Họa vô đơn chí
Lâu nay, nhiều người vẫn cho rằng nghề tài xế là oai lắm; thậm chí có cả những suy nghĩ lệch lạc người làm tài xế hay ăn chơi, cơm chợ vợ đường… Đâu có ai hiểu khi sa cơ lỡ vận rớt xuống tận đáy xã hội thì bút mực cũng phải nghẹn lời!...Một bi kịch về số phận tài xế rất mong được sự chia sẻ và có cái nhìn đồng cảm của xã hội cho cái nghề được gọi là nghề nguy hiểm này!
Trong 34 năm ôm vô-lăng xe ô tô , ông Phạm Xuân Sanh từng đối đầu và vượt qua biết bao thử thách, tai ương và trở về trong niềm vui, hạnh phúc với những chuyến xe an toàn. Vậy mà khi chuẩn bị về hưu, ông lại không trụ nổi trước bất trắc của số phận!
Ông Sanh sinh năm 1956, người dân tộc Mường, quê Ngọc Lặc (Thanh Hóa), công tác tại Công ty Cổ phần Vận tải ô tô Dak Lak suốt từ năm 1977 tới nay. Mấy chục năm lái xe trên hành trình Nam- Bắc, hầu như cung đường nào trên dải đất hình chữ S này ông đều đã đi qua và trở về trọn vẹn trong niềm vui, hạnh phúc bằng những chuyến xe an toàn.
Tháng ngày bươn chải, những chuyến xe tải với vòng quay không ngừng đưa ông xa nhà, khiến sự chăm sóc dạy dỗ con cái có phần chểnh mảng. Cậu con trai bỏ nhà lang thang theo đám trẻ bụi đời, vật vờ từ năm 14 tuổi, lâu lâu ghé về để trộm đồ của bố mẹ. Sự hư hỏng của đứa con trai duy nhất đã khiến người mẹ đau buồn lo nghĩ mà phát bệnh. Năm 2005 trong một lần khám bệnh, bà Hằng vợ ông Sanh được chẩn đoán ung thư vòm họng di căn. Bà Hằng nằm liệt giường, một mình ông Sanh xoay xở chạy vạy, kinh tế gia đình khánh kiệt… Ông chuyển sang chạy xe buýt để vừa có thu nhập vừa gần nhà chăm sóc vợ con. Thế mà, khi chỉ còn 4 tháng nữa là hết tuổi chạy xe khách, có thể yên tâm rời tay lái và tự hào về nghề nghiệp lái xe của mình thì điều ông Sanh sợ nhất và cố giữ suốt bao nhiêu năm đã xảy ra.
Khoảng 6 giờ 30 sáng ngày 11-3-2011 ông Sanh điều khiển xe buýt chạy từ TP. Buôn Ma Thuột vào An Bình (Cư Kuin), đến đoạn Đập Cạn thì chiếc xe đạp do Phùng Xí Mạnh (17 tuổi) lao từ trên dốc xuống đã đâm thẳng vào đầu xe buýt. Con đường độc đạo nhỏ hẹp, cộng thêm một phút lơ là, bất cẩn, ông Sanh đã gây tai nạn; Mạnh bị gãy xương đùi, gãy tay, vỡ xương bánh chè, tổn hại 65% sức khoẻ. Công an kết luận ông Sanh sai vì lỗi lấn đường.
Đến nay, chi phí cho nạn nhân đã tốn 37 triệu đồng do Công ty Cổ phần Vận tải ô tô Dak Lak ứng và sẽ căn cứ vào bảo hiểm chi trả tính toán với ông Sanh sau. Gia đình nạn nhân lúc đầu yêu cầu ông phải đền 120 triệu mới viết giấy bãi nại, sau thông cảm hoàn cảnh quá khó khăn đã giảm xuống 60 triệu đồng, nhưng ông đành bất lực, chờ đợi sự phán xét của toà án. Gặp lại ông, tôi sững sờ trước vẻ tiều tụy đến không ngờ, ông ốm sút từ 73kg xuống còn có 57 kg. Chùi vội những giọt nước mắt chua xót, ông nghèn nghẹn: “Mình có chạy nhanh hay ẩu cỡ nào nhưng không xảy ra tai nạn thì có quyền nói dóc. Khi xảy ra rồi, mình có chạy đàng hoàng, tử tế mấy cũng chẳng ai tin, ai hiểu và thông cảm cho mình. Cả gia đình chỉ trông vào đồng lương hưu của tôi chưa tới hai triệu đồng mỗi tháng. Giờ xảy ra cơ sự này, chỉ còn nước bán nhà…”
Nhìn người tài xế già khuôn mặt quắt queo, mí mắt sụp xuống, mái tóc phong sương ngả màu bạc trắng, càng thêm xơ xác vì nỗi lo con, lo vợ rồi đến lo cho thân phận hẩm hiu chính mình, tôi chỉ còn biết an ủi rồi ra về mà lòng nặng trĩu… “Số phận mình thì mình phải chịu, sinh nghề tử nghiệp…”, câu nói như tự an ủi của ông còn phảng phất bên tai, lòng tôi quặn thắt. Con người ông với bản chất hiền lành, chịu thương chịu khó, lao lực mấy chục năm trời chắt chiu lo cho gia đình, đến lúc ngoảnh lại không còn cái gì: con cái hư hỏng, nhà sẽ phải bán, người có thể chia sẻ cùng ông những lúc vui buồn là vợ nay cũng rơi vào thập tử nhất sinh…
Đời ai nói trước được chuyện rủi may. Đến phút cuối cùng vẫn có thể trả giá, vẫn phải ôm hận, nhất là nghề tài xế…
Ý kiến bạn đọc