Vẫn “nóng” tình trạng trồng cây cần sa
Năm 2012, Công an tỉnh phát hiện 8 vụ, 8 đối tượng trồng cây cần sa, thu giữ 1.750 gam hạt cần sa, tiêu hủy 3.580 cây cần sa. Tình hình trồng cây cần sa vẫn còn diễn biến phức tạp, nhất là ở các khu vực xa xôi, hiểm trở.
Lực lượng CA tiến hành nhổ bỏ, tiêu hủy cây cần sa người dân trồng trái phép. |
Mới đây nhất, ngày 31-12-2012, Công an huyện Cư Kuin phối hợp với Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy Công an tỉnh đã phát hiện 568 cây cần sa, kích thước từ 0,6-1 mét, trồng trên diện tích 2.000m2 trong vườn điều và ca cao của ông Nông Văn Quảng, ở thôn 4, xã Cư Êwi (huyện Cư Kuin). Đặc biệt, ông Quảng còn có hẳn một vườn ươm, với nhiều cây con từ 3–10 cm. Một số cây con đã được trồng ra ngoài vườn. Tiến hành kiểm tra trong nhà, lực lượng chức năng phát hiện và thu giữ 0,7 kg lá, hoa cần sa phơi khô đóng bịch ni lông cất giấu trong sập lúa và 0,6 kg cây cần sa đã héo. Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Cư Kuin tiến hành lập biên bản khám nghiệm hiện trường, thu giữ vật chứng theo quy định. Số cây cần sa tươi được nhổ bỏ và đốt hết.
Trước đó, ngày 23-8-2012, Công an huyện Ea H’leo phát hiện 427 cây cần sa xen lẫn trong 4.000m2 cây cà phê mới trồng tại thôn 8, xã Ea Nam (huyện Ea H’leo). Tháng 4-2012, Công an huyện Ea Kar phát hiện một vụ trồng cây cần sa tại vườn nhà của Đinh Trung Khánh (SN 1986, trú thôn 7, xã Ea Đar) với 70 cây cần sa, mỗi cây cao khoảng 1 mét, tổng trọng lượng là 16 kg; ngoài số cây cần sa này, lực lượng chức năng còn thu giữ tại nhà Khánh 0,3 kg hạt cần sa.
Trên đây chỉ là 3 vụ điển hình với số lượng cây thu giữ nhiều, trồng trên diện tích lớn trong năm 2012. Từ năm 2007-2011, Dak Lak phát hiện 9 vụ trồng cây cần sa. Cụ thể, huyện Ea Kar: 3 vụ; TP. Buôn Ma Thuột: 3 vụ; huyện Cư M’gar: 2 vụ; huyện Ea H’leo: 1 vụ.
Bất chấp hình phạt từ pháp luật, tình trạng trồng cây cần sa vẫn tiếp tục diễn ra trên địa bàn tỉnh. Để thu lợi bất chính, nhiều đối tượng lén lút trồng cây cần sa trong rẫy cà phê, ca cao, vườn ngô... Các rẫy này lại ở những địa điểm vắng vẻ, vùng sâu, vùng xa nên rất khó phát hiện. Nhiều trường hợp cần sa được trồng ở giữa rừng, ở khu vực hiểm trở, hẻo lánh, rất khó phát hiện.
Trước thực trạng trên, nhằm ngăn chặn, chấm dứt tình trạng trồng cây cần sa, Công an tỉnh đã thực hiện nhiều biện pháp tổng hợp, tăng cường phối hợp với các ngành chức năng xử lý nghiêm các trường hợp trồng trái phép cây cần sa; kiên quyết xử lý những đối tượng trồng trái phép loại cây này đã bị xử lý hành chính nhưng vẫn tái phạm; tăng cường các biện pháp, kịp thời phát hiện các đối tượng tàng trữ, vận chuyển, mua bán, tổ chức sử dụng trái phép lá, hoa, quả, nhựa cần sa để tiến hành đấu tranh, xử lý…
Hà Thương
Ý kiến bạn đọc