Cuộc vận động “Toàn dân tham gia giữ gìn trật tự an toàn giao thông”: Những kết quả đáng ghi nhận
Hưởng ứng Kế hoạch của Ban An toàn giao thông tỉnh về cuộc vận động “Toàn dân tham gia giữ gìn trật tự an toàn giao thông”, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã hăng hái tham gia, bước đầu đạt được những kết quả đáng ghi nhận, đặc biệt đối với những huyện vùng sâu vùng xa.
Cảnh sát giao thông và đội thanh niên tình nguyện phối hợp điều tiết giao thông tại kỳ thi đại học năm 2013. |
Thời gian qua, tình hình trật tự an toàn giao thông (TTATGT) trên địa bàn tỉnh diễn biến rất phức tạp, tai nạn giao thông (TNGT) nghiêm trọng vẫn xảy ra nhiều, nhất là ở các tuyến đường nông thôn. Trong đó vi phạm phổ biến nhất là tình trạng thanh thiếu niên tụ tập đông người điều khiển xe máy rú ga liên tục, lạng lách, đánh võng gây bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng trực tiếp đến trật tự an toàn xã hội, TTATGT ở địa phương. Trước thực trạng đó, mục tiêu của cuộc vận động nhằm tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATGT đến tất cả các cấp, ngành, tổ chức, đoàn thể, từng hộ gia đình, từ đó tạo sự chuyển biến về ý thức tự giác chấp hành pháp luật về TTATGT của người dân, góp phần giảm thiểu TNGT một cách bền vững.
Theo kế hoạch, giai đoạn 1 của cuộc vận động bắt đầu từ ngày 25-6-2013 đến 15-8-2013, giai đoạn 2 từ ngày 2-9 đến hết năm 2013. Để đánh giá công tác tổ chức, thực hiện nghiêm túc các nội dung, biện pháp của cuộc vận động trong giai đoạn 1, các thành viên trong đoàn đã tiến hành kiểm tra tại các đơn vị. Theo báo cáo của Ban ATGT huyện Ea Kar, đợt 1 Ban ATGT huyện đã tiến hành rà soát, thống kê các tổ chức, cá nhân có công trình xây dựng lấn chiếm hành lang ATGT để nhắc nhở và xử lý; triển khai cắm 44 cột mốc tại các tuyến đường trên địa bàn; lắp đặt bổ sung 81 biển báo hiệu và biển cảnh báo đường bộ; phối hợp tổ chức tuyên truyền luật giao thông đường bộ tại 6 điểm dân cư với gần 2.400 lượt người tham dự; lồng ghép tuyên truyền tại các cuộc họp thôn, buôn, tổ dân phố được 77 lượt cho trên 8.700 người; chỉ đạo các trường duy trì và nâng cao chất lượng giáo dục kiến thức về ATGT, phối hợp với đại diện cha mẹ học sinh thường xuyên nhắc nhở giáo dục con em mình tự giác chấp hành Luật giao thông đường bộ. Công an huyện đã mở đợt cao điểm tuần tra kiểm soát và xử lý vi phạm về trật tự ATGT, tập trung xử lý nghiêm các hành vi như rú ga, lạng lách, đánh võng. Tại huyện M’Drak, kết thúc giai đoạn 1, Ban ATGT huyện đã phối hợp tổ chức tuyên truyền luật giao thông đường bộ tại 15 buôn với hơn 1.400 người tham dự, kết quả có 13.000 hộ ký cam kết gia đình bảo đảm trật tự ATGT, 173 khu dân cư ký cam kết khu dân cư bảo đảm trật tự ATGT; thành lập được 5 đội hình thanh niên tình nguyện tham gia giữ gìn trật tự ATGT với 55 đoàn viên tham gia; đã tổ chức tuyên truyền về luật giao thông đường bộ 35 buổi, phát 450 tờ rơi... Đối với huyện Ea Súp, mặc dù là huyện vùng biên, đời sống còn nhiều khó khăn, nhưng người dân và các tổ chức, đoàn thể luôn đồng tình ủng hộ, tham gia nhiệt tình cuộc vận động. Tại xã Ea Lê huyện đã tổ chức sinh hoạt lồng ghép các nội dung về TTATGT tại các thôn, với 900 người tham gia, đồng thời ký cam kết chấp hành nghiêm chỉnh Luật Giao thông đường bộ như: không lấn chiếm hành lang ATGT; đội mũ bảo hiểm khi điều khiển mô tô, xe máy; không uống rượu bia khi lái xe. Lực lượng cảnh sát giao thông huyện đã lập biên bản xử phạt 750 trường hợp, tạm giữ 306 phương tiện; tước giấy phép lái xe có thời hạn đối với 39 trường hợp. Ông Bùi Trọng Hóa, Chánh văn phòng Ban ATGT tỉnh cho biết: bên cạnh những kết quả bước đầu, trong quá trình triển khai thực hiện cuộc vận động các địa phương cũng gặp không ít trở ngại như tỷ lệ người dân tộc thiểu số cao, trình độ dân trí thấp khiến công tác tuyên truyền, vận động gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, cơ sở hạ tầng ở khu vực nông thôn chưa được đầu tư xây dựng đồng bộ, nhiều tuyến đường trên địa bàn đã bị xuống cấp, hư hỏng nghiêm trọng; số lượng phương tiện tham gia giao thông ngày một gia tăng… khiến TNGT vẫn ở mức cao và diễn biến ngày càng phức tạp.
Để cuộc vận động “Toàn dân tham gia giữ gìn TTATGT” lan tỏa trong từng cơ quan, đơn vị, khu dân cư, Ban ATGT tỉnh đã có văn bản đề nghị các địa phương ngoài việc tổ chức tuyên truyền cần lồng ghép các nội dung về Luật Giao thông đường bộ để các quy định vốn khô khan khó nhớ trở nên gần gũi với người dân. Qua đó phát động toàn dân tham gia tố giác những hành vi vi phạm pháp luật về TTATGT; tổ chức kiểm điểm nghiêm túc đối với những trường hợp vi phạm; phối hợp với gia đình, đoàn thể giáo dục người vi phạm, đặc biệt đối với lứa tuổi thanh thiếu niên.
Hoàng Tuyết
Ý kiến bạn đọc