Multimedia Đọc Báo in

Hiệu quả từ mô hình "Cổng trường an toàn giao thông"

09:41, 08/01/2020

Nhằm góp phần đảm bảo trật tự an toàn giao thông (TTATGT) trước cổng trường, Đoàn Thanh niên phường An Lạc (thị xã Buôn Hồ) đã phối hợp với các trường học trên địa bàn triển khai mô hình “Cổng trường an toàn giao thông”. Bước đầu, mô hình đã phát huy hiệu quả, góp phần hình thành văn hóa giao thông cho phụ huynh, học sinh.

Trước đây, tình hình TTATGT trước cổng Trường Tiểu học Kim Đồng vào đầu giờ học và tan trường diễn ra khá phức tạp. Trường nằm trên Quốc lộ 29, mật độ phương tiện tham gia giao thông đông, nhất là vào giờ cao điểm. Trong khi đó, số lượng học sinh của trường lên đến 700 em. Vào đầu giờ học và tan trường, học sinh thường đi xe đạp dàn hàng hai hàng ba, còn phụ huynh đậu đỗ phương tiện lộn xộn, lấn chiếm lòng đường gây ùn tắc và tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông... Để hạn chế tình trạng đó, Đoàn Thanh niên phường An Lạc đã phối hợp với nhà trường triển khai mô hình “Cổng trường an toàn giao thông”.

Phụ huynh tạo được thói quen xếp hàng khi đưa đón con trước cổng Trường Tiểu học Kim Đồng.
Phụ huynh tạo được thói quen xếp hàng khi đưa đón con trước cổng Trường Tiểu học Kim Đồng.

Anh Mai Bá Vinh, Bí thư Đoàn phường An Lạc chia sẻ: Để thực hiện hiệu quả mô hình, thời gian đầu, vào giờ tan học, Đoàn Thanh niên phối hợp với Công an phường cử đoàn viên, thanh niên tham gia điều tiết, phân luồng tránh ùn tắc khu vực cổng trường; hướng dẫn phụ huynh đậu đỗ phương tiện đúng quy định; học sinh phải xuống xe dắt qua cổng, không tụ tập dưới lòng, lề đường, không đi xe dàn hàng ngang trên đường... Cách làm này, dần dần hình thành được nền nếp giữ gìn TTATGT cho phụ huynh, học sinh.

 

Ai cũng muốn đón con về sớm, nhưng nhiều người đỗ xe tùy tiện, gây mất TTATGT. Tôi cũng như nhiều phụ huynh khác đều thấy mô hình này rất thiết thực, cần được duy trì”.

 
Anh Đặng Thanh Quỳnh, phụ huynh có con học tại Trường Tiểu học Kim Đồng

Có mặt tại Trường Tiểu học Kim Đồng sau 1 tháng triển khai mô hình, vào giờ tan học buổi trưa mới thấy ý thức chấp hành TTATGT của các bậc phụ huynh, học sinh có nhiều chuyển biến tích cực. Học sinh các lớp di chuyển ra về trong trật tự. Các phụ huynh chờ con thì xếp phương tiện gọn gàng, ngay hàng thẳng lối dọc hai bên lề đường. Không còn tình trạng chen nhau, lấn chiếm lòng đường, giúp người dân tham gia giao thông trên tuyến đường trước cổng trường một cách thuận lợi.

Cô Ngô Thị Hà, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Kim Đồng cho biết: Sau khi Ban Giám hiệu nhà trường phối hợp với Đoàn Thanh niên phường xây dựng mô hình “Cổng trường an toàn giao thông” tình hình TTATGT trước cổng trường đã ổn định hơn, phụ huynh đã chấp hành đúng các quy định về dừng, đỗ xe.

Mô hình “Cổng trường an toàn giao thông” giúp bảo đảm TTATGT trước cổng trường vào giờ tan học.
Mô hình “Cổng trường an toàn giao thông” giúp bảo đảm TTATGT trước cổng trường vào giờ tan học.

Từ hiệu quả thiết thực của mô hình, Đoàn Thanh niên phường đã tiếp tục nhân rộng mô hình tại Trường Tiểu học Nguyễn Trãi. Dù chỉ mới triển khai trong thời gian ngắn nhưng mô hình đã tác động tích cực đến ý thức của học sinh, các bậc phụ huynh.

Thầy Bùi Thọ Bảy, Tổng phụ trách Trường Tiểu học Nguyễn Trãi chia sẻ: "Vì trường nằm trên tuyến Quốc lộ 29, gần chợ, ngã tư nên mô hình “Cổng trường an toàn giao thông” là rất cần thiết để hạn chế tình trạng mất TTATGT trước cổng trường vào đầu giờ học và tan trường. Để thực hiện mô hình, nhà trường phối hợp với Đoàn Thanh niên phường tích cực tuyên truyền, giám sát, nhắc nhở phụ huynh; trước cổng trường thì đặt bảng quy định nơi đậu đỗ xe, đặt biển báo an toàn giao thông giúp phụ huynh, học sinh hiểu và làm theo...".

Anh Mai Bá Vinh cũng cho hay, thời gian tới, Đoàn phường sẽ tham mưu cho UBND phường tiếp tục nhân rộng mô hình “Cổng trường an toàn giao thông” đến các trường học khác trên địa bàn phường. Đây là cách làm thiết thực không chỉ đảm bảo TTATGT tại trường học mà còn giúp nâng cao nhận thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ cho người dân. 

Thùy Duyên


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.