Multimedia Đọc Báo in

Xử lý vi phạm của xe máy cày, xe độ chế: Thực hiện quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp hạn chế tai nạn giao thông

14:02, 10/06/2014
Trong những năm qua, bài toán về việc vừa để cho người dân tiếp tục được sử dụng xe máy cày vào sản xuất nông nghiệp, vừa để cho loại phương tiện đa năng này lưu thông được an toàn trên địa bàn tỉnh ta vẫn chưa tìm được lời giải trong khi tình hình trật tự an toàn giao thông (TTATGT) liên quan đến xe máy cày ngày càng diễn biến phức tạp, số vụ tai nạn giao thông (TNGT) tăng cao.

Từ năm 2012 đến nay, TNGT do xe máy cày, xe độ chế gây ra đang có chiều hướng gia tăng; đã xảy ra 33 vụ, làm 34 người chết, 15 người bị thương và có đến 37 vụ, 38 người chết, 11 người bị thương có liên quan đến loại phương tiện này. Tai nạn xảy ra trên khắp các tuyến đường, nhất là ở các tuyến đường giao thông nông thôn, với các nguyên nhân như: đi không đúng phần đường, chuyển hướng sai quy định, không làm chủ tốc độ, thiết bị an toàn kỹ thuật không bảo đảm... Một nguyên nhân đáng chú ý khác là loại phương tiện này đi ban đêm chỉ có một đèn, không có đèn báo chiều rộng bề ngang thành xe khiến người đi xe mô tô ngược chiều lầm tưởng là xe máy nên tránh không hết khiến xảy ra tai nạn. Đặc biệt là việc sử dụng phương tiện này để chở nhiều người, có thể làm gia tăng mức độ nghiêm trọng khi xảy ra tai nạn.

Những năm gần đây, công tác tuyên truyền, xử lý vi phạm đối với đối tượng này bị buông lỏng, một phần là do chế tài xử phạt cao, trong khi phần lớn vi phạm lại là người dân sử dụng phương tiện này chưa được đăng ký, không có giấy phép lái xe và thường để chở người, sản phẩm, vật tư nông nghiệp... Việc tạm giữ và bố trí nơi tạm giữ phương tiện cũng rất khó khăn, tốn nhiều thời gian nên gây ảnh hưởng trực tiếp đến khâu xử lý vi phạm.

Những vi phạm phổ biến trên các tuyến đường đều có thể dẫn tới  những vụ TNGT nghiêm trọng.
Những vi phạm phổ biến trên các tuyến đường đều có thể dẫn tới những vụ TNGT nghiêm trọng.

Trước thực trạng trên, để hạn chế đến mức thấp nhất TNGT do xe máy cày gây ra, tháng 6-2013, Phòng Cảnh sát giao thông – Công an tỉnh đã đề nghị công an các huyện, thị xã, thành phố báo cáo với chủ tịch UBND cùng cấp xin quan điểm chỉ đạo về việc xử lý xe máy cày, xe độ chế vi phạm Luật Giao thông đường bộ. Từ quan điểm cơ bản thống nhất của chủ tịch UBND các huyện, đơn vị đã tham mưu cho Giám đốc Công an tỉnh xin chủ trương của Chủ tịch UBND tỉnh về vấn đề này và được Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo: Sở Giao thông Vận tải đẩy mạnh công tác đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe hạng A4. Công an tỉnh đã xuống tận các xã tổ chức đăng ký xe máy cày, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân; xây dựng và triển khai kế hoạch kiểm tra, xử lý vi phạm đối với loại phương tiện qua 2 giai đoạn. Đầu tháng 1 đến hết tháng 2 năm 2014, công an các huyện, thị xã, thành phố đã tham mưu cho Ban An toàn giao thông, chính quyền cơ sở; phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể tăng cường công tác phổ biến, tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành các quy định về điều kiện tham gia giao thông của xe cơ giới và điều kiện của người lái xe tham gia giao thông. Đồng thời, tiến hành rà soát các cơ sở sản xuất, lắp ráp xe máy cày và cho ký cam kết thực hiện nghiêm quy định của pháp luật; kiên quyết đình chỉ hoạt động với các cơ sở vi phạm. Từ đầu tháng 3 đến hết tháng 5, lực lượng cảnh sát giao thông toàn tỉnh đã phối hợp với lực lượng cảnh sát trật tự - cơ động, công an xã, phường, thị trấn mở đợt kiểm soát, xử lý vi phạm đối với xe máy cày trong toàn tỉnh. Trong thời gian đầu, với phương châm vừa tuyên truyền, nhắc nhở, kết hợp với xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm, các lỗi cố ý, thường gây tai nạn. Nhờ quyết liệt trong triển khai, linh hoạt, kiên quyết trong xử lý nên đa phần nhận được sự ủng hộ của người dân. Anh Y Lý Niê ở xã Cư Né (huyện Krông Buk) chia sẻ: "Được nghe cán bộ tuyên truyền nên mình đã hiểu và rất ủng hộ cách cán bộ xử phạt để bà con mình đi nương, đi rẫy an toàn hơn. Mình sẽ về nói với mọi người trong buôn mình đi máy cày phải chấp hành tốt Luật Giao thông, không vi phạm như mình…".

Đến nay, lực lượng cảnh sát giao thông toàn tỉnh đã phát hiện, lập biên bản 523 trường hợp xe máy cày vi phạm. Trong đó, 316 trường hợp không giấy phép lái xe (chiếm 60,4%), 307 trường hợp không chứng nhận đăng ký (chiếm 58,7%), 2 trường hợp chưa đủ tuổi điều khiển xe, 17 trường hợp xếp hàng làm lệch xe, 6 trường hợp tự ý cải tạo trái quy định, 6 trường hợp đi không đúng phần đường... và ra quyết định xử phạt 376 trường hợp. 

Công tác đăng ký, nhất là đào tạo, cấp giấy phép lái xe hạng A4 đã có nhiều chuyển biến tích cực. Người dân đã ý thức được trách nhiệm phải đăng ký xe, không giao xe cho người chưa đủ điều kiện điều khiển, đặc biệt là đã liên hệ tìm đến cơ sở đào tạo để học thi lấy giấy phép lái xe. Trong 5 tháng đầu năm nay, đã cấp mới 1.041 giấy phép lái xe hạng A4, nhiều hơn cả số được cấp mới trong 5 năm gần đây, chưa kể 1.800 trường hợp đang học. Chỉ trong 3 tháng của giai đoạn 2 của kế hoạch nói trên, Phòng Cảnh sát giao thông đã cấp phép đăng ký được 4.088 máy cày, gấp gần 3,5 lần so với 15 tháng trước liền kề.

Với việc đẩy mạnh thực hiện đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp trong đó có công tác xử lý vi phạm đã đem lại những tín hiệu khả quan bước đầu cho mục tiêu hạn chế đến mức thấp nhất TNGT do xe máy cày gây ra. Từ ngày 1-3 đến ngày 30-5-2014, toàn tỉnh chỉ xảy ra 3 vụ TNGT do máy cày gây ra, làm chết 3 người, bị thương 1 người; giảm 4 vụ, 4 người chết so với cùng kỳ năm 2013.

Thúy Hằng


Ý kiến bạn đọc