Quản lý máy cày tay: Bộn bề nỗi khó!
Máy cày tay là phương tiện vận tải khá phổ biến ở tỉnh ta bởi tính tiện dụng của nó. Theo quy định, người điều khiển loại xe này phải có Giấy phép lái xe (GPLX) hạng A4 và phải đăng ký, đăng kiểm với cơ quan chức năng, song trên thực tế hầu hết chủ xe đều “phớt lờ” quy định này!
Những “hung thần” trên quốc lộ
Mặc dù Chỉ thị 46/2004/CT-TTg của Chính phủ về việc “Cấm xe công nông lưu thông trên quốc lộ” đã có hiệu lực từ 1-1-2008, nhưng tại Dak Lak, do đặc thù địa phương là thủ phủ của cà phê nên máy cày tay vẫn được sử dụng nhiều trong giao thông vận tải. Theo đánh giá của Phòng CSGT (PC67 - Công an tỉnh), vào những ngày cuối năm, đặc biệt vào mùa thu hái cà phê, số lượng máy cày tay tham gia giao thông trên một số tuyến quốc lộ, tỉnh lộ và khu vực nông thôn tăng cao bất thường. Đây là loại phương tiện có nguy cơ tiềm ẩn TNGT khá cao bởi tay lái khá nặng nề, rơ-moóc chở hàng cồng kềnh, chông chênh, kém thăng bằng không theo quy chuẩn nào; nhiều phương tiện đã cũ kỹ, không bảo đảm an toàn. Chưa kể, máy cày tay không đèn pha, không xi-nhan, không còi báo hiệu, nên khi qua đường hoặc lùi xe rất dễ gây tai nạn. Theo báo cáo của PC67, từ đầu năm 2013 đến nay có 13 vụ TNGT liên quan đến máy cày, làm 6 người chết, 6 người bị thương (tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2012). Đơn cử như vụ TNGT nghiêm trọng xảy ra lúc 17 giờ ngày 30-6 trên địa bàn xã Ea Knuếch (huyện Krông Pak) giữa xe máy BKS 47M1- 1.7348 do Y Miên Niê (SN 1992, trú tại buôn Nhái, xã Ea Knuếch) điều khiển, chở phía sau Y Họp Ayun (SN 1993, cùng thôn) với xe máy cày tay không biển số do Y Ten Ayun (SN 1972, trú tại buôn Riêng A, xã Ea Knuếch) điều khiển. Hậu quả, Y Họp Ayun chết tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Y Miêng và Y Ten bị thương nặng. Khoảng 8 giờ ngày 5-10, anh Y Bluc Byă (31 tuổi, trú tại buôn Ea Knốp, xã Cư Ni, huyện Ea Kar) điều khiển xe máy cày chở thuê khoảng 4 tấn lúa cho ông Hồ Nam Chiến đi từ thôn Ea Rơt, xã Cư Bông về Cư Ni, khi đến đoạn đường trước nhà ông Trần Doãn Vịnh (thôn Ea Rơt), do đường dốc, máy cày lại chở nặng nên đã lật nhào xuống đường khiến Y Bluc bị đè tử vong tại chỗ. Mới đây nhất, khoảng 18 giờ 30 phút, ngày 23-10, tại đường liên xã thuộc thôn 9, xã Ea Ngái, huyện Krông Buk xảy ra vụ TNGT giữa xe máy của anh Bùi Khánh Dương (SN 1983, trú tại buôn Xóm A, xã Cư Pơng, huyện Krông Buk) điều khiển đi từ xã Ea Ngái về xã Cư Pơng với xe máy cày (không BKS) do anh Đoàn Công Ngà (SN 1984, trú tại xã Pơng Drang, huyện Krông Buk) điều khiển theo hướng ngược chiều. Hậu quả, anh Dương chết tại chỗ, xe máy hư hỏng nặng…
Xe máy cày tay lưu thông trên Quốc lộ 14. đoạn qua địa bàn huyện Krông Buk. |
Trên đây chỉ là 3 trong tổng số 13 vụ TNGT do máy cày tay gây ra trong 10 tháng năm 2013, khoảng thời gian mà nhân dân cả nước nói chung, Dak Lak nói riêng đang tích cực triển khai nhiều hoạt động hưởng ứng “Năm ATGT 2013” cho thấy, TNGT vẫn còn ở mức cao và luôn tiềm ẩn nguy cơ thường trực, nhất là đối với phương tiện máy cày tay.
Tăng cường công tác quản lý
Thiếu tá Lương Xuân Ngọc, Đội trưởng Đội Tham mưu - Tổng hợp (PC67 - Công an tỉnh) cho biết, trong rất nhiều nguyên nhân gây TNGT của máy cày tay có ý thức tự giác chấp hành các quy định về Luật GTĐB của người tham gia giao thông còn hạn chế; người điều khiển máy cày tay chưa có GPLX hạng A4, chưa được học các quy định về ATGT còn rất nhiều… trong khi đó, số lượng máy cày tay đăng ký chưa đáng kể, một lượng lớn phương tiện không bảo đảm an toàn kỹ thuật nhưng vẫn tham gia giao thông trên đường chưa bị xử lý, nhắc nhở. Toàn tỉnh hiện có 46.394 xe máy cày tay, máy kéo nhỏ, nhưng số người được cấp giấy phép lái xe hạng A4 (phù hợp với phương tiện này) chỉ có 3.838 người...
Trước thực trạng TNGT do máy cày tay gây ra ngày càng tăng và trở thành nỗi bức xúc của toàn xã hội, thời gian qua, lực lượng CSGT đã có nhiều nỗ lực như tăng cường công tác tuần tra, xử lý, nhắc nhở các trường hợp vi phạm; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về ATGT, trong đó có khuyến khích người dân tham gia các lớp đào tạo, sát hạch GPLX hạng A4, nhưng tỷ lệ người tham gia hằng năm vẫn còn quá ít. Điều đáng lưu ý hiện nay, đa phần máy cày tay do các cơ sở cơ khí nhỏ tự chế tạo, không theo một quy trình, tiêu chuẩn kiểm định nào nên khó cho việc đánh giá tình trạng kỹ thuật xe, dẫn tới cả cơ quan chức năng và người dân không biết thế nào là chuẩn để được cấp đăng ký… PC67 đang đề xuất với UBND tỉnh sẽ triển khai thực hiện đợt tổng kiểm tra, xử lý phương tiện tham gia giao thông là máy cày tay. Theo đó, để giảm thiểu TNGT do máy cày tay gây ra, PC67 sẽ phối hợp với Công an các huyện, thị xã, thành phố tuyên truyền vận động người dân tham gia học và thi GPLX hạng A4, đồng thời đăng ký quản lý phương tiện máy cày tay với cơ quan chức năng; tăng cường quản lý chặt chẽ phương tiện này thông qua việc đẩy mạnh kiểm tra an toàn kỹ thuật, cấp biển số đăng ký và nhất là tạo cơ chế thuận lợi cho người sử dụng phương tiện học để cấp GPLX hạng A4. Một tín hiệu vui đến với người dân trong tỉnh là Dak Lak vừa được Ủy ban ATGT Quốc gia chọn làm thí điểm đào tạo, sát hạch, cấp GPLX hạng A4, kinh phí do UB ATGT QG tài trợ. Dự kiến đợt học này sẽ có trên 500 học viên tham gia.
Nguyễn Thế
Ý kiến bạn đọc