Vẫn còn nhiều vi phạm trong hoạt động vận tải khách
Từ lâu, hoạt động kinh doanh vận tải vốn đã phức tạp, tồn tại nhiều bất cập, nhưng dường như công tác thanh, kiểm tra, xử phạt vi phạm vẫn còn bị xem nhẹ, dẫn đến tình trạng “kháng thuốc” của nhiều chủ doanh nghiệp, khiến vi phạm về hoạt động này vẫn không có dấu hiệu giảm.
Tình trạng xe bắt khách dọc đường vẫn chưa được xử lý triệt để. (Trong ảnh: Xe bắt khách trước cổng Bến xe phía Bắc Buôn Ma Thuột). |
Để thực hiện các biện pháp kiềm chế tai nạn giao thông, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo điều hành sát sao, Sở Giao thông vận tải (GTVT) cũng phát huy được vai trò quản lý nhà nước chuyên ngành trong lĩnh vực vận tải đường bộ, hoạt động vận tải khách bằng ô tô theo tuyến cố định trên cơ sở các quy định của Luật Giao thông đường bộ. Tuy nhiên, hoạt động vận tải trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều hạt sạn, khối u, rất cần một cuộc “đại phẫu” mới hy vọng đi vào nề nếp. Theo số liệu của Đoàn Thanh tra số 5 (Bộ GTVT), sau 4 ngày kiểm tra ở 5 đơn vị vận tải trên địa bàn Dak Lak, kiểm tra đến đâu phát hiện vi phạm đến đó. Cụ thể, về người điều hành vận tải của 5 đơn vị được kiểm tra có 1 đơn vị (chiếm 20% đơn vị được kiểm tra) có người điều hành vận tải không đủ điều kiện theo quy định tại điểm c, khoản 5, Điều 11-Nghị định 91/2009/NĐ-CP; 3/5 đơn vị khoán trắng phương tiện cho chủ xe tự quản lý, điều hành, sửa chữa phương tiện (chiếm 60%) số đơn vị kiểm tra (HTX vận tải cơ giới Quyết Tiến, HTX Vận tải Krông Ana, HTX vận tải Đồng Tâm), có nghĩa là toàn bộ hoạt động của phương tiện đều do chủ xe điều hành, hàng tháng các HTX vận tải chỉ thu một khoản tiền làm dịch vụ để cho phương tiện đó được mang thương hiệu của mình. Bên cạnh đó, các DN và HTX quản lý lái xe và nhân viên phục vụ trên xe rất lỏng lẻo, có 7/125 lái xe và nhân viên phục vụ trên xe của các đơn vị được kiểm tra không có tên trong danh sách của đơn vị.
Từ số liệu đó cho thấy, về cơ bản, lái xe và nhân viên phục vụ trên xe có ký hợp đồng lao động, tuy nhiên tại một số HTX việc ký hợp đồng chỉ là hình thức, bởi HTX không trực tiếp quản lý, sử dụng lái xe, nhân viên phục vụ trên xe mà giao khoán cho chủ xe hoặc xã viên HTX tự chịu trách nhiệm (đây cũng là biểu hiện của việc không quản lý lái xe, nhân viên phục vụ, không bảo đảm chế độ chính sách cho người lái xe). Đặc biệt, bộ phận theo dõi các điều kiện về an toàn giao thông (ATGT) ở các đơn vị được kiểm tra chỉ hoạt động theo hình thức, có 4/5 đơn vị (chiếm 80% đơn vị được kiểm tra) có bộ phận theo dõi ATGT, nhưng đơn vị không thực hiện việc theo dõi thiết bị giám sát hành trình (TBGSHT), nhắc nhở lái xe khi vượt quá tốc độ; kiểm tra an toàn của phương tiện, kiểm tra điều kiện của lái xe và phân tích đánh giá về ATGT. Qua kiểm tra trích xuất dữ liệu từ TBGSHT của 47 xe tại 6 DN vận tải trong thời gian từ 1-8 đến 31-8-2013 có 42/47 phương