“Báo động đỏ” về tai nạn giao thông
3 tháng đầu năm 2013, số vụ tai nạn giao thông (TNGT) xảy ra trên địa bàn toàn tỉnh tăng đột biến so với cùng kỳ năm 2012, điều này đang gióng lên hồi chuông báo động đối với mục tiêu kiềm chế và giảm thiểu đến mức thấp nhất TNGT trong “Năm An toàn giao thông 2013”.
Vẫn những con số… giật mình
Từ đầu năm đến nay, tình hình TTATGT trên địa bàn diễn biến phức tạp, TNGT nghiêm trọng tăng cao trên cả 3 tiêu chí so với cùng kỳ năm 2012. Theo số liệu thống kê của Ban ATGT tỉnh, 3 tháng đầu năm toàn tỉnh đã xảy ra 190 vụ TNGT, làm chết 89 người, bị thương 201 người. Trong đó, TNGT nghiêm trọng xảy ra 86 vụ, làm chết 89 người, bị thương 42 người (so với cùng kỳ năm 2012 tăng 22 vụ, 29 người chết; va chạm giao thông xảy ra 105 vụ, làm bị thương 159 người. 8 địa phương có số người chết gia tăng từ 12-80% gồm: Buôn Ma Thuột, Krông Pak, Cư Kuin, Krông Buk, Buôn Đôn, Ea Kar, Ea Súp và Lak. So với các địa phương khác trong cả nước thì tình hình TNGT ở tỉnh ta đang ở mức “báo động đỏ”, bình quân mỗi ngày có trên 1,5 vụ TNGT xảy ra và có 1 người ra đi vĩnh viễn không còn dịp quay về nhà, 2 người trở về mang thương tích. Theo thống kê của phòng CSGT (Công an tỉnh), riêng tháng 3 trung bình mỗi ngày có 3 người chết và bị thương do TNGT. Cụ thể, đã xảy ra 27 vụ, làm chết 26 người, bị thương 10 người (so với cùng kỳ năm 2012, tăng 14 vụ, 13 người chết, 3 người bị thương). Theo các bác sĩ Khoa Cấp cứu (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) thì đa số những người bị thương do TNGT khi được chuyển vào bệnh viện đều bị chấn thương sọ não hoặc những thương tích nguy hiểm tương tự.
Hiện trường một vụ TNGT xảy ra trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột. |
TNGT đang trở thành nỗi ám ảnh đối với mỗi người, mỗi gia đình và toàn xã hội. Nạn nhân TNGT nhẹ thì mang thương tật, nặng thì thiệt mạng. Đáng thương hơn là có những gia đình TNGT đã cướp đi tính mạng của cả cha lẫn mẹ, để lại những đứa con thơ dại bơ vơ côi cút, không nơi nương tựa. Như vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng xảy ra tại cầu Sêrêpôk (địa phận xã Hòa Phú, TP. Buôn Ma Thuột) ngày 17-5-2012 làm 34 người thiệt mạng và 22 người bị thương đã khiến nhiều gia đình lâm vào cảnh bi thương, mất mát không gì có thể bù đắp được…
Đâu là nguyên nhân?
Theo phân tích của các cơ quan chức năng, các vụ TNGT xảy ra trong quý I vẫn là do những nguyên nhân không mới như: người điều khiển phương tiện đi không đúng phần đường, làn đường; thiếu chú ý quan sát; tránh, vượt sai quy định; chuyển hướng không bảo đảm an toàn; không nhường đường; chạy quá tốc độ quy định... Theo ông Bùi Trọng Hóa, Chánh văn phòng Ban ATGT tỉnh thì thời gian qua, công tác thông tin, tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ (GTĐB) và các văn bản liên quan được chú trọng. Phòng CSGT (Công an tỉnh) đã tổ chức hàng trăm đợt tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về TTATGT cho học sinh và giáo viên các trường phổ thông; nói chuyện chuyên đề cho học viên lớp lái xe hạng C Trường Cao đẳng Nghề Dak Lak; cấp phát 250 đĩa phim, 30 đĩa CD “Tuyên truyền về TTATGT” cho Công an 15 huyện, thị xã, thành phố. Các cấp, các ngành tuyên truyền, phổ biến Luật GTĐB trong các buổi họp cơ quan, đơn vị, thôn, buôn, khối phố… Cùng với việc đẩy mạnh, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo đảm TTATGT, các ngành chức năng mở nhiều đợt cao điểm tuần tra, kiểm soát và đấu tranh mạnh mẽ, quyết liệt đối với các đối tượng, hành vi vi phạm pháp luật về TTATGT, tập trung vào các thời điểm, tuyến đường thường xảy ra tai nạn. Trong quý I đã phát hiện và lập biên bản, xử phạt hơn 34.000 trường hợp vi phạm; tước Giấy phép lái xe 1.751 trường hợp; thu nộp ngân sách Nhà nước hơn 13 tỷ đồng. Thông báo về nơi cư trú hơn 1.000 trường hợp vi phạm TTATGT…
Với những động thái tích cực đó của các cấp, ngành đã góp phần quan trọng đưa Luật GTĐB đi vào đời sống và từng bước nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về TTATGT trong các tầng lớp nhân dân. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra ở đây là công tác tuyên truyền được đẩy mạnh, công tác tuần tra kiểm soát được xiết chặt nhưng TNGT vẫn không hề giảm mà có chiều hướng gia tăng? Ông Bùi Trọng Hóa cho rằng: Mặc dù phần lớn cán bộ, nhân dân đều nhận thức được những quy định trong Luật GTĐB cũng như các Nghị quyết, Nghị định của Chính phủ, song ý thức tự giác chấp hành pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế. Cụ thể, hằng ngày trên các tuyến đường vẫn còn không ít trường hợp người tham gia giao thông cố tình vi phạm những lỗi dù là nhỏ nhất như: không đội mũ bảo hiểm hoặc đội mũ bảo hiểm kém chất lượng, chở hàng hóa cồng kềnh; sử dụng rượu, bia; chạy quá tốc độ, chở quá số người quy định, lạng lách, đánh võng …; tình trạng không chấp hành hiệu lệnh kiểm tra của lực lượng cảnh sát giao thông có chiều hướng tăng (trong quý 1-2013 có 7 trường hợp không chấp hành hiệu lệnh của lực lượng chức năng, chống người thi hành công vụ). Một vấn đề nan giải nữa là tình trạng họp chợ kinh doanh, buôn bán tràn lan, có nơi còn lấn chiếm cả hành lang ATGT đường bộ, gây cản trở cho người đi bộ và hoạt động của các phương tiện giao thông, ảnh hưởng nghiêm trọng đến TTATGT đô thị…
TNGT ở tỉnh ta đang ở mức “báo động đỏ”, là vấn đề thời sự thu hút sự quan tâm của các cấp, các ngành và mọi người dân. Vì vậy, việc ngăn chặn và hạn chế đến mức thấp nhất TNGT không chỉ là những kế hoạch “suông” hoặc dồn tất cả lỗi về đối tượng tham gia giao thông. Đã đến lúc Nhà nước và nhân dân cùng làm và làm “triệt để” thì mới hy vọng giải quyết được căn bản vấn nạn này. Nếu trong thời gian tới, tỉnh và các cấp, các ngành không có “biện pháp mạnh” để triển khai thực hiện các Nghị định, Nghị quyết của Chính phủ một cách đồng bộ, thiết thực, hiệu quả thì khó mà đạt mục tiêu giảm từ 5-10% số vụ TNGT trong “Năm ATGT 2013”.
Thế Hùng
Ý kiến bạn đọc