Multimedia Đọc Báo in

Chuyện về anh công nhân Điện lực Dak Lak được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen

21:42, 14/12/2013
Anh Nguyễn Văn Thiện, công nhân Xí nghiệp Điện cơ (Công ty Điện lực Dak Lak) vừa được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen.
 
Đây  không chỉ là niềm vui của cá nhân anh  mà còn là niềm tự hào của Điện lực Dak Lak, đặc biệt  tại Phân xưởng Sửa chữa thiết bị - nơi người thợ bậc 7/7 này từng gắn bó lâu năm và có nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật, góp phần không nhỏ vào thành tích chung của đơn vị.

Gọi anh Thiện là “cây sáng kiến” của Điện lực Dak Lak quả không ngoa. Trong 6 năm liên tục từ 2007 đến 2012, anh Thiện đều đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở. Điều này cũng đồng nghĩa với việc anh Thiện giắt lưng một “vốn” sáng kiến kha khá. Quả thực, trong suốt 36 năm công tác, anh có hơn 30 sáng kiến cải tiến kỹ thuật từng được công nhận và nhiều giải pháp khác được áp dụng trong công việc. Tính đến thời điểm hiện tại, anh Nguyễn Văn Thiện là cá nhân có nhiều sáng kiến nhất tại Điện lực Dak Lak. Không những thế, anh luôn phấn đấu hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Công tác trong ngành điện từ năm 1977, anh Thiện là một trong những người thuộc lớp thợ đầu tiên. Xuất phát từ truyền thống của gia đình, ba anh vốn công tác trong ngành đã truyền cho con trai ngọn lửa nhiệt huyết và lòng đam mê máy móc. Chính điều ấy đã khiến chàng thanh niên mới 19 tuổi đời quyết tâm gắn bó và yêu quý, trân trọng nghề nghiệp ấy cho đến bây giờ. Trong quá trình công tác, vừa học từ đồng nghiệp, anh Thiện vừa tranh thủ đọc các tài liệu về điện để tìm ra hướng giải quyết các công việc được giao, bổ sung thêm những kiến thức cần thiết cho việc sửa chữa máy. Anh tâm sự: “Tôi nảy ra các ý tưởng trong chính quá trình “chữa bệnh” cho các cỗ máy. Việc cải tiến, chế tạo các bộ phận, phụ kiện cho máy biến áp, máy cắt đơn thuần chỉ để hỗ trợ, giúp công việc mình trôi chảy, hiệu quả hơn chứ tôi không nghĩ đến việc tìm sáng kiến để nhận danh hiệu hay khen thưởng gì cả”.

Anh Nguyễn Văn Thiện bên sản phẩm “Dao cắt giấy cuộn cách điện liên tục” – một trong những sáng kiến mà anh tâm đắc
Anh Nguyễn Văn Thiện bên sản phẩm “Dao cắt giấy cuộn cách điện liên tục” – một trong những sáng kiến mà anh tâm đắc.

Say mê máy móc, anh Thiện luôn trăn trở, tìm tòi các giải pháp hay để nâng cấp, chế tạo thiết bị phục vụ sản xuất. Trong số các sáng kiến mà anh từng được áp dụng tại phân xưởng, sáng kiến mà anh tâm đắc nhất là “Chế tạo dao cắt giấy cuộn cách điện liên tục” - giải pháp được anh “thai nghén” suốt 17 năm mới hoàn thành. Xuất phát từ việc giấy cách điện (vật liệu cần thiết cấu tạo các lớp cuộn dây cao thế và hạ thế) được công nhân tại Xí nghiệp Điện cơ cắt thủ công gây tốn thời gian và có thể tạo ra sản phẩm hỏng, không sử dụng được, anh Thiện đã nghiên cứu tạo ra loại máy cắt giấy phù hợp. Với chiếc máy cắt này, thời gian thực hiện thao tác cắt giấy rút ngắn khoảng 16 lần so với trước, tiết kiệm được thời gian, không gian nhà xưởng cũng như tạo sự an toàn trong sản xuất do công nhân không phải trực tiếp điều khiển dao như cách làm cũ. Bên cạnh đó, sản phẩm giấy cắt ra có chất lượng tốt, kích thước đạt yêu cầu lắp ráp khi đưa vào quấn dây, cuộn dây. Cùng với máy cắt giấy, các thiết bị mà anh chế tạo thành công như: tủ sấy thiết bị điện công suất lớn; xe di chuyển thiết bị nặng trong xưởng sản xuất; van nạp khí máy cắt; sáng kiến cải tiến thanh truyền động máy cắt Simens 3 AF0143… đều có tính ứng dụng cao, khắc phục được các bộ phận bị hư hỏng trong quá trình vận hành mà không có thiết bị, chi tiết thay thế hoặc cải tiến máy móc để nâng cao hiệu quả, năng suất lao động.

Nhận xét về anh Thiện, ông Nguyễn Hậu, Giám đốc Xí nghiệp Điện cơ không ngớt khen ngợi: “Đó là một con người nghiêm túc với công việc và luôn luôn có ý tưởng mới lạ. Anh Thiện còn sẵn sàng giúp đỡ và truyền thụ kinh nghiệm cho các lớp thợ mới vào nghề nên được mọi người quý mến. Nhiều sáng kiến của anh vẫn được đơn vị sử dụng và mang lại hiệu quả thiết thực trong sản xuất”.

Hương Cẩm


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.