Multimedia Đọc Báo in

Vượt lên tật nguyền tìm kế mưu sinh

18:14, 15/09/2014

Anh Lê Sỹ Tuấn, sinh năm 1982, (thôn 5, xã Ea Hu, huyện Cư Kuin) bị nhiễm chất độc Dioxin từ khi mới lọt lòng. Vượt qua mọi khó khăn, bất hạnh của cuộc đời, giờ đây anh đã trở thành “ông chủ” cửa hàng điện thoại di động được đông đảo khách hàng tin yêu.

Sinh ra ở miền quê nghèo thuộc huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa), anh Tuấn là kết quả tình yêu của cựu chiến binh Lê Sỹ Công và cô gái thôn quê chân đất Lương Thị Kỳ. Thế nhưng niềm vui và sự kỳ vọng của cặp vợ chồng ngắn chẳng tày gang khi Tuấn ngày càng èo uột, nhỏ thó vì bệnh tật. Lúc Tuấn được 2 tháng tuổi, người cha cũng ốm đau qua đời. Người vợ trẻ phải đối mặt với chuỗi ngày dài khó khăn khi một mình chăm sóc 4 đứa con thơ dại, trong khi đó, bệnh tình của Tuấn càng nặng.
Anh  Lê Sỹ Tuấn đang  sửa máy nghe nhạc cho  khách hàng.
Anh Lê Sỹ Tuấn đang sửa máy nghe nhạc cho khách hàng.

Mất mát quá lớn, nhưng bà Kỳ vẫn không ngừng “xuôi Bắc ngược Nam”, được bao nhiêu tài sản trong nhà bà đều bán sạch để chữa chạy cho Tuấn, nhưng mọi cố gắng đều bất lực. Không đầu hàng số phận, bà Kỳ luôn cần mẫn tập nói, tập đi cho con, nhờ vậy mà năm lên 3 tuổi, Tuấn bắt đầu thực hiện những bước đi đầu tiên trong cuộc đời.

Đến tuổi đi học, Tuấn cũng khát khao được đến trường như bao bạn bè, thế là người mẹ trẻ và các anh chị lại thay phiên nhau chở Tuấn đến trường. Tuấn dần chinh phục thầy cô, bạn bè vì nghị lực vượt khó, học tốt của chính mình, nhưng chuỗi ngày hạnh phúc vì được đi học đã bị dập tắt khi lên lớp 4 Tuấn bị tai nạn giao thông, việc giữ được mạng sống cho Tuấn đã là một kỳ tích đối với gia đình. Từ ngày định mệnh đó, Tuấn trầm lắng hơn khi biết mình chỉ còn ngồi được một chỗ, việc học hành đành dừng lại. “Thời gian ấy, tôi cảm thấy mệt mỏi và chán ngán tất cả. Mọi thứ cứ dồn dập đến với tôi như muốn tôi đừng tồn tại trên cõi đời này nữa. Thật may là mẹ luôn động viên, vỗ về, đùm bọc tôi như một báu vật nên tôi lại tiếp tục cố gắng…” – anh Tuấn nhớ lại.

Cho đến khi trưởng thành, anh Tuấn quyết định chọn nghề sửa chữa, mua bán điện thoại để mưu sinh, và bà Kỳ lại chạy vạy khắp nơi vay tiền cho con đi học nghề yêu thích. Ngày lên phố xin học nghề, chàng trai èo uột, cao 1m30, nặng chỉ 36 kg đi tới đâu cũng đều bị người ta từ chối. Anh không nản lòng mà càng cố gắng tìm kiếm nơi học cho kỳ được, và một tiệm điện thoại ở TP. Buôn Ma Thuột đã nhận anh vào học nhưng phải trả học phí gấp đôi người bình thường. “Nhưng học được vài bữa thì ông chủ nhìn tôi bằng ánh mắt khác và cho tôi được học nghề miễn phí cho đến lúc thành thạo”- anh Tuấn bộc bạch.

Khi đã trở thành người thợ giỏi, anh trở về quê nhà, nhưng vì gia cảnh nghèo khó nên chưa thể mở được cửa hàng như mong ước. Chưa kể, đến cái nhà để ở hai mẹ con còn phải đi thuê. Khó khăn là vậy, anh vẫn bàn bạc với mẹ rồi quyết định vay nặng lãi thuê mặt bằng, mua vật tư chuyên ngành điện tử phù hợp để mở tiệm điện thoại mang tên Lê Tuấn. Ban đầu chỉ mua bán sửa chữa nhỏ, khi tích lũy được ít vốn anh bắt đầu mở rộng tiệm, đầu tư mua sắm thêm nhiều sản phẩm điện tử mới phục vụ khách hàng. Nhờ tay nghề vững và chịu thương chịu khó nên anh được nhiều khách hàng địa phương thường xuyên lui tới… Không chỉ tạo công ăn việc làm cho mình, anh còn dạy nghề cho 4 thanh niên trong xã với mức học phí phải chăng.

Giờ đây, anh đã có thể nuôi sống được bản thân và phụng dưỡng mẹ già. Niềm mơ ước lớn nhất của anh hiện nay là tích góp được một số vốn mua căn nhà nhỏ để mẹ con anh không phải đi thuê.

Quỳnh Anh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.