Tháng 6: hơn 65% số vụ tai nạn giao thông xảy ra vào ban đêm
Trong 5 tháng qua, mặc dù số vụ tai nạn giao thông (TNGT) xảy ra ở tháng sau luôn cao hơn tháng trước nhưng vẫn giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2011 nên cơ bản tỉnh ta vẫn bảo đảm được mục tiêu làm giảm TNGT từ 8-10% theo Nghị quyết của tỉnh. Tuy nhiên, bước sang tháng 6, TNGT không chỉ tăng so với tháng trước mà còn tăng trên cả 3 tiêu chí so với cùng kỳ năm 2011. Điều này đã và đang là những thách thức không nhỏ cho việc thực hiện mục tiêu đã đề ra trong 6 tháng cuối năm.
Tháng 6, mặc dù các lực lượng chức năng đã có nhiều cố gắng để kiềm chế TNGT nhưng tình hình trật tự an toàn giao thông vẫn có những diễn biến rất phức tạp. Theo thống kê của Phòng CSGT - CA tỉnh, từ ngày 16-5 đến ngày 15-6, TNGT từ nghiêm trọng trở lên xảy ra 29 vụ, làm 67 người chết, 46 người bị thương; so với cùng kỳ năm 2011 tăng 31% về số vụ, 70% về số người chết, 78% về số người bị thương; so với tháng 5-2012, cũng tăng trên cả 3 tiêu chí. Va chạm giao thông xảy ra 22 vụ, làm bị thương 34 người; giảm 4 vụ (18%), 2 người bị thương (6%) so với tháng 5-2012. Tai nạn xảy ra trên tất cả các tuyến đường thuộc địa bàn của 8/15 huyện, thị xã, thành phố do người tham gia giao thông ở tất cả các độ tuổi gây ra. Nhiều nhất là tại TP. Buôn Ma Thuột xảy ra đến 14 vụ, làm 49 người chết, 32 người bị thương; huyện Cư M’gar xảy ra 4 vụ, làm 5 người chết, 3 người bị thương. Qua phân tích 29 vụ TNGT trên cho thấy hầu hết nguyên nhân đều thuộc về ý thức chủ quan của người tham gia giao thông như: đi không đúng phần đường, làn đường (18 vụ), chuyển hướng không bảo đảm an toàn (3 vụ), đi bộ qua đường không bảo đảm an toàn (2 vụ), chạy quá tốc độ quy định, không nhường đường, phương tiện không bảo đảm an toàn kỹ thuật - mỗi nguyên nhân gây ra 1 vụ.
Lực lượng CSGT toàn tỉnh đã tăng cường hoạt động tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm và kiên quyết đấu tranh mạnh mẽ, quyết liệt đối với các đối tượng, hành vi, tập trung vào các thời điểm, tuyến đường thường xảy ra tai nạn. Qua đó, đã phát hiện và lập biên bản 17.425 trường hợp vi phạm, tạm giữ 3.831 phương tiện các loại, xử phạt 17.425 trường hợp vi phạm; tước Giấy phép lái xe 280 trường hợp, thu nộp ngân sách Nhà nước hơn 5 tỷ đồng. Tuy nhiên, một bộ phận không nhỏ người dân còn thiếu ý thức khi tham gia giao thông, thể hiện ở số lượt trường hợp vi phạm các hành vi là nguyên nhân dẫn tới TNGT vẫn rất cao như: chạy quá tốc độ quy định (2.885 trường hợp), uống rượu, bia quá nồng độ quy định (93 trường hợp), đi không đúng phần đường, làn đường (143 trường hợp)… Ngoài ra, còn một số hành vi vi phạm khác rất đáng lên án như: không đội mũ bảo hiểm (1.875 trường hợp), xe khách chở quá số người quy định (98 trường hợp), xe ôtô chở quá tải (351 trường hợp). Một điều đáng nói nữa là, tình trạng vi phạm vào ban đêm - khoảng thời gian xảy ra 65,5% số vụ tai nạn trong tháng - diễn ra còn nhiều. Chỉ qua 28 ca tuần tra kiểm soát trong khoảng thời gian này, riêng Phòng CSGT và lực lượng phối hợp đã phát hiện và lập biên bản đến 319 trường hợp vi phạm, trong đó có 99 trường hợp sử dụng bộ phận giảm thanh không bảo đảm quy chuẩn về tiếng ồn, 5 trường hợp lạng lách, đánh võng.
Người tham gia giao thông cần biết:
Tại Thông tư số 13/2009/TT-BGTVT của Bộ Giao thông vận tải có quy định về tốc độ tối đa cho phép xe cơ giới tham gia giao thông trên đường bộ như sau:
- Trong khu vực đông dân cư:
Loại xe cơ giới đường bộ | Tốc độ tối đa (km/h) |
Ô tô chở người đến 30 chỗ ngồi; ô tô tải có trọng tải dưới 3.500 kg. | 50 |
Ô tô chở người trên 30 chỗ ngồi; ô tô tải có trọng tải từ 3.500 kg trở lên; ô tô sơ mi rơ moóc; ô tô kéo rơ moóc; ô tô kéo xe khác; ô tô chuyên dùng; xe mô tô; xe gắn máy. | 40 |
- Ngoài khu vực đông dân cư:
Loại xe cơ giới đường bộ | Tốc độ tối đa (km/h) |
Ô tô chở người đến 30 chỗ ngồi (trừ ô tô buýt); ô tô tải có trọng tải dưới 3.500 kg. | 80 |
Ô tô chở người trên 30 chỗ ngồi (trừ tô buýt); ô tô tải có trọng tải từ 3.500 kg trở lên. | 70 |
Ô tô buýt; tô sơ mi rơ moóc; ô tô chuyên dùng; xe mô tô. | |
Ô tô kéo rơ moóc; ô tô kéo xe khác; xe gắn máy. |
- Đối với các loại xe khác như máy kéo, các loại xe tương tự, xe máy chuyên dùng hiện đang được phép hoạt động thì tốc độ tối đa không quá 30 km/h khi tham gia giao thông trên đường bộ.
Thúy Hằng
Ý kiến bạn đọc