Multimedia Đọc Báo in

Mùa cà phê và nỗi lo an toàn giao thông

09:50, 28/12/2016

Vụ mùa thu hoạch cà phê kéo theo sự gia tăng số lượng phương tiện xe công nông tham gia giao thông. Hầu hết, các xe đều chất đầy cà phê và người lao động ngồi chênh vênh trên thùng chạy rầm rập trên đường. Cùng với đó là việc thiếu sân phơi “buộc” người dân phải lấn chiếm lòng, lề đường để phơi nông sản... Những hành vi trên đã vi phạm Luật Giao thông đường bộ (GTĐB), gây mất an toàn giao thông (ATGT).

Nhiều kiểu vi phạm

Từ lâu, xe công nông đã trở thành phương tiện giao thông gắn liền với hoạt động sản xuất nông nghiệp của đồng bào các dân tộc ở Tây Nguyên nói chung, Đắk Lắk nói riêng. Tình trạng xe chở người và nông sản chạy bon bon trên các tuyến quốc lộ vẫn diễn ra thường ngày, gây mất ATGT, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông (TNGT). Đi dọc các tuyến Quốc lộ 14 (nay là đường Hồ Chí Minh), 26, 27 và nhiều tuyến đường khác trên địa bàn tỉnh thời gian này, không khó để bắt gặp hình ảnh những chiếc xe công nông chở đầy người, hàng hóa và nông sản chất cao ngút phóng bạt mạng trên đường. Mặc dù, tình trạng mất ATGT liên quan đến xe công nông đã được ngành chức năng khuyến cáo nhưng vẫn chưa được xử lý triệt để. Theo thống kê của Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT), Công an tỉnh, trong năm 2015 (tính từ ngày 16-11-2014 đến tháng 15-11-2015) trên địa bàn tỉnh đã xảy 25 vụ tai nạn và va chạm liên quan đến xe công nông, làm chết 16 người, bị thương 17 người; so với cùng kỳ năm 2014, số vụ, số người chết giảm nhưng số vụ va chạm và bị thương lại tăng cao.

Thời gian gần đây, người dân lấn chiếm lòng, lề đường phơi cà phê  trên Quốc lộ 27 khá phổ biến (Ảnh chụp ngày 12-12-2015 đoạn đi qua địa phận  xã Hòa Thắng, TP. Buôn Ma Thuột).
Thời gian gần đây, người dân lấn chiếm lòng, lề đường phơi cà phê trên Quốc lộ 27 khá phổ biến (Ảnh chụp ngày 12-12-2015 đoạn đi qua địa phận xã Hòa Thắng, TP. Buôn Ma Thuột).

Ngoài nguy cơ mất ATGT do xe công nông gây ra, tại một số địa phương trong tỉnh thời gian qua còn xảy ra tình trạng người dân lấn chiếm lòng, lề đường để phơi cà phê. Chẳng hạn như đoạn qua khu vực giáp ranh giữa xã Hòa Thắng (TP. Buôn Ma Thuột) và xã Ea Ktur (huyện Cư Kuin) những ngày qua có rất nhiều hộ dân đã tận dụng lòng, lề đường trước nhà để phơi cà phê. Thậm chí, có những đoạn đường một chiều, cho phép xe máy lưu thông tốc độ cao hay khúc cua khuất tầm nhìn, độ dốc lớn cũng bị người dân lấn chiếm...

Khó xử lý?

Theo thống kê của Sở Giao thông vận tải, trên địa bàn tỉnh hiện có khoảng 78.000 xe công nông phục vụ việc vận chuyển, chăm sóc cây nông nghiệp. Theo Chỉ thị số 46/CT-TTg/2004 ngày 09-12-2004 của Thủ tướng Chính phủ về việc quản lý xe công nông tham gia giao thông đường bộ thì phương tiện này không thuộc diện đình chỉ tham gia giao thông nhưng cần tăng cường công tác quản lý để bảo đảm ATGT. Tuy nhiên, việc quy hoạch đường dành riêng cho loại phương tiện này hiện đang gặp rất nhiều khó khăn vì thiếu quỹ đất và kinh phí phục vụ cho việc giải phóng mặt bằng và đầu tư xây dựng. Hơn nữa, hiện nay một số tiệm cơ khí tự ý cải tạo xe máy cày từ hệ thống lái bằng càng sang lái bằng vô lăng diễn ra khá phổ biến.

Tất cả những điều trên đã gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong việc quản lý phương tiện. Để hạn chế phương tiện này tham gia giao thông, ngày 8-11-2007, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1491/QĐ-TTg về việc hỗ trợ để thay thế xe công nông, xe tải quá niên hạn sử dụng tại các tỉnh phí Bắc và Tây Nguyên. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Tài chính và Sở Giao thông vận tải hướng dẫn các huyện, thị xã, thành phố thống kê và lập hồ sơ phương tiện được hỗ trợ theo quy định; đồng thời có Quyết định 1130/QĐ-UBND ngày 12-5-2010 về việc tạm ứng cho 10 huyện, thị xã, thành phố số tiền trên 10 tỷ đồng để hỗ trợ thay thế xe công nông. Đến ngày 18-5-2011, Sở Tài chính mới quyết toán kinh phí với số tiền gần 2 tỷ đồng hỗ trợ thay thế được cho 352 xe và hiện nay đã dừng triển khai công tác này.

Ngoài khó khăn trong công tác quản lý, thời gian qua công tác đào tạo, sát hạch, cấp Giấy phép lái xe (GPLX) hạng A4 của cơ quan chức năng cũng gặp không ít khó khăn. Từ năm 1996 - 2000, Sở Giao thông vận tải đã tổ chức sát hạch, cấp GPLX hạng A4 cho 641 người; từ năm 2001-2008 không có người đăng ký theo học; từ 2009 - 2015 số lượng người được cấp GPLX hạng A4 cũng rất hạn chế. Tính đến nay, số người được cấp GPLX hạng A4 là 10.491 (chiếm 13%), quá ít so với số lượng phương tiện hiện có. Trung tá Võ Hoài Giang, Phó trưởng Trạm CSGT Krông Búk (Phòng CSGT, Công an tỉnh) cho biết: “Tình trạng xe công nông lưu thông trên địa bàn hiện đang rất phức tạp và khó xử lý bởi đa số người điều khiển phương tiện làm nông nghiệp, đồng bào dân tộc thiểu số nên ý thức chấp hành Luật GTĐB còn rất hạn chế. Đặc biệt, đời sống của người dân còn nghèo khó, chưa có điều kiện để thay thế phương tiện khác. Vì vậy, lực lượng CSGT trong quá trình tuần tra kiểm soát giao thông chủ yếu là tuyên truyền đến từng hộ dân, chủ phương tiện chấp hành những quy định điều khiển phương tiện. Từ đầu năm đến nay, Trạm chỉ xử lý và lập biên bản 146 trường hợp với các lỗi vi phạm như: chở người trên thùng, không có GPLX, không có chứng nhận đăng ký, không có chứng nhận bảo hiểm... Trong năm 2015, Trạm cũng đã tổ chức ký cam kết hơn 200 lượt chủ phương tiện xe công nông về bảo đảm công tác điều khiển xe công nông trên quốc lộ”.

Đối với vấn đề lấn chiếm lòng, lề đường phơi cà phê, ông Bùi Văn Ngọc, Chánh Văn phòng Ban ATGT tỉnh cho biết: “Việc người dân sử dụng lòng, lề đường để phơi nông sản nói chung và cà phê nói riêng đã tồn tại từ nhiều năm nay. Đành rằng, điều kiện sân bãi, phơi sấy nông sản của bà con nông dân còn nhiều khó khăn, nhưng không vì thế mà lấn chiếm lòng đường, vỉa hè để phơi nông sản, gây mất ATGT. Việc làm nguy hiểm đó cần phải ngăn chặn kịp thời trước khi những sự việc đáng tiếc có thể xảy ra. Thời gian qua, Ban ATGT tỉnh đã chỉ đạo các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến Luật GTĐB để người dân hiểu việc phơi nông sản ngoài đường là vi phạm hành lang ATGT đường bộ. Nếu để xảy ra TNGT nghiêm trọng thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự...”.

Thế Hùng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.