Chấp hành luật lệ giao thông ở địa bàn nông thôn: Vẫn là vấn đề ý thức!
Những năm qua, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, hệ thống giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh được đầu tư, nâng cấp, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở địa phương. Tuy nhiên cùng với sự phát triển đó là số vụ TNGT trên các tuyến đường giao thông nông thôn có chiều hướng gia tăng và diễn biến phức tạp.
Bảo đảm an toàn giao thông khu vực nông thôn đang là vấn đề cấp bách hiện nay. |
Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã xảy ra 471 vụ TNGT, làm 247 người chết, 501 người bị thương, so với cùng kỳ năm 2012 tăng 72 vụ (tăng 51,8%), tăng 45 người chết (tăng 24,73%), và 23 người bị thương (tăng 22,55%). Trong đó tai nạn xảy ra trên địa bàn nông thôn chiếm trên 40%. Mặc dù các ngành chức năng đã tăng cường thực hiện nhiều biện pháp như: tuần tra, kiểm soát trên các tuyến đường, đặc biệt là các tuyến tỉnh lộ, huyện lộ; phối hợp với các ngành, các cấp tuyên truyền trong nhân dân về việc chấp hành các quy định về an toàn giao thông cả chiều rộng lẫn chiều sâu; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm…nhưng TNGT trên các tỉnh lộ, huyện lộ vẫn tiếp tục có chiều hướng gia tăng. Có nhiều nguyên nhân khiến TNGT gia tăng trên địa bàn nông thôn nhưng tập trung nhất đó là ý thức của một bộ phận người tham gia giao thông còn kém. Một số trường hợp không có giấy phép lái xe, hay có giấy phép lái xe nhưng việc tuân thủ Luật ATGT còn hạn chế. Bên cạnh đó, do đặc thù đời sống của người dân khu vực nông thôn nên tình trạng cố tình vi phạm như không đội mũ bảo hiểm; say rượu, bia khi tham gia giao thông; phóng nhanh, vượt ẩu diễn ra phổ biến. Trong khi đó, ở khu vực này có địa bàn rộng, lực lượng CSGT mỏng, nên rất khó đảm đương hết địa bàn; công an xã là lực lượng trực tiếp giữ gìn trật tự ATGT trên địa bàn nông thôn, nhưng có lúc chưa thực sự làm hết trách nhiệm kiểm soát, xử lý…
Kiềm chế TNGT nói chung, khắc phục tình trạng số người chết do tai nạn tăng hơn cùng kỳ đang là vấn đề đặt ra đối với các cấp, ngành và toàn xã hội. Mặc dù thời gian qua, các cấp ủy đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể, từ tỉnh đến cơ sở đã triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp nhằm kiềm chế tai nạn giao thông như đẩy mạnh công tác tuần tra kiểm soát, tuyên truyền, giáo dục pháp luật về trật tự ATGT đến các vùng sâu, vùng xa kể cả tuyên truyền bằng tiếng Êđê đến với đồng bào dân tộc thiểu số. Một số địa phương đã tiến hành rà soát các đối tượng thường xuyên gây mất ATGT để đến từng nhà tuyên tuyền, nhắc nhở con em mình không vi phạm khi tham gia giao thông…nhưng kết quả đạt được vẫn chưa như mong muốn. Tuy nhiên đáng mừng là ở một số địa phương, tình hình đã có sự chuyển biến. Theo ông Y Tam Mlô – trưởng buôn Jun xã Ea Hồ (huyện Krông Năng), những năm qua mỗi năm buôn tổ chức họp dân khoảng 4 lần để triển khai tuyên truyền cho dân trong buôn về ATGT như: hạn chế sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông, hạn chế phóng nhanh vượt ẩu, sử dụng phương tiện giao thông gây mất trật tự trong buôn… Ngoài ra, ban tự quản buôn cũng thường xuyên đến từng nhà tuyên truyền để bà con hiểu và tự giác tuân thủ pháp luật của Nhà nước, trong đó có pháp luật về trật tự ATGT. Nhờ đó tình trạng thanh niên trong buôn vi phạm trật tự ATGT đã giảm hẳn. Hay như tuyến QL 26 đoạn qua địa bàn huyện Cư Kuin gần đây đã giảm hẳn tại nạn giao thông nhờ việc Phòng CSGT Công an tỉnh thường xuyên tổ chức tuyên truyền bằng cách ghi hình những vi phạm trên đoạn đường này và chiếu cho người dân sống hai bên Quốc lộ 26 xem. Có thể thấy khi ý thức của người dân nói chung, của những người tham gia giao thông nói riêng được nâng lên thì tình hình trật tự ATGT cũng được bảo đảm hơn. Theo ông Bùi Trọng Hóa, Chánh văn phòng Ban ATGT tỉnh, để giảm thiểu tai nạn giao thông trên địa bàn nông thôn thì biện pháp tuyên truyền vẫn là biện pháp tối ưu trong giai đoạn hiện nay. Việc triển khai thực hiện tốt Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” gắn với cuộc vận động “Toàn dân tham gia giữ gìn trật tự ATGT tại cơ sở” sẽ tạo sự chuyển biến nhất định về tình hình trật tự ATGT ở khu vực nông thôn.
Dự báo tình hình trật tự ATGT trong thời gian tới còn diễn biến phức tạp, TNGT sẽ tiếp tục gia tăng vì thời điểm cuối năm là mùa thu hoạch cà phê nên lượng phương tiện tham gia giao thông trên các tuyến giao thông nông thôn sẽ tăng gấp nhiều lần so với ngày thường, trong khi phần lớn loại phương tiện này không bảo đảm an toàn kỹ thuật, nhiều người chưa có giấy phép lái xe, hiểu biết Luật GTĐB còn hạn chế…Do đó, để kiềm chế tai nạn giao thông xảy ra trên địa bàn nông thôn cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong công tác tuyên truyền để mọi người dân nâng cao hơn nữa ý thức trong tham gia giao thông. Bên cạnh biện pháp tuyên truyền, việc đẩy mạnh tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm như chạy quá tốc độ, đi sai phần đường, không đội mũ bảo hiểm, sử dụng rượu, bia…của lực lượng chức năng các cấp cũng là giải pháp cần thiết để thay đổi nhận thức của người tham gia giao thông ở khu vực nông thôn.
Giang Nam
Ý kiến bạn đọc