"Trông người lại ngẫm đến ta"
Còn ở Việt Nam chúng ta, không khó để bắt gặp những hình ảnh “phản cảm” như: ở ngã ba, ngã tư, dù đèn đỏ bật thì nhiều người vẫn cố tình vượt có người còn điều khiển xe trèo qua dải phân cách để đi tắt cho nhanh; vào giờ cao điểm hay những tuyến giao thông đông người qua lại, mọi người không ai chịu nhường ai, mạnh ai người ấy đi miễn là được việc của họ; khi tai nạn giao thông xảy ra thì người đi đường ứng xử không chuẩn mực. Khi có tín hiệu của xe ưu tiên, có nhiều trường hợp vì vô tình hay hữu ý mà không tự giác nhường đường. Tôi đã từng chứng kiến sự việc nhiều người tham gia giao thông trên đường khi thấy lực lượng CSGT làm nhiệm vụ dẫn đường cho đoàn xe chở một lãnh đạo cấp cao Nhà nước đến thăm và làm việc ở tỉnh ta đã phải dùng gậy “cưỡng chế” thì họ mới tự giác nhường đường. Trước đây, tôi cũng đã có lần đọc một tờ báo đưa tin về trường hợp xe cấp cứu chở một cháu bé bị xuất huyết não từ Đồng Nai về TP. Hồ Chí Minh nhưng do chạy vào giờ cao điểm, các phương tiện giao thông không nhường đường, dẫn tới cháu bé tử vong khi chưa đến bệnh viện. Lẽ ra cháu bé sẽ không chết một cách tức tưởi nếu như mỗi người trong số đó chấp hành luật để xe cứu thương có thể vượt lên trước thay vì tranh nhau vượt lên nên mới xảy ra kẹt xe. Mới đây, tại TP. Hồ Chí Minh khi vụ cháy 8 căn nhà ở quận 3, mặc dù chỉ cách vụ cháy khoảng 1 km nhưng tới một giờ đồng hồ sau, đội cứu hỏa mới tiếp cận được hiện trường, tất cả cũng chỉ vì người dân dồn hết xuống đường hiếu kỳ theo dõi... Đó chỉ là một trong số ít những vụ việc cho thấy ý thức của người tham gia giao thông ở nước ta còn kém.
Mặc dù Luật Giao thông đường bộ 2008 đã quy định rõ ràng: "Khi có tín hiệu của xe được quyền ưu tiên, người tham gia giao thông phải nhanh chóng giảm tốc độ, tránh hoặc dừng lại sát lề đường bên phải để nhường đường. Không được gây cản trở xe được quyền ưu tiên". Tại các nước phát triển, cản trở xe ưu tiên thậm chí bám đuôi đều bị xử phạt, nhưng ở ta thì hầu như chưa có trường hợp nào bị phạt. Thiết nghĩ, muốn giao thông tốt lên thì mỗi người dân phải có ý thức tự giác chấp hành các quy định của luật pháp về trật tự an toàn giao thông. Khi gặp phương tiện ưu tiên, trong đó có xe cứu thương, cứu hỏa… thì người dân phải đặt mình vào hoàn cảnh của người gặp hoạn nạn đang rất cần được cấp cứu khẩn cấp.
Thế Hùng
Ý kiến bạn đọc