Multimedia Đọc Báo in

An toàn giao thông cho mọi người:

Học sinh sử dụng xe đạp điện - tiện ích và hiểm họa

15:23, 20/09/2013

Do chức năng thuận tiện là dễ điều khiển, gọn nhẹ, không tốn tiền đổ xăng, giá cả phù hợp… nên xe đạp điện đang được nhiều người tiêu dùng lựa chọn. Tuy nhiên, chính loại phương tiện được gọi là “ Xe đạp” này đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an toàn giao thông…

Đối tượng sử dụng xe đạp điện phần đông là các em học sinh. Do bận công việc làm ăn, giá cả lại phải chăng ( từ 7 triệu đến 10 triệu đồng một chiếc) nên nhiều phụ huynh đã chọn mua cho con em mình, vừa đỡ công đưa đón lại giúp con em chủ động trong các buổi học chính khóa cũng như các giờ học thêm... Gọi là “ Xe đạp”, nhưng nó chạy  nhanh không kém gì mô tô, bởi tốc độ tối đa lên đến 40-50 km/ giờ. Nguy hiểm hơn là xe đạp điện chạy rất êm, hệ thống đèn xi nhan, còi phanh lại “ phập phù”. Theo phân tích của cơ quan chuyên môn: hệ thống phanh của phần lớn xe đạp điện không tương thích với tốc độ thực tế. Cụ thể, xe có thể chạy tối đa 50km/giờ, nhưng phanh xe chỉ đảm bảo ở tốc độ khoảng 20km/giờ. Thêm vào đó, bánh xe nhỏ nên dễ gây trượt khi cua với tốc độ lớn. Mặt khác, vì động cơ của xe chạy êm, nên không đủ bảo đảm để báo hiệu cho người điều khiển các phương tiện khác biết để chủ động trong lưu thông. Nếu đối tượng điều khiển là các em học sinh đang tuổi hiếu động, hiểu biết về luật giao thông rất hạn chế, thường ưa chạy tốc độ tối đa, thích lạng lách, trong khi xử lý tình huống giao thông yếu… thì thực sự là mối lo ngại cho người đi đường. Nói về thực trạng này, một phụ huynh cho hay: “Hiện tại chúng ta đang buông lỏng việc quản lý xe đạp điện. Tôi lái xe ôtô đi làm hàng ngày, đã từng đâm vào đuôi của một xe đạp điện vì hai cháu học sinh đèo nhau đi vào làn đường dành cho ôtô và dừng đột ngột giữa đường. Cũng may hôm đó tôi đạp phanh kịp thời”. Một phụ huynh khác lo ngại: “Tôi thấy việc để cho các cháu tùy tiện sử dụng xe đạp điện là rất nguy hiểm. Thứ nhất, các cháu không được thi sát hạch, không phải lấy bằng như xe máy, nên việc hiểu biết về luật giao thông rất yếu, trong khi đó tốc độ vận hành trên đường phố của xe đạp điện cũng bằng xe máy. Thứ hai, đa phần các cháu đi xe đạp điện đều không đội mũ bảo hiểm, vì vậy khi xảy ra tai nạn thường là nghiêm trọng. Thứ ba, ở tuổi của các cháu chưa nhận thức đầy đủ về sự nguy hiểm của tốc độ và tai nạn giao thông, thiếu kinh nghiệm khi tham gia giao thông ở tốc độ cao”.

Đối tượng sử dụng xe đạp điện phần lớn là học sinh. (Ảnh minh họa)
Đối tượng sử dụng xe đạp điện phần lớn là học sinh. (Ảnh minh họa)

Không ai phủ nhận tiện ích của xe đạp điện vì ngoài việc góp phần bảo vệ môi trường, không phải tốn nhiên liệu v.v… thì xe đạp điện được đông đảo phụ huynh mua cho con em sử dụng còn do không phải làm đăng ký tại  cơ  quan công an và không phải nộp phí đường bộ…Tuy nhiên, có một thực tế là hiện nay việc quản lý và xử phạt xe đạp điện vi phạm trật tự ATGT đang vướng mắc bởi đối tượng sử dụng chủ yếu là học sinh, chưa đến tuổi vị thành niên. Người sử dụng phương tiện này không cần  phải có bằng lái xe khi tham gia giao thông và không phải đăng ký biển số nên Cảnh sát giao thông không thể lập biên bản để giữ bất cứ loại giấy tờ nào. Thậm chí, khi phát hiện vi phạm thì việc xử phạt tại chỗ gặp nhiều khó khăn vì các em học sinh … không có tiền nộp phạt.

Vì vậy, trong khi chờ việc hoàn chỉnh, bổ sung luật xử phạt vi phạm đối với người sử dụng xe đạp điện, nên chăng nhà trường cần có giải pháp nâng cao tính tự giác trong các em. Trước mắt, cần tăng cường việc tuyên truyền trong học sinh để các em nâng cao ý thức trong việc tham gia giao thông khi sử dụng xe đạp điện cũng như các phương tiện giao thông khác; phối hợp với lực lượng công an giao thông  tổ chức các buổi học ngoại khóa để giáo dục kỹ năng điều khiển phương tiện xe đạp điện; đồng thời tiến hành ký cam kết giữa nhà trường với học sinh thực hiện nghiêm luật giao thông, thực hiện đội mũ bảo hiểm khi đi xe. Mặt khác, lực lượng cảnh sát giao thông cũng cần cương quyết trong việc xử phạt những trường hợp học sinh đi xe đạp điện vi phạm trật tự an toàn giao thông, gửi thông báo về nhà trường và gia đình để phối hợp răn đe; qua đó tạo cho các em thói quen trong việc tự giác chấp hành luật. Có như vậy, việc sử dụng loại phương tiện tiện ích này mới thật sự hiệu quả, tránh được những rủi ro đáng tiếc.

Trường Sa


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.