Multimedia Đọc Báo in

Đào tạo giấy phép lái xe hạng A4: Cơ sở nhiệt tình, người dân thờ ơ!

18:27, 14/08/2011

Theo quy định của Luật Giao thông đường bộ, người điều khiển xe máy kéo nhỏ bắt buộc phải có giấy phép lái xe (GPLX) hạng A4. Song hiện nay trên địa bàn tỉnh ta, tỷ lệ người điều khiển phương tiện này đảm bảo yêu cầu trên chỉ chiếm khoảng 9,5%. Công tác quản lý xe máy kéo nhỏ, nhất là vấn đề đào tạo GPLX hạng A4 cho đối tượng trên nhằm góp phần đảm bảo an toàn giao thông hiện đang là một trong những nhiệm vụ mang tính cấp thiết hàng đầu. Trong khi các cơ sở đào tạo, sát hạch GPLX rất nhiệt tình tham gia, thì người dân lại tỏ thái độ thờ ơ, không quan tâm…

Theo thống kê, hiện nay trên địa bàn tỉnh có khoảng 50.000 xe máy kéo nhỏ, chiếm tỷ lệ 6,7% tổng số phương tiện cơ giới đường bộ. Phòng Cảnh sát Giao thông Công an tỉnh đã tổ chức đăng ký được 26.635 xe máy kéo, chiếm 53,3% số xe máy kéo hiện có. Đồng nghĩa với việc hiện vẫn còn khoảng 25.000 xe máy kéo nằm… ngoài tầm kiểm soát của các cơ quan chức năng. Cũng theo thống kê, kể từ năm 1996 đến nay Sở Giao thông - Vận tải đã tổ chức đào tạo và cấp 4.397 GPLX hạng A4, mới chỉ chiếm 8,8% so với số lượng máy kéo nhỏ hiện có. Được sử dụng với  nhiều công dụng như cày xới, xay xát, chuyên chở… xe máy kéo là phương tiện đắc lực phục vụ cho sản xuất nông nghiệp của người dân. Vì vậy phương tiện này thường xuyên lưu thông trên hệ thống đường bộ nên ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình trật tự an toàn giao thông. Hằng năm tai nạn giao thông do xe máy kéo gây ra chiếm khoảng 4% tổng số vụ tai nạn giao thông của toàn tỉnh. Nhằm giảm thiểu tình trạng mất an toàn giao thông do xe máy kéo gây ra, thời gian qua, lực lượng cảnh sát giao thông đã có nhiều nỗ lực như tăng cường công tác tuần tra, xử lý, nhắc nhở các trường hợp vi phạm; đẩy mạnh công tác tuyên truyền; hạn chế thời gian hoạt động, cấm lưu thông trên một số tuyến đường trung tâm. Đặc biệt là khuyến khích người dân tham gia đào tạo, sát hạch GPLX hạng A4, nhằm đảm bảo các quy định của pháp luật khi tham gia giao thông. Tuy nhiên, tỷ lệ người điều khiển phương tiện này tham gia các khóa đào tạo, sát hạch GPLX hằng năm vẫn còn quá ít. Đơn cử trong năm 2009, Sở Giao thông - Vận tải chỉ cấp được 936 GPLX hạng A4; năm 2010 là 71 GPLX và từ đầu năm 2011 đến thời điểm này… không cấp được một GPLX A4 nào. Phân tích một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, ông Trịnh Hữu Kiệm, Trưởng Phòng vận tải (Sở Giao thông - Vận tải) cho biết, ngoài chương trình đào tạo GPLX hạng A4 khá nặng đối với người tham gia (thời gian đào tạo 15 ngày, trong đó gồm học Luật Giao thông đường bộ, cấu tạo và sửa chữa thông thường, nghiệp vụ vận tải, kỹ thuật lái xe) thì nguyên nhân chính là do người dân vẫn chưa thật sự ý thức trách nhiệm, tham gia các khóa đào tạo để lấy bằng GPLX A4.

Có đến trên 90% người điều khiển xe máy kéo nhỏ không có GPLX hạng A4.
Có đến trên 90% người điều khiển xe máy kéo nhỏ không có GPLX hạng A4.
Được biết, hiện nay trên địa bàn tỉnh có 4 cơ sở đào tạo đủ điều kiện để tổ chức sát hạch GPLX A4 là Trường Cao đẳng Nghề Dak Lak, Trung tâm Đào tạo Nghề tại Dak Lak của Quân khu 5, Trường Trung cấp Nghề Vinasme và Trung tâm dạy Nghề Thành Luân. Mặc dù thời gian qua các trung tâm này đã tích cực đầu tư về cơ sở vật chất, sẵn sàng tổ chức đào tạo sát hạch cho học viên, thậm chí có cơ sở còn về tận các địa phương tổ chức chiêu sinh, hoặc thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng, “năn nỉ” người dân tham gia, song kết quả cuối cùng đều thất bại, bởi không có người đăng ký, hoặc đăng ký quá ít, không đủ học viên để tổ chức 1 khóa đào tạo. Nói về tình trạng trên, anh Thiên, cán bộ Trung tâm Đào tạo Nghề tại Dak Lak của Quân khu V than thở: trong năm 2010 chúng tôi đã năm lần bảy lượt về một số địa phương thông báo chiêu sinh, tạo mọi điều kiện thuận lợi hết sức cho người dân như sẵn sàng tổ chức sát hạch tại chỗ, rút ngắn các chương trình đào tạo không cần thiết để không ảnh hưởng đến thời gian lao động của người dân song tất cả đều thất bại. Cũng cùng có chung nhận định như ông Trịnh Hữu Kiệm, nhưng anh Thiên cũng cho rằng ngoài nguyên nhân trên, thì còn có nguyên nhân không kém phần quan trọng khác khiến người dân chưa ý thức tham gia học GPLX hạng A4 là công tác quản lý loại phương tiện này hiện nay tại một số địa phương vẫn còn khá lơi lỏng. Không khó để bắt gặp loại phương tiện này lưu thông trên đường vào bất cứ thời gian nào trong tình trạng vi phạm các quy định như: chở người, chạy nhanh, phóng ẩu, xe không đảm bảo các tiêu chuẩn về kỹ thuật, và phổ biến nhất là người điều khiển cũng không có GPLX, song rất ít trường hợp bị cơ quan chức năng xử lý. Từ đó dẫn đến tâm lý chủ quan, ỷ lại của người điều khiển phương tiện này, với suy nghĩ “có cũng được, không có cũng chẳng sao”.

Thiết nghĩ để lập lại trật tự an toàn giao thông đối với loại phương tiện này thì trong thời gian tới các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân. Bên cạnh đó, một trong những biện pháp hữu hiệu khác là lực lượng cảnh sát giao thông cần tăng cường công tác tuần tra, kiên quyết xử lý đối với những trường hợp vi phạm, tránh tình trạng “đánh trống bỏ dùi” như hiện nay.

Đăng Triều

Ý kiến bạn đọc