Người thương binh “vác tù và hàng tổng”
Tháng 3-1977, Giàng Seo Sình, người Mông quê ở xã Nam Sơn, Hoàng Su Phì (Hà Giang) nhập ngũ vào lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Giang. Năm 1979, trong một trận chiến đấu ở biên giới phía Bắc, anh đã bị thương mất đi một chân và được phục viên về quê hương. Cuộc sống khó khăn, năm 1997, Giàng Seo Sình cùng gia đình vào định cư tại thôn Yang Hăn, xã Cư Drăm (Krông Bông). Nhờ chịu khó, chăm chỉ nên đến nay gia đình anh đã có gần 2 ha đất canh tác với đủ các loại cây trồng theo mùa vụ. Thu nhập ổn định, anh đã xây được 3 gian nhà ngói khang trang.
Từ khi vào định cư ở quê hương mới, Giàng Seo Sình bắt đầu tham gia công tác xã hội. Là người năng nổ, nhiệt tình, sống giản dị và có uy tín nên anh được cấp trên và bà con tin tưởng giao cho rất nhiều trọng trách: đại biểu HĐND xã Cư Drăm; Phó Chủ tịch Hội người cao tuổi xã; Ủy viên Ban chấp hành Hội Cựu chiến binh xã; Trưởng Ban Mặt trận thôn Ea Hăn; Hội trưởng Hội Cha mẹ học sinh Trường Tiểu học Yang Hăn. Ở vị trí nào, anh cũng hoàn thành tốt nhiệm vụ. Tuy sức khỏe hạn chế nhưng anh vẫn thường xuyên xuống cơ sở, khi thì đến những gia đình có con em hay nghỉ học để vận động các em ra lớp; thăm hỏi, tặng quà cho những cụ già neo đơn, có hoàn cảnh khó khăn; có lúc lại đến từng gia đình để nắm bắt những khó khăn, vướng mắc để kịp thời phản ánh trong các cuộc họp ở thôn hoặc họp HĐND xã; có khi lại tham gia hòa giải mâu thuẫn trong các gia đình hoặc giữa các hộ trong thôn, xã. Cùng với Ban Tự quản các thôn, anh đã vận động phụ huynh học sinh quyên góp xây dựng được 2 phòng học tạm và 8 gian nhà ở bằng gỗ cho cán bộ, giáo viên. Anh còn thường xuyên phối hợp với các đoàn thể, ban tự quản của thôn lồng ghép trong các cuộc họp để tuyên truyền, vận động bà con thực hiện tốt chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước… Khi được hỏi với số lượng công việc nhiều như vậy thì anh lấy thời gian đâu để chăm lo cho gia đình, Giàng Seo Sình tâm sự: “Cuộc sống gia đình mình bây giờ cũng ổn định rồi, các con đã lớn, có gia đình riêng và đều có nhà cửa, đất đai để sản xuất. Mỗi tháng mình cũng có tiền chế độ thương binh nên mình yên tâm giành hết công sức để cống hiến công việc xã hội. Lúc nào rảnh mình tranh thủ đóng rương, hòm, bàn ghế để bán kiếm thêm tiền cho bà xã đi chợ”.
Với những thành tích trong công tác, Giàng Seo Sình được các cấp, các ngành tặng rất nhiều giấy khen. Đặc biệt, năm 2008, anh vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng. Còn bà con trong thôn Ea Hăn thì vẫn thường gọi anh một cách trìu mến: “Người vác tù và hàng tổng”.
Tùng Lâm
Ý kiến bạn đọc