tiện vi phạm về tốc độ (chiếm 89,36% số phương tiện trích xuất được dữ liệu), với tổng số lần vi phạm là 9.096 lần, đặc biệt tốc độ vi phạm cao nhất đến 116 km/h. Bên cạnh đó, có đến 80% đơn vị được kiểm tra vi phạm về phương án kinh doanh, chất lượng dịch vụ, chưa xây dựng quy trình tiếp nhận, xử lý thông tin kiến nghị của hành khách và phản ánh của phương tiện thông tin đại chúng theo quy định tại điểm e, khoản 1, Điều 6 Thông tư 14/2010/TT-BGTVT, đơn cử như tại Công ty Cổ xe hành khách Dak Lak, việc niêm yết chất lượng dịch vụ trên xe về số lượng kg hàng hóa miễn cước chưa đúng theo nội dung đăng ký… Về vấn đề này, ông Thạch Như Sỹ, Phó Chánh thanh tra Bộ GTVT thẳng thắn bày tỏ quan điểm, Sở GTVT tỉnh đã chỉ đạo kịp thời việc chấp hành các quy định về điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô tại các DN, HTX vận tải trên địa bàn tỉnh, trong đó có nội dung thanh tra về việc lắp đặt và duy trì tình trạng kỹ thuật của TBGSHT. Tuy nhiên, Sở mới chỉ có văn bản nhắc nhở, chứ chưa xử lý các trường hợp vi phạm quy định về hoạt động vận tải thông qua dữ liệu từ TBGSHT của phương tiện.
Trong khi đó công tác kiểm tra ngay tại đầu bến đối với các xe chở khách của lực lượng chức năng chưa thường xuyên, việc áp dụng hình thức xử phạt bổ sung tước quyền sử dụng giấy phép lái xe về thủ tục chưa chặt chẽ, kết quả xử lý vi phạm hành lang an toàn giao thông đường bộ còn hạn chế. Thậm chí có trường hợp quá thời hạn 6 tháng liên tục kể từ ngày cấp phép vẫn không kinh doanh vận tải hành khách bằng ô tô theo tuyến cố định, nhưng Sở GTVT chưa tiến hành thu hồi giấy phép kinh doanh vận tải bằng ô tô theo điểm b, khoản 1, Điều 21 của Nghị định 91/2009/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định 93/NĐ-CP của Chính phủ (tính đến thời điểm kiểm tra). Bên cạnh đó, bản thân các DN vận tải còn xem nhẹ việc quản lý phương tiện, lái xe, nhân viên phục vụ trên xe; còn để xảy ra tình trạng khoán trắng phương tiện cho chủ xe.
Tại buổi làm việc với UBND tỉnh cách đây chưa lâu, ông Trương Tấn Viên, Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết: để vứt bỏ những “khối u” trong hoạt động vận tải, thời gian tới, đề nghị tỉnh Dak Lak tăng cường kiểm tra, tuần tra và kiểm soát đối với phương tiện vận tải hành khách, hàng hóa nhằm kịp thời phát hiện những hành vi vi phạm để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, trong đó tập trung vào các hành vi vi phạm: không lắp TBGSHT hoặc TBGSHT không hợp chuẩn; chở quá khổ, quá tải, chạy quá tốc độ cho phép, lái xe sử dụng chất ma túy, không bảo đảm sức khỏe theo quy định, không chấp hành đúng quy định trong giấy phép kinh doanh. Đồng thời thành lập đoàn thanh tra liên ngành để tiến hành thanh tra toàn diện hoạt động kinh doanh vận tải khách tại các DN, HTX trên địa bàn, mở rộng kiểm tra, thanh tra đơn vị đăng kiểm, bến xe, cơ sở đào tạo, sát hạch trên địa bàn tỉnh.
Hoàng Tuyết
Ý kiến bạn đọc