Multimedia Đọc Báo in

Sau 2 tháng xử lý vi phạm nồng độ cồn theo kinh nghiệm quốc tế: Góp phần nâng cao hiệu quả công tác tuần tra kiểm soát giao thông

09:33, 31/10/2014

Sau 2 tháng triển khai mô hình tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ theo kinh nghiệm quốc tế trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ cửa ngõ vào TP. Buôn Ma Thuột, số trường hợp bị xử lý về lỗi này tăng đáng kể và biện pháp này được phần lớn người tham gia giao thông đồng tình, ủng hộ.

Vào lúc 19 giờ ngày 14-10, theo chân những cán bộ Phòng Cảnh sát giao thông - Công an tỉnh, chúng tôi có mặt tại km 143 - Quốc lộ 26 để theo dõi buổi kiểm tra nồng độ cồn theo kinh nghiệm quốc tế do các cảnh sát giao thông làm chủ công, phối hợp với lực lượng cảnh sát khác triển khai trên Quốc lộ 26, đoạn đi qua địa bàn TP. Buôn Ma Thuột. Việc phân làn được tổ chức từ xa với các cọc tiêu phản quang được đặt chạy dọc, chiếm 1/3 đoạn đường và biển báo phản quang “Chốt kiểm tra nồng độ cồn” giúp người điều khiển phương tiện dễ dàng nhìn thấy chốt kiểm tra và tuân thủ các yêu cầu của lực lượng Cảnh sát giao thông. Điểm khác của mô hình này so với hình thức xử lý lâu nay vẫn áp dụng là sau khi xe dừng, tùy vào từng loại phương tiện mà lái xe có thể tiếp tục ngồi trên xe và được thông báo về việc lực lượng chức năng đang tiến hành kiểm soát vi phạm quy định về nồng độ cồn. Trong quá trình giao tiếp, máy đo nồng độ cồn sẽ xác định về định tính xem trong hơi thở của lái xe có nồng độ cồn hay không. Nếu không có thì sẽ nhận được lời cảm ơn và hướng dẫn tiếp tục hành trình của lực lượng chức năng, còn lái xe được xác định trong hơi thở có nồng độ cồn thì sẽ được yêu cầu vào khu vực xử lý để tổ công tác kiểm tra giấy tờ và dùng máy đo nồng độ cồn ở chế độ đo định lượng xác định mức độ vi phạm và tiến hành lập biên bản xử lý theo quy định. Việc triển khai mô hình này đã giúp rút ngắn được thời gian xử lý, tránh phiền hà cho lái xe; hơn nữa lại nâng cao được hiệu quả công tác nên nhận được sự đồng tình của lái xe. Anh Cao Nghiêm Bá Trác, thường trú tại xã Ea Phê, (Krông Pak) nhận xét: “Tôi thấy đây là một việc làm rất thiết thực, xử lý như thế này rất nhanh, gọn nên tôi hoàn toàn ủng hộ”. Cũng cùng quan điểm, anh Nguyễn Sỹ Nhật, thường trú tại xã Phước An (Krông Pak) vui vẻ chia sẻ: “Bản thân tôi rất đồng tình với việc Cảnh sát giao thông xử lý người điều khiển xe cơ giới mà sử dụng rượu, bia. Bởi đây là một hành vi nguy hiểm, gây tai nạn giao thông cao. Tôi cũng mong rằng với việc xử lý quyết liệt thì tình trạng vi phạm này sẽ giảm dần trong thời gian tới…”.

Người điều khiển xe ôtô được ngồi trên xe để xác định về định tính nồng độ cồn trong hơi thở.
Người điều khiển xe ôtô được ngồi trên xe để xác định về định tính nồng độ cồn trong hơi thở.
Với sự quyết liệt trong triển khai, qua 2 tháng, lực lượng phối hợp đã kiểm tra hơn 500 lượt phương tiện các loại, lập biên bản 159 trường hợp vi phạm; trong đó có 113 môtô, 46 ôtô, tất cả các trường hợp vi phạm đều bị tạm giữ phương tiện 7 ngày. Điều đáng chú ý là có tới 50% trường hợp vi phạm nồng độ cồn bị xử phạt ở mức cao nhất là 3 triệu đồng đối với môtô, 15 triệu đồng đối với ôtô. Có thể nói, việc triển khai mô hình này đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác tuần tra kiểm soát, xử lý các trường hợp lái xe vi phạm nồng độ cồn; trong đó, số người điều khiển phương tiện vi phạm quy định về nồng độ cồn bị lập biên bản trong 2 tháng qua đã tăng lên 1.495 trường hợp; so với  2 tháng liền kề trước, tăng gần 75%. 

Tuy nhiên, bên cạnh, những kết quả đã đạt được, trong quá trình triển khai mô hình vẫn còn gặp không ít khó khăn, trở ngại mà phần lớn trong đó là từ người vi phạm. Đại úy Trần Thanh Bình, Tổ trưởng tổ công tác cho biết: “Sau một thời gian triển khai mô hình tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ theo kinh nghiệm quốc tế trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ cửa ngõ vào TP. Buôn Ma Thuột, không ít trường hợp người điều khiển phương tiện đã biết nên khi quan sát thấy chốt của chúng tôi liền quay đầu xe lại để tránh kiểm tra. Một số người vi phạm bị lập biên bản xử lý liền cố xin để được bỏ qua lỗi, nhưng trước thái độ cương quyết của chúng tôi đã có những cử chỉ, lời nói không đúng mực, thậm chí có hành động gây cản trở lực lượng chức năng làm việc và tiến hành tạm giữ phương tiện. Chúng tôi đã phải tuyên truyền, giải thích rất nhiều; đồng thời cũng cương quyết xử lý đúng người, đúng lỗi…”.

Được biết, Phòng Cảnh sát giao thông và lực lượng phối hợp sẽ rút kinh nghiệm và điều chỉnh mô hình này cho phù hợp với tình hình trật tự an toàn giao thông của địa phương để tiếp tục triển khai trong thời gian tới. Bởi đây là một trong những biện pháp có tính răn đe cao và phòng ngừa để góp phần đấu tranh với hành vi vi phạm nồng độ cồn được cho là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra các vụ tai nạn giao thông hiện nay ở tỉnh ta nói riêng, cả nước nói chung.

Đình Thảo – Thúy Hằng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.