặn triệt để. Những hành vi xâm phạm quyền đối với bằng 319 vẫn gia tăng đa dạng, tinh vi hơn nhằm trốn tránh pháp luật.

Đến cuối tháng 3-2008, UBND tỉnh Dak Lak mới có văn bản chỉ đạo chuyển toàn bộ hồ sơ vụ việc đến Tòa án Nhân dân tỉnh. Sau hàng chục lần thay đổi lịch xét xử, ngày 17, 18-6-2010 Tòa án tỉnh đã mở phiên tòa sơ thẩm tiến hành xét xử công khai vụ kiện “tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ”. Tuy nhiên, yêu cầu của ông đòi một chủ doanh nghiệp trên địa bàn thị trấn Buôn Trấp bồi thường 30 triệu đồng vì đã nhái sản phẩm máy đùn gạch có gắn trục cào do ông sáng chế bán ra thị trường bị tòa bác bỏ vì cho rằng vắng mặt nhân chứng và chưa đủ chứng cứ. Điều đáng nói là đến ngày 20-8-2011 tới đây, công trình được cấp bằng độc quyền của ông sẽ hết hiệu lực.

Điều vô cùng trân trọng ở kỹ sư Hoàng Thịnh, dù vụ kiện gần 10 năm chưa đem lại kết quả nhưng thay bằng tâm lý chán nản, mệt mỏi, niềm đam mê sáng tạo để cống hiến cho xã hội nhiều sản phẩm có ý nghĩa vẫn luôn cháy sáng ở con người này. Danh sách những công trình sáng chế cứ lần lượt đã ra lò khiến mọi người càng thêm nể trọng ông, đó là các sản phẩm máy sấy vỉ đứng, máy sấy vỉ ngang, máy sấy hồi lưu khí sấy và mới đây nhất ông cho trình làng sản phẩm máy sấy cà phê quả tươi đảo trộn tự động đã được cấp bằng độc quyền sáng chế số 7002 với sự hỗ trợ của Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia.

 

Đàm Thuần

 


Ý kiến bạn đọc