Multimedia Đọc Báo in

Già làng buôn K’Bu mẫu mực, giỏi làm kinh tế

09:27, 04/07/2011

Người dân ở K’Bu (xã Hòa Khánh, TP. Buôn Ma Thuột) thường nhắc đến già làng Ama Ly (tên đầy đủ là Y Bling Niê K’riêng) với một niềm tin yêu và quý mến. Không chỉ là một già làng gương mẫu, luôn gần gũi với bà con, Ama Ly còn là một điển hình trong việc phát triển kinh tế hộ gia đình.

Chúng tôi có dịp đến thăm nhà Ama Ly vào thời điểm vừa thu hoạch xong mùa gặt. Trong gian nhà kho phía sau bếp, từng bao lúa được xếp ngay ngắn, chất cao thành đống. Già vui vẻ nói: “Mùa này, già thu hoạch được hơn 1 tấn thóc, dù không nhiều hơn so với năm ngoái là mấy nhưng vẫn vui lắm vì xung quanh đây, dân bản đều được mùa, không còn nỗi lo thiếu gạo lúa giáp hạt…” Nói rồi, già đưa mắt nhìn ra xa, về phía những con đường làng giờ đã trải nhựa, thẳng tắp, hối hả bước chân người ra đồng. Được biết, ở buôn K’Bu này, Ama Ly là người tiên phong học cách làm lúa nước và tiến hành làm lúa 2 vụ. Với già Ama Ly thì buôn K’Bu là nơi sinh ra, nuôi dưỡng ông với bao kỷ niệm gắn bó. Đã 61 mùa rẫy trôi qua, chừng đó năm in dấu trong ông bao kỷ niệm thắm đượm tình nghĩa với bà con và chứng kiến nhiều đổi thay của xóm làng. Già còn nhớ trước đây bà con chưa biết làm lúa nước, chỉ quen với việc phát rẫy, trỉa hạt nên năng suất không cao, đó là chưa kể có năm lại bị mất mùa, đói nghèo đeo bám dai dẳng. Thế là, già lặn lội đi tìm hiểu, tham khảo cách trồng lúa của người Kinh và học hỏi thêm từ sách, báo… quyết tâm thực hành trên ruộng lúa của gia đình mình.

Già Ama Ly đang chăm sóc vườn tiêu của mình.
Già Ama Ly đang chăm sóc vườn tiêu của mình.
Lúc đầu chưa có kinh nghiệm nên cũng gặp không ít khó khăn, lúa mọc lên xanh những cây không trổ đồng hoặc mắc phải dịch bệnh, thành ra vụ mùa thu hoạch cho năng suất không cao.  Song với tinh thần ham học hỏi, chịu khó và không nản chí, già đã rút ra được kinh nghiệm sau những lần thất bại, áp dụng khoa học - kỹ thuật vào trong sản xuất, lựa chọn giống mới, đã mang lại hiệu quả cao hơn hẳn. Dần dần, cuộc sống đi vào ổn định, thóc lúa bắt đầu chất thành đống trong nhà, đói nghèo không con đeo bám nữa. Song, không dừng lại ở cây lúa nước, già còn mở rộng diện tích, tìm hiểu về cách trồng và chăm sóc cây cà phê, tiêu; bên cạnh đó, còn chăn nuôi gia súc, gia cầm…, tận dụng nguồn phân để bón cho cây trồng. Tham gia tích cực các lớp tập huấn, hội thảo đầu bờ do thành phố tổ chức, cộng với tính cần mẫn, chịu khó, Ama Ly bắt đầu có của ăn của để, sắm được các vật dụng cần thiết trong nhà. Hiện, già đã có hơn 3 ha cà phê, tiêu, đàn bò  heo, bò lên đến hàng chục con. Chỉ tính riêng thu nhập từ cà phê, hàng năm ông thu hoạch được 5 tấn, trừ chi phí một năm thu nhập cũng được hơn một trăm triệu đồng. Không chỉ làm giàu cho gia đình mình, Ama Ly còn gần gũi, giúp đỡ bà con cây giống, con giống, bày cách làm kinh tế có hiệu quả, đạt năng suất cao và tham gia tích cực vào các hoạt động của các tổ chức đoàn thể. Trong buôn hễ ai có việc gì cũng đến nhờ già làng Ly khuyên bảo, hướng dẫn. Già chẳng nề hà bất cứ việc gì, dù lớn, bé đều nhiệt tình, vui vẻ giúp đỡ. Chính vì vậy mà Ama Ly đã tạo được uy tín và lòng tin yêu của bà con.    

Với những nỗ lực của mình, ngoài danh hiệu là “Doanh nhân vi mô tiêu biểu của Việt Nam” năm 2007, Ama Ly còn nhận được nhiều Bằng khen, Giấy khen của UBND tỉnh, thành phố, xứng đáng là tấm gương làm kinh tế giỏi, già làng mẫu mực của buôn K’Bu.

Đỗ Lan

Ý kiến bạn đọc