Multimedia Đọc Báo in

Người thôn trưởng gương mẫu

05:52, 10/10/2012

Ông Triệu Tiến Kim (người dân tộc Mán), Thôn trưởng thôn Bình Minh, xã Cư Suê (huyện Cư M’gar) là một trong số 10 hộ giàu có của thôn vì đang sở hữu gần 1 ha cà phê, tiêu, hơn 1 ha cao su và nhiều diện tích lúa nước, hoa màu.

Thôn trưởng Triệu  Tiến Kim  (bìa phải)  và Bí thư Đảng ủy  xã  Nguyễn  Văn Quang.
Thôn trưởng Triệu Tiến Kim (bìa phải) và Bí thư Đảng ủy xã Nguyễn Văn Quang.

Đầu những năm 50, ông Kim từng bị giặc Pháp bắt vào Tây Nguyên làm “cu li” cho đồn điền cao su. Những năm tháng làm công cho Pháp, tuy cực khổ, nghèo đói nhưng đổi lại, ông cũng học được chút kiến thức kỹ thuật về cạo mủ cao su cũng như cách trồng, chăm sóc cà phê của các chủ đồn điền cao su, cà phê người Pháp. Và nay khi có điều kiện, ông đã áp dụng kỹ thuật đó vào việc phát triển vườn cây của gia đình, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Ông cho biết: “Những cách thức làm ăn như thế nào để đem lại hiệu quả kinh tế, xây dựng gia đình hòa thuận với 8 người con thành đạt… tôi đều hướng dẫn bà con cùng làm như mình. Người dân tộc thiểu số vốn không biết trồng cây công nghiệp dài ngày nên phải hướng dẫn họ bằng chính việc làm của mình thì họ sẽ tin. Những năm 80 khi Nhà nước phát động trồng cà phê tư nhân, tôi đã đi đầu trồng hơn 1 ha. Đến năm 2000, khi cây cà phê già cỗi, tôi cũng vận động bà con chuyển sang trồng ca cao, cao su, trồng tiêu xen trong vườn cà phê...”. Có thể nói, cũng từ việc vận động chuyển đổi cây trồng theo chủ trương chung mà 90% hộ gia đình trong thôn có kinh tế phát triển nhanh và bền vững. Khi cuộc sống của đồng bào đã khá hơn, ông cùng với chính quyền địa phương vận động bà con đóng góp, cùng Nhà nước làm hơn 5 km đường giao thông đi qua thôn. 

Anh Lý Nhật (người dân tộc Mán) cùng thôn với ông Kim, nói: “Năm 2011, gia đình tôi được ông Triệu Tiến Kim vận động đóng góp làm đường theo tinh thần tự nguyện, nhưng dựa trên quy định chung mà thôn đã bàn và thống nhất là: nhà ai có rẫy từ 1 ha trở lên thì đóng 2 triệu đồng; nhà mặt đường thì đóng 3 triệu đồng; nhà có rẫy mặt đường thì đóng thêm 2 triệu đồng nữa; cộng thêm với số nhân khẩu trong mỗi gia đình. Tính ra hộ đóng ít nhất là 4 triệu đồng, có nhà cao nhất là 12 triệu đồng; riêng nhà tôi đã đóng 6 triệu đồng để làm đường liên thôn. Tuy so với kinh tế gia đình có hơi cao nhưng vẫn rất sẵn sàng cùng với hơn 1.000 hộ trong thôn tham gia. Về phía ông Kim tuy các con đã ở riêng, chỉ còn 2 vợ chồng ông và người con út nhưng đã đóng 8 triệu đồng làm đường. Ông Kim là người nộp đầu tiên nên thấy vậy ai cũng làm theo...”.

Ông Nguyễn Văn Quang, Bí thư Đảng ủy xã Cư Suê cho biết: Đảng ủy xã đánh giá cao vai trò của những người có uy tín trong cộng đồng vì họ là những cánh tay đắc lực giúp địa phương thực hiện tốt hơn chính sách dân tộc và xây dựng thôn, buôn văn hóa. Hiện đang là mùa thu hoạch cà phê, nhiều nơi trong xã hay xảy ra tình trạng trộm cắp cà phê thì ở thôn Bình Minh chưa bao giờ xảy ra việc này. Ông Kim đã làm được rất nhiều việc cho người dân trong thôn bắt đầu từ những việc làm thiết thực như thế.

Xuân Hòa


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.