Multimedia Đọc Báo in

“Khắc tinh” của tội phạm

20:57, 12/02/2013

Với các chiến sĩ cảnh sát truy nã tội phạm, mỗi một vụ án, hay mỗi chuyên án truy nã đối tượng đều là một “cuộc chiến” khác nhau. Trong “cuộc chiến” đó, đòi hỏi người trinh sát phải hết sức tỉnh táo, thông minh, linh hoạt và phải có niềm đam mê thôi thúc thì mới mong hoàn thành được nhiệm vụ được giao. Đại tá Văn Ngọc Thi, Trưởng phòng Cảnh sát truy nã tội phạm (PC52) Công an tỉnh đã nói về công việc “tầm phạm” của đơn vị mình như vậy.

Vào “hang hổ”…

Một trong những “cuộc chiến để đời” với những kỷ niệm vui buồn trong nghề tầm phạm mà Đại tá Văn Ngọc Thi nhớ mãi đến giờ chính là chuyên  án bắt tướng cướp Phạm Văn Thêu cách nay đã mười mấy năm…

Gần 20 năm về trước, tại khu vực đèo Cư Kty (huyện Krông Buk) và trên dọc tuyến Quốc lộ 14 (thuộc địa bàn Dak Lak) nổi lên nhiều nhóm cướp chuyên nghiệp, có vũ khí gây hoang mang cho người đi đường. Cầm đầu các băng cướp này là Phạm Văn Thêu với tài bắn súng và rất giỏi võ thuật. Ngoài ra, Thêu còn kiêm thêm “nghề” bảo kê và đòi nợ thuê ở nhiều địa bàn… Sau một thời gian đấu tranh, băng cướp của Thêu đã bị lực lượng cảnh sát hình sự Công an Dak Lak xóa sổ. Tuy nhiên tướng cướp Phạm Văn Thêu thì “mất tích” trước khi có lệnh truy nã đặc biệt của Công an Dak Lak. Qua điều tra, các trinh sát biết được Thêu có một người chị gái hành nghề bói toán ở Buôn Ma Thuột. Để biết được tung tích của Thêu, thì người chị gái này chính là đầu mối duy nhất… Tuy nhiên, làm thế nào để tiếp cận được người chị này? “Các trinh sát đã thực hiện nhiều phương án tiếp cận nhưng đều không thể qua mắt được cô thầy bói ma mãnh này. Suy nghĩ nát óc, tôi quyết định trực tiếp “vào hang hổ” – Đại tá Thi kể.

Trong vai một người buôn gỗ vừa bị kiểm lâm và công an bắt, anh tìm đến thầy bói xem quẻ. Với tướng mạo đẹp trai, phong độ và cách ăn nói lịch lãm của một “tay buôn” thứ thiệt, chỉ sau mấy mươi phút trò chuyện, anh đã dễ dàng chinh phục được người chị gái của Thêu.

Anh kể: Khi đã chinh phục được rồi thì cô ấy theo mình không rời nửa bước. Ngay cả khi đi ngủ cô ta cũng bắt… nằm chung. Khốn nỗi, trong người mình khi ấy đang mang theo súng, làm thế nào để qua mắt được ả đây? Trong chớp nhoáng, mình đưa ra quyết định ngay là đánh bài ngửa với cô ta. Vừa móc khẩu súng ngắn trong người ra, mình vừa vò đầu bứt tai phàn nàn với “người yêu”: “Anh mới tìm mua được khẩu súng để xử bọn đã bắt gỗ của anh, nhưng súng không có đạn”! Ngay lập tức cô nàng cho người đi mua đạn giúp mình. Được nước, mình tấn công luôn: “Lô hàng của anh trị giá đến 90 triệu đồng, nhưng giờ bị bắt rồi. Xử bọn kia thì dễ, mà lấy lại tiền mới là quan trọng. Anh đang muốn tìm người giúp anh để đòi lại món nợ này. Nếu có ai đó giúp, anh chỉ cần lấy 20 triệu đồng, số còn lại sẽ cho họ luôn. Sau đó anh cũng sẽ bỏ nghề về Bình Định sinh sống…”. Nghe đến đây, cô nàng quả quyết: “Anh yên tâm, vụ này để em tìm người lo. Vài hôm nữa sẽ có người giúp anh!”. Mình biết là “cá đã cắn câu”, bởi theo phán đoán thì ả đang nghĩ tới đứa em ruột - tên Thêu.

Đúng như dự đoán, mấy hôm sau, tên Thêu xuất hiện ở Buôn Ma Thuột nhưng không về nhà chị. Người chị cũng không nói rõ địa điểm Thêu ở mà chỉ thông báo rằng “Người anh cần nhờ đã có mặt ở Buôn Ma Thuột, hiện đang ở trọ trong một khu tập thể”… Phán đoán được địa điểm Thêu ẩn nấp, anh vội từ biệt “người yêu” đi công việc, rồi cùng với một trinh sát (trong vai người chạy xe ôm) đến khu tập thể trên đường Nguyễn Tất Thành tìm Thêu. Phát hiện có người lạ, Thêu nép vào tường cùng khẩu súng ngắn đã lên đạn sẵn sàng chống trả. Tuy nhiên, nhanh như cắt, “gã buôn gỗ” đã bất ngờ áp sát quật ngã đối phương và tước ngay khẩu súng trong tay Thêu khi hắn chưa kịp bóp cò. Lúc này, chị em Thêu mới biết, “gã buôn gỗ" chính là trinh sát hình sự Văn Ngọc Thi – khắc tinh của hàng trăm băng nhóm tội phạm khét tiếng ở Dak Lak!

Đại tá Văn Ngọc Thi (người đứng ở giữa) hội ý nhanh với các trinh sát trong một chuyên án
Đại tá Văn Ngọc Thi (người đứng ở giữa) hội ý nhanh với các trinh sát trong một chuyên án

Những kỷ niệm với nghề…

Câu chuyện trên của Đại tá Thi – người một thời là nỗi ám ảnh của bọn tội phạm - chỉ là một trong hàng ngàn mẩu chuyện vui buồn gắn với nghề truy nã tội phạm mà những người trong nghề đã từng nếm trải qua. Đại tá Văn Ngọc Thi phân tích: Thời trước, tội phạm manh động hơn rất nhiều và thường sử dụng vũ khí nóng nên mức độ nguy hiểm cao hơn. Còn thời nay, bọn tội phạm ít sử dụng vũ khí, nhưng bọn chúng có công nghệ hiện đại hỗ trợ nên rất dễ phát hiện bị công an theo dõi. Hơn nữa, thời nay nhiều đối tượng phạm tội lại là những con nghiện, những người mang mầm bệnh HIV… nên chúng cũng bất cần sống chết, chống trả rất quyết liệt khi bị bắt. Do đó, tùy vào đặc tính của mỗi đối tượng mà trinh sát áp dụng các biện pháp nghiệp vụ khác nhau để truy bắt.

Kể về những kỷ niệm trong nghề, Trung tá Trần Thị Kim Thanh ấn tượng mãi chuyến đi bắt đối tượng Lê Châu ở xã Quảng Tâm, huyện Tuy Đức (Dak Nông). Châu bị Công an huyện Krông Ana truy nã vào năm 2010 vì tội cố ý gây thương tích, sau đó bỏ trốn. Vào khoảng cuối năm 2010, nhận được nguồn tin của cơ sở cho biết có người nhận dạng giống Châu đang ở nhờ đất của ông Chủ tịch xã Quảng Tâm, chị cùng một trinh sát vội vã lên đường. Đến nơi, lân la dò hỏi thì mới biết đối tượng về đây làm nghề thợ xây, nhưng đã chuyển đến sống ở một địa điểm khác cũng ở trong xã nhưng là ở trên một đồi vắng, xe máy không đến được. Quyết tâm bắt bằng được đối tượng, chị đánh liều lội bộ lên đồi cao gặp trực tiếp đối tượng. Trong vai một người dân đang cần thợ xây nhà, chị khéo léo tiếp cận đối tượng, sau đó còn lịch sự mời được đối tượng xuống núi trước khi tra tay hắn vào còng số 8.

Bắt đối tượng truy nã thì dễ, nhưng để có được thông tin về đối tượng đó thì mới là bài toán nan giải đối với các trinh sát truy nã tội phạm. Đó chính là kinh nghiệm mà Thiếu tá Nguyễn Đức Thái đúc rút ra sau mười mấy năm gắn bó với nghề. Với anh, nguồn tin về đối tượng sẽ quyết định đến thành bại của chuyên án. Câu chuyện về quá trình bắt vợ chồng Lê Bá Đoàn và Hoàng Thị Hóa là một ví dụ. