Multimedia Đọc Báo in

Những nữ cán bộ "dân vận khéo"

09:29, 05/01/2015

Với tinh thần tận tụy, gương mẫu, trách nhiệm, cộng với cách vận động thấu tình đạt lý, những nữ cán bộ ấy đã góp phần không nhỏ trong việc vận động nhân dân tích cực tham gia vào các hoạt động, phong trào phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương…

Khéo vận động thì dân mới nghe

“Để bà con nghe và làm theo mình, trước tiên, người cán bộ của dân phải luôn gương mẫu đi đầu trong các phong trào của thôn, của địa phương từ những việc nhỏ nhất. Có khéo vận động thì dân mới nghe” - đó là bộc bạch của chị Lý Thị Thúy, Phó Bí thư Chi bộ, Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ thôn 2, thị trấn Buôn Trấp (huyện Krông Ana) về xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, tuyên truyền, vận động nhân dân trên địa bàn thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước.

Hằng ngày, chị Thúy vẫn giành thời gian đến thăm hỏi, trò chuyện với các gia đình trong thôn để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân.  Ảnh: K.O
Hằng ngày, chị Thúy vẫn dành thời gian đến thăm hỏi, trò chuyện với các gia đình trong thôn để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân. Ảnh: K.O

Đảm nhiệm vai trò “đầu tàu” của Chi hội phụ nữ thôn, những năm qua, chị Thúy luôn tích cực cùng tập thể chi hội đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động chị em và gia đình thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tham gia các phong trào, hoạt động của Hội phụ nữ như: câu lạc bộ Phụ nữ với pháp luật, câu lạc bộ Phụ nữ không sinh con thứ 3, mô hình “5 không 3 sạch”, phong trào Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình… Với việc thu hút được đông đảo hội viên tham gia các phong trào, hoạt động của Chi hội phụ nữ thôn 2 ngày càng phát triển và đạt hiệu quả cao, được Hội cấp trên tặng Bằng khen. Năm 2009, chị Thúy được bầu làm phó Bí thư Chi bộ thôn 2. Chị chia sẻ: “Tham gia nhiều hoạt động của thôn, tôi luôn phải sắp xếp thời gian sao cho phù hợp để vừa hoàn thành tốt nhiệm vụ công tác vừa chu toàn việc nhà. Vì thế, với công việc nào tôi cũng phải lên kế hoạch và ghi chép thật cẩn thận”. Trong  cuốn sổ họp Chi bộ, đoàn thể, mỗi công việc, mỗi cuộc họp đều được chị ghi chép khá cẩn thận từng mục, từng ý kiến thảo luận và nhiệm vụ giao cho từng đảng viên…

Với tâm niệm, muốn làm “tròn vai” của người cán bộ phải thường xuyên gần gũi, lắng nghe, tôn trọng ý kiến chính đáng của đảng viên, hội viên và người dân, vì thế, dù là công việc lớn hay nhỏ, chị Thúy đều tham mưu cho cấp ủy, Ban chấp hành Chi hội đưa ra thăm dò ý kiến nhân dân, bàn bạc kỹ lưỡng đạt sự thống nhất cao rồi mới cùng thực hiện. Nhờ vậy, hầu hết các phong trào, hoạt động của thôn đều nhận được sự đồng thuận cao của người dân. Chẳng hạn như việc làm gần 1,5 km đường nội thôn với kinh phí gần 30 triệu đồng, để bà con thông suốt tư tưởng, chị đã cùng cấp ủy và Ban tự quản thôn tổ chức họp dân, thậm chí đến tận các gia đình tuyên truyền, phân tích cho người dân hiểu giao thông thuận lợi thì chính bà con sẽ được hưởng lợi, từ việc đi lại sinh hoạt thuận tiện đến tiêu thụ sản phẩm nông sản. Rồi việc đóng góp kinh phí làm đường cũng được đưa ra họp bàn cụ thể, mức đóng là bao nhiêu, trường hợp nào đóng tiền, trường hợp nào được miễn hay đóng góp bằng ngày công… sau đó đi đến thống nhất thực hiện. Con đường hoàn thành đúng thời gian quy định, bà con phấn khởi, thêm tin tưởng vào các cán bộ “nói đi đôi với làm”, từ đó nâng cao trách nhiệm của gia đình với việc của thôn.

Không chỉ hoàn thành tốt công việc xã hội, ở địa phương, gia đình chị Thúy còn là tấm gương tiêu biểu trong lao động sản xuất, nuôi dạy con cái nên người  Nhờ áp dụng các tiến bộ khoa học vào sản xuất, cộng với sự nhạy bén trong việc chuyển đổi kịp thời vườn cây già cỗi để tăng hiệu quả cây trồng, mỗi năm mô hình kinh tế của gia đình chị gồm 1,5 ha cà phê, hồ tiêu và ao cá cho thu nhập ổn định trên 200 triệu đồng. Noi gương tinh thần vượt khó, chăm chỉ lao động, chịu khó học hỏi của bố mẹ, các con chị đều ngoan ngoãn, học giỏi. Đến nay, 2 người con đều tốt nghiệp đại học, có việc làm với mức thu nhập ổn định. Chị Thúy cho rằng, nỗ lực phát triển kinh tế để đời sống vật chất, tinh thần của gia đình ngày một cải thiện và nâng cao. Song, đó cũng là cách để người dân ủng hộ chị khi đi tuyên truyền, vận động, bởi: “mình có làm kinh tế giỏi, nuôi dạy con cái tốt mới tự tin vận động bà con làm theo”. Cách làm của chị đã giúp thôn 2 giữ vững danh hiệu Thôn Văn hóa cấp huyện trong nhiều năm liền.

Khi hiệu trưởng làm... “dân vận”

Cô Thu hướng dẫn trẻ làm quen với vẽ tranh. Ảnh: N.H
Cô Thu hướng dẫn trẻ làm quen với vẽ tranh. Ảnh: N.H

Cách đây 4 năm, cô Hoàng Thị Thu đang là Hiệu trưởng Trường mẫu giáo xã Hòa Phong (huyện Krông Bông) được điều động về làm Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Cư Pui (xã Cư Pui). Hơn 25 năm gắn bó với nghề nuôi dạy trẻ, cô Thu luôn đau đáu một điều “giáo dục tốt phải bắt đầu từ môi trường học tập tốt”. Vì vậy, khi về nhận công tác tại Trường Mẫu giáo Cư Pui, cô Thu đã chủ động đề xuất với cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, phòng GD-ĐT huyện Krông Bông cho xây dựng điểm trường chính nhằm tạo môi trường sư phạm tốt, đồng thời có nơi làm việc cho Ban giám hiệu để thuận tiện chỉ đạo hoạt động chuyên môn, bởi trường có nhiều điểm lẻ nên công tác quản lý, chăm sóc, dạy và học của bậc mầm non khá vất vả. Đã vậy, học sinh lại chỉ học một buổi/ngày và các điểm trường lẻ lại chỉ ưu tiên cho trẻ 5 tuổi để hoàn thành Chương trình phổ cập mầm non. Cô Thu nhớ lại: “Sau nhiều ngày khảo sát, nắm bắt tình hình thực tế, mình lên kế hoạch chi tiết về thành lập điểm trường chính, công tác nuôi dạy trẻ trình lên cấp ủy Đảng, chính quyền xã Cư Pui. Song kế hoạch này không được chấp nhận với lý do: nếu bàn giao 3 phòng học của điểm trường tiểu học thôn Điện Tân (thuộc Trường Mẫu giáo Cư Pui) cho trường mẫu giáo, thì học sinh tiểu học của thôn phải đi học xa, với lại xã không đủ kinh phí xây dựng trường”. Thế nhưng, cô Thu không nản lòng mà tiếp tục tìm hiểu kỹ quy định về khoảng cách giữa các điểm trường để giải thích, thuyết phục lãnh đạo xã. Với những phân tích thấu tình, đạt lý, cùng sự trăn trở của vị hiệu trưởng, hai năm sau kế hoạch trên đã được phê duyệt. Trong khi chờ quyết định của cấp trên, cô Thu đã chuẩn bị các thiết bị đầu tư bảo đảm nhiệm vụ chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục và vui chơi cho trẻ… từ tiền tiết kiệm chi thường xuyên, để khi trường mới được xây xong thì mọi thứ đã có sẵn.

Dẫu là trường vùng 3, nhưng điểm chính của Trường mẫu giáo Cư Pui rất khang trang, tường rào kiên cố, có đồ chơi trong nhà, ngoài sân, đặc biệt các lớp học được trang bị máy vi tính để ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý và chăm sóc nuôi dạy trẻ. Cô tâm sự: “Tôi gần như ở hẳn lại trường để làm các công việc từ sắp xếp phòng làm việc của ban giám hiệu, trồng cây xanh trên sân trường đến trang trí lớp học cho các cháu học tập”. Chưa hết, trước ngày khai giảng, cô Thu tổ chức họp toàn thể phụ huynh để vận động người dân phối hợp với nhà trường trong việc tổ chức mô hình bán trú dân nuôi cho trẻ để các cháu được học 2 buổi/ngày. Sau vài tháng chứng kiến mô hình bán trú dân nuôi của nhà trường được thực hiện nề nếp, khoa học, phụ huynh học sinh từ chỗ ngần ngại chuyển sang nhiệt tình ủng hộ. Đặc biệt, mọi người đều có chung nhận xét rất yên tâm khi gửi trẻ, bởi khi về nhà, các cháu ngoan ngoãn, lễ phép, sạch sẽ, biết thêm nhiều điệu múa, bài hát. Đáp lại những tình cảm, sự tin yêu ấy, cô Thu phối hợp với cấp ủy, chính quyền, đoàn thể xã tuyên truyền phụ huynh cho trẻ đi học đều; lên kế hoạch giáo dục trẻ theo từng chủ điểm, khuyến khích các cháu phát huy tính tích cực, sáng tạo. Không những thế, cô còn luôn khuyến khích giáo viên làm đồ dùng đồ chơi, sáng tạo trong giảng dạy phù hợp với thực tế địa phương. Nhờ đó, giờ học trở nên nhẹ nhàng hơn, trẻ tiếp thu bài tốt hơn, ham thích đến lớp, nhất là trẻ ở các điểm khó khăn.

Kim Oanh – Nguyên Hoa


Ý kiến bạn đọc