Vừa kinh doanh giỏi vừa tích cực tham gia hoạt động xã hội
Làm lụng vất vả, vợ chồng chị tiết kiệm chi tiêu gom góp được số tiền ít ỏi và vay mượn thêm mua được 5 sào rẫy cà phê. Thế nhưng thu nhập từ 5 sào cà phê không đủ trang trải cho cuộc sống gia đình và nuôi 5 đứa con ăn học. Trăn trở tìm hướng phát triển kinh tế gia đình, chị Lý nghĩ ra ý tưởng kinh doanh phụ tùng xe đạp do nhận thấy nhu cầu sử dụng xe đạp rất nhiều mà cả vùng không có tiệm kinh doanh mặt hàng này. Từ đó, cuộc sống gia đình có phần ổn định hơn. Nhưng đến năm 2005, buôn bán mặt hàng này bắt đầu khó khăn, chị lại bàn với chồng vay vốn ngân hàng và chuyển sang kinh doanh hàng điện tử, điện lạnh. Thấy nhu cầu người dân nơi đây cần ống nhựa tưới cà phê, chị mở rộng thêm lĩnh vực sản xuất chế biến ống nhựa phục vụ bà con. Cơ sở sản xuất ống nhựa chủ yếu làm theo thời vụ, hằng năm làm từ 6 – 7 tháng, mỗi đợt chị thuê từ 4 – 5 công nhân, thu nhập của công nhân bình quân 2,5 triệu đồng/tháng.
Trong kinh doanh, chị Lý luôn lấy “chữ tín” làm đầu, tạo mối quan hệ tốt với từng khách hàng, hướng dẫn cho mọi người sử dụng các mặt hàng bảo đảm chất lượng, đồng thời khuyến khích vận động khách hàng “dùng hàng Việt Nam”. Nhờ vậy, việc kinh doanh buôn bán của gia đình chị khá thuận lợi, bình quân thu nhập mỗi năm sau khi trừ các khoản chi phí còn trên 200 triệu đồng. Cuộc sống khá giả, chị có điều kiện nuôi 5 người con ăn học đến nơi, đến chốn.
Kinh tế gia đình khấm khá, ngoài việc kinh doanh, chị Lý còn tham gia hoạt động xã hội. Học và làm theo gương Bác Hồ về thực hành tiết kiệm, đoàn kết thương yêu mọi người, chị luôn dành một khoản kinh phí giúp đỡ những gia đình có hoàn cảnh khó khăn trong tổ dân phố, các xã vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong huyện; nhận đỡ đầu 1 địa chỉ nhân đạo thông qua Hội Chữ thập đỏ huyện. Với vai trò là Chủ nhiệm Câu lạc bộ “Phụ nữ tiểu thương thị trấn Quảng Phú”, chị thường xuyên tuyên truyền, giáo dục chị em hội viên xây dựng văn hóa ứng xử trong kinh doanh “vui lòng khách đến, vừa lòng khách đi”, đồng thời trao đổi nhiều kinh nghiệm kinh doanh, buôn bán, vận động chị em tiểu thương không bán hàng kém chất lượng, không gian lận trong buôn bán, phấn đấu rèn luyện phẩm chất, đạo đức của phụ nữ Việt Nam “Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang”, tham gia tích cực hoạt động nhân đạo, từ thiện.
Những hoạt động tuyên truyền của chị Lý và câu lạc bộ đã từng bước có sự chuyển biến, tác động vào tư tưởng, nhận thức của chị em; không còn tình trạng chị em tiểu thương cư xử thiếu văn hóa với khách hàng như trước đây; chị em thực hiện tốt việc tiết kiệm trong chi tiêu, quản lý tài chính gia đình và thực hiện tiết kiệm giúp đỡ những gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn… Câu lạc bộ từ 23 thành viên khi mới thành lập, đến nay đã có 40 thành viên. Chị em đã tích cực đóng góp quỹ tiết kiệm được 48.335.000 đồng cho 4 chị em khó khăn vay; xây dựng ống tiền tiết kiệm được 3.400.000 đồng hỗ trợ cho 2 chị có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Nguyễn Thị Thanh Hường
Ý kiến bạn đọc