Multimedia Đọc Báo in

Tai nạn giảm, nhưng chưa hết lo!

08:40, 08/06/2015
Từ đầu năm 2015 đến nay, tình hình trật tự an toàn giao thông (TTATGT) trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực, tai nạn giao thông (TNGT) giảm cả 3 tiêu chí (số vụ, số người chết và số người bị thương) so với cùng kỳ năm 2014.
 
Tuy nhiên, theo đánh giá của cơ quan chức năng, TNGT vẫn còn xảy ra nhiều vụ đặc biệt nghiêm trọng, làm chết và bị thương nhiều người. Từ đó, đòi hỏi các ngành chức năng cần có giải pháp hữu hiệu hơn nhằm kiềm chế sự gia tăng TNGT trong thời gian tới.

Năm 2015 tiếp tục được Ủy ban ATGT quốc gia chọn làm "Năm ATGT" với chủ đề là "Siết chặt quản lý kinh doanh vận tải và kiểm soát tải trọng phương tiện”, với mục tiêu “Bảo đảm tính mạng con người là trên hết". Ngay từ đầu năm, Ban ATGT tỉnh đã chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị-xã hội triển khai quyết liệt nhiều giải pháp kiềm chế TNGT như: đẩy mạnh công tác tuần tra, kiểm soát xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm Luật Giao thông đường bộ (GTĐB); tuyên truyền, phổ biến sâu rộng Luật GTĐB cho nhân dân, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; tập trung khắc phục “điểm đen” về TNGT; phối hợp tăng cường kiểm soát, xử lý vi phạm và chấn chỉnh hoạt động kinh doanh vận tải, nhất là về kiểm soát tải trọng phương tiện. Qua quá trình tuần tra, kiểm soát, lực lượng chức năng toàn tỉnh đã phát hiện, xử lý hơn 68.000 trường hợp vi phạm Luật GTĐB, tạm giữ 15.217 phương tiện giao thông các loại, tước Giấy phép lái xe 6.945 trường hợp, thu nộp ngân sách Nhà nước gần 40 tỷ đồng (tăng 6,5 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái). Ông Bùi Văn Ngọc, Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh cho biết: “Thời gian qua, Ban ATGT tỉnh đã bám sát nội dung Nghị quyết số 88/NQ-CP năm 2011 của Chính phủ về “Tăng cường các giải pháp trọng tâm bảo đảm TTATGT” và xem đó là “kim chỉ nam” cho các hoạt động: phối hợp với lực lượng CSGT tỉnh và các địa phương triển khai nhiều đợt tuyên truyền Luật GTĐB tại trường học, địa bàn khu dân cư; tăng cường phối hợp với các ngành chức năng triển khai thực hiện kế hoạch liên ngành về công tác bảo đảm TTATGT như tuyên truyền, giáo dục pháp luật và ký cam kết chấp hành nghiêm Luật GTĐB trong học sinh, sinh viên; đội mũ bảo hiểm cho trẻ em từ 6 tuổi trở lên khi ngồi trên xe mô tô, gắn máy. Các tổ chức, đoàn thể như: Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh, Nông dân, Phụ nữ… đều vào cuộc”.

Lực lượng CSGT tỉnh ra quân bảo đảm TTATGT năm 2015.
Lực lượng CSGT tỉnh ra quân bảo đảm TTATGT năm 2015.

Nhờ triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều biện pháp, đã góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về TTATGT của người tham gia giao thông, kiềm chế TNGT. Theo báo cáo của Ban ATGT tỉnh, từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra 260 vụ TNGT đường bộ, làm chết 137 người, bị thương 250 người khác, hư hỏng 398 phương tiện giao thông các loại; so với cùng kỳ năm 2014, TNGT giảm 12 vụ, 5 người chết và 28 người bị thương. Mặc dù TNGT được kiềm chế nhưng theo nhận định của các cơ quan chức năng, TTATGT vẫn còn diễn biến phức tạp. Cụ thể, trong tháng 5 năm 2015, trên địa bàn tỉnh xảy ra 42 vụ TNGT, làm chết 29 người, bị thương 35 người, gây thiệt hại về tài sản trị giá 265 triệu đồng; so với tháng 4, TNGT tăng 6 vụ, 12 người chết và 12 người bị thương.

Trong đó, có 2 vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng xảy ra tại huyện Ea H’leo và Krông Buk làm chết 8 người, bị thương 5 người. Như vậy, từ đầu năm đến nay trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 3 vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng, làm chết 11 người, bị thương 6 người (tăng 2 vụ, 8 người chết và 3 người bị thương so với cùng kỳ năm 2014); TNGT liên quan đến phương tiện xe máy kéo, máy cày tay phức tạp trở lại, toàn tỉnh xảy ra 17 vụ, làm chết 12 người, bị thương 19 người; TNGT trên các tuyến giao thông nông thôn vẫn chiếm tỷ lệ cao (chiếm 32,5%), tăng 6,8% so với cùng kỳ năm 2014. Đáng chú ý là TNGT liên quan đến người đi bộ xảy ra 12 vụ, làm 2 người chết, bị thương 12 người (chiếm 4,6%).

Qua phân tích nguyên nhân các vụ TNGT xảy ra, ngoài sự chủ quan của người tham gia giao thông, thời gian qua nhiều tuyến đường trên địa bàn tỉnh đang được đầu tư nâng cấp, sửa chữa nhưng trong quá trình thi công nhà thầu chưa thực hiện nghiêm túc các biện pháp bảo đảm TTATGT như: thiếu biển báo hiệu, thiếu cọc tiêu an toàn; nhiều tuyến đường xuống cấp nghiêm trọng nhưng chưa được sửa chữa, khắc phục cũng là nguyên nhân khiến TTATGT trở nên phức tạp. Bên cạnh đó, phương tiện giao thông cơ giới đường bộ tăng nhanh (hiện có trên 1,1 triệu phương tiện giao thông các loại) đã tạo áp lực rất lớn đối với công tác bảo đảm TTATGT. Trong khi đó, lực lượng CSGT các địa phương còn mỏng, thiếu trang thiết bị, phương tiện nghiệp vụ khiến cho công tác tuần tra kiểm, soát và xử lý vi phạm gặp nhiều khó khăn. Ý thức tự giác chấp hành các quy định của pháp luật về TTATGT của một bộ phận người dân còn thấp; tình trạng thanh thiếu niên điều khiển xe máy phân khối lớn, thay đổi kết cấu xe, tụ tập thành từng nhóm chạy tốc độ cao, rú ga, lạng lách đánh võng gây mất TTATGT vẫn diễn ra…

Trung tá Ngô Văn Cường, Phó trưởng Phòng CSGT - Công an tỉnh cho biết: “Ngay từ đầu năm, Phòng CSGT đã tham mưu Ban Giám đốc Công an tỉnh ban hành các kế hoạch bảo đảm TTATGT. Đặc biệt, công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về TTATGT được thực hiện thường xuyên, liên tục, theo chủ đề trọng tâm nhằm vận động người dân tự giác chấp hành Luật GTĐB. Thời gian tới, nhất là trong kỳ thi đại học-cao đẳng năm 2015, Phòng sẽ tổ chức các đợt cao điểm tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm TTATGT, tập trung vào các lỗi là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến TNGT như: tránh, vượt sai quy định; đi sai phần đường, làn đường; chạy quá tốc độ cho phép; người điều khiển phương tiện giao thông sử dụng rượu bia quá nồng độ cồn cho phép; thiếu chú ý quan sát...”.

Thế Hùng


Ý kiến bạn đọc