Multimedia Đọc Báo in

Vi phạm tốc độ - Mối nguy hiện hữu!

08:48, 14/06/2017

Chạy quá tốc độ quy định là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến các vụ tai nạn giao thông (TNGT) nghiêm trọng.

Bởi vậy, “Tuần lễ an toàn giao thông đường bộ lần thứ 4 năm 2017” do Đại hội đồng Liên hiệp quốc triển khai đã lấy chủ đề là “Tốc độ” nhằm cảnh báo cho người tham gia giao thông những hiểm họa từ hành vi vi phạm này.

“Vận tốc tăng, ắt thị lực giảm” và hậu quả thiệt hại từ những vụ TNGT liên quan đến lỗi này trở nên nghiêm trọng do tình thế bị động, tốc độ cao tỷ lệ thuận với lực va chạm khiến người và phương tiện hầu như biến dạng, thậm chí không thể nhận dạng sau tai nạn... đó là thực tế đã diễn ra.

Đơn cử như vụ TNGT xảy ra lúc 16 giờ ngày 13-5-2017 trên QL 29 (đoạn qua địa bàn thôn Giang Phong, xã Tam Giang, huyện Krông Năng) làm anh Đinh Quốc Cường (SN 1996, trú tại xã Ea Đăh) và anh Đinh Hồng Sơn (SN 1998, trú tại xã Tam Giang) chết tại chỗ. Nguyên nhân ban đầu được cơ quan chức năng xác định là do anh Cường điều khiển xe mô tô chở anh Sơn phía sau chạy tốc độ cao, ôm cua không làm chủ tay lái đã đâm vào cọc tiêu giao thông phía bên trái đường đi, rớt xuống mương khiến cả hai tử vong.

Hay vụ tai nạn xảy ra lúc 9 giờ 30 ngày 1-6-2017, tại Km 14+200 Tỉnh lộ 12 (đoạn qua địa bàn Tổ dân phố 2, xã Ea Trul, huyện Krông Bông) do anh Nguyễn Văn Huệ (SN 1994, trú tại xã Ea Trul) điều khiển xe mô tô ôm cua vào đoạn đường cong với tốc độ cao, không làm chủ được tay lái đã tông vào xe ôtô đi ngược chiều, tử vong tại chỗ…

Lực lượng CSGT tỉnh kiểm tra tốc độ phương tiện tham gia giao thông trên Quốc lộ 27 (đoạn qua địa bàn xã Hòa Thắng, TP. Buôn Ma Thuột).
Lực lượng CSGT tỉnh kiểm tra tốc độ phương tiện tham gia giao thông trên Quốc lộ 27 (đoạn qua địa bàn xã Hòa Thắng, TP. Buôn Ma Thuột).

Thời gian qua, công tác xử lý phương tiện giao thông cơ giới đường bộ vi phạm tốc độ là một trong những chuyên đề lớn được Phòng Cảnh sát giao thông (CSGT), Công an tỉnh thực hiện thường xuyên, liên tục. Từ đầu năm 2017 đến nay, lực lượng CSGT toàn tỉnh đã phát hiện và lập biên bản trên 5.000 trường hợp vi phạm lỗi chạy quá tốc độ quy định (chiếm khoảng 15% tổng số trường hợp vi phạm). Mặc dù đã triển khai quyết liệt nhiều giải pháp nhưng do lực lượng mỏng không thể tuần tra, kiểm soát hết được các tuyến giao thông. Hơn nữa, thực tế hiện nay các lái xe, đặc biệt lái xe tuyến đường dài đều sử dụng “tín hiệu riêng” để thông báo cho nhau, khi qua trạm có CSGT thì điều khiển cho xe chạy chậm nhưng sau đó lại tăng tốc …

Nghị định 46/2016/NĐ-CP ngày 26-5-2016 của Chính phủ quy định: Phạt tiền từ 600-800 nghìn đồng đối với người điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định từ 5 đến dưới 10 km/h; phạt tiền từ 2 - 3 triệu đồng đối với người điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định từ 10 - 20 km/h; phạt tiền từ 5 - 6 triệu đồng đối với người điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định từ 20 - 35 km/h; phạt tiền từ 7 - 8 triệu đồng đối với người điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định trên 35 km/h.

Một điều cần nói tới nữa là theo Thông tư 01/2016/TT-BCA ngày 4-1-2016 của Bộ Công an (có hiệu lực từ ngày 25-2-2016) thì lực lượng CSGT cấp huyện, thị xã, thành phố không được tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính về trật tự an toàn giao thông trên tuyến quốc lộ đi qua địa giới hành chính thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thị trấn thuộc huyện mà phải có sự phối hợp với Phòng CSGT theo kế hoạch của Giám đốc Công an tỉnh. Do đó, lực lượng này cũng gặp khó trong việc xử lý vi phạm đối với các lỗi chạy quá tốc độ trong khu đông dân cư.

Trung tá Nguyễn Quang Vịnh - Trưởng phòng CSGT, Công an tỉnh cho biết: “Để hạn chế tình trạng người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ chạy quá tốc độ quy định, góp phần giảm thiểu TNGT xảy ra trên địa bàn, thời gian qua, lực lượng CSGT toàn tỉnh đã triển khai nhiều đợt cao điểm; trong đó có chuyên đề xử lý vi phạm về tốc độ đối với tất cả các xe có động cơ. Ngoài ra, Phòng cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức như: chiếu phim, hình ảnh về các vụ TNGT liên quan đến lỗi chạy quá tốc độ và hậu quả để lại cho mỗi gia đình, xã hội nhằm nâng cao nhận thức cho người dân”.

Thiết nghĩ, để bảo đảm an toàn cho chính bản thân mình và cho người khác, khi tham gia giao thông, người điều khiển phương tiện cần làm chủ tay lái, không được phóng nhanh vượt ẩu, chấp hành tốt các quy định về trật tự an toàn giao thông; lực lượng chức năng cần phối hợp tăng cường tuần tra, kiểm soát trên các tuyến đường trọng điểm thường xảy ra TNGT, khu đông dân cư để xử lý nghiêm tình trạng phóng nhanh, vượt ẩu…

Thế Hùng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.