Multimedia Đọc Báo in

Phải chăng Luật Giao thông đường bộ bị “nhờn” ở khu vực nông thôn?

16:27, 14/08/2011

Hiện nay, tình trạng vi phạm Luật Giao thông đường bộ (GTĐB) như không đội mũ bảo hiểm, chở quá số người theo quy định, lạng lách, đánh võng… trên các tuyến đường giao thông nông thôn diễn ra thường xuyên làm cho trật tự an toàn giao thông (TTATGT) khu vực này trở nên phức tạp.

Tình trạng vi phạm Luật GTĐB ở nông thôn khá phổ biến
Giao thông ở địa bàn nông thôn hiện có nhiều bất cập hơn so với thành thị như đường ngang ngõ tắt nhiều, các tuyến đường thường nhỏ, hẹp, có độ dốc cao, thêm vào đó là người tham gia giao thông ít am hiểu về Luật GTĐB và số lượng phương tiện tham gia giao thông ngày một tăng dẫn đến tình hình tai nạn giao thông (TNGT) ở nông thôn đang có chiều hướng gia tăng một cách đáng lo ngại. Trong những năm qua, mặc dù Nghị quyết 32/2007/NQ-CP của Chính phủ về “Một số giải pháp cấp bách nhằm kiềm chế TNGT và ùn tắc giao thông” đã được triển khai rộng khắp đến các tầng lớp nhân dân và lực lượng chức năng cũng thường xuyên tăng cường các biện pháp xử lý, giải quyết những vấn đề xảy ra trong công tác bảo đảm TTATGT đến từng địa phương. Tuy nhiên, tình trạng vi phạm Luật GTĐB của người tham gia giao thông trên nhiều tuyến đường ở nông thôn vẫn còn diễn ra khá phổ biến. Hiện nay, việc không đội mũ bảo hiểm khi điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, chở quá số người theo quy định, thậm chí là lạng lách, đánh võng… thường xuyên xảy ra đây là một thực trạng đáng báo động bởi đã có rất nhiều vụ TNGT thương tâm trên tuyến đường giao thông nông thôn. Theo thống kê của Ban ATGT tỉnh, từ đầu năm đến nay trên địa bàn toàn tỉnh đã xảy ra 170 vụ TNGT, làm 180 người chết, 120 người bị thương, trong đó, khu vực nông thôn có 40 vụ TNGT (chiếm 25,9% tổng số vụ, tăng 7 vụ so với cùng kỳ năm 2010). Bên cạnh đó, tình trạng tái lấn chiếm hành lang an toàn giao thông đường bộ, vỉa hè làm nơi buôn bán, họp chợ tại một số nơi vẫn tiếp tục diễn ra, gây ảnh hưởng không nhỏ tới người tham gia giao thông… Ý thức chấp hành Luật GTĐB theo lối “làng xã”, mạnh ai nấy đi dường như đã “ăn sâu” vào tâm thức của mỗi người dân vùng nông thôn và ngày càng có chiều hướng gia tăng. Để hình thành thói quen tham gia giao thông tự giác trong mọi tầng lớp nhân dân thì cần phải có sự vào cuộc đồng bộ của  các cấp, các ngành, nhưng bên cạnh đó ý thức của người tham gia giao thông vẫn là yếu tố hàng đầu để lập lại TTATGT, đồng thời lực lượng chức năng sẽ phải xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm nhằm hạn chế thấp nhất số vụ TNGT. 

 Lực lượng công an xã vẫn chưa sử dụng hết thẩm quyền trong công tác bảo đảm TT ATGT.
Lực lượng công an xã vẫn chưa sử dụng hết thẩm quyền trong công tác bảo đảm TT ATGT.
Lực lượng công an xã vẫn chưa thực sự vào cuộc quyết liệt?!
Theo phân tích của các nhà chuyên môn, các vụ TNGT ở khu vực nông thôn đang có chiều hướng gia tăng trước hết là do số lượng phương tiện giao thông tăng nhanh (tính đến thời điểm này, toàn tỉnh có hơn 22.400 ôtô, 699.098 môtô và 46.394 máy cày tay), trong khi đó ý thức chấp hành Luật GTĐB của người dân chưa cao và năng lực quản lý giao thông của chính quyền địa phương chưa được sâu sát. Qua tìm hiểu được biết, kể từ ngày 2-7-2007, Bộ Công an đã có Văn bản số 1207 cho phép, hướng dẫn công an xã (CAX), phường, thị trấn có quyền tham gia bảo đảm TTATGT. Theo đó, lực lượng CAX sẽ được phép tuần tra, kiểm soát trên các tuyến đường liên thôn, liên xã và được xử phạt các hành vi vi phạm Luật GTĐB như chở quá số người quy định, lạng lách, đánh võng, không đội mũ bảo hiểm…Thậm chí, Trưởng CAX có quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực GTĐB lên đến 500.000 đồng/trường hợp. Việc giao trách nhiệm cho lực lượng CAX đã phần nào góp phần bảo đảm TTATGT tại địa phương, tạo được những chuyển biến đáng kể trong việc nâng cao ý thức chấp hành Luật GTĐB của người dân. Song bên cạnh những mặt tích cực đó thì thời gian qua, vai trò của lực lượng CAX trong công tác bảo đảm TTATGT tại địa phương vẫn chưa thực sự phát huy được hiệu quả bởi còn nhiều bất cập: trước hết đó là việc xử phạt các trường hợp vi phạm Luật GTĐB của lực lượng CAX nể nang còn mang tính tình làng nghĩa xóm. Thêm vào đó  là việc thiếu phương tiện và công cụ hỗ trợ khi triển khai công tác, chế tài xử phạt chưa đủ mạnh để người dân tự giác chấp hành Luật GTĐB, công tác bảo đảm TTATGT chỉ được lực lượng CAX thực hiện khi có kế hoạch... Ngoài ra, lực lượng CAX còn phải tập trung giải quyết rất nhiều công việc tại địa phương.

Theo ông Bùi Trọng Hóa, Chánh văn phòng Ban ATGT tỉnh thì để giảm thiểu TNGT ở nông thôn, các cơ quan chức năng cần phối hợp với chính quyền địa phương sở tại mở nhiều đợt tuyên truyền về Luật GTĐB, bố trí LLCSGT thường xuyên TTKS xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trên địa bàn nông thôn. Bên cạnh đó, thời gian tới cần nâng cao hơn nữa chức năng, nhiệm vụ của lực lượng CAX, góp phần vào công tác bảo đảm TTATGT chung của tỉnh…

Thế Hùng

Ý kiến bạn đọc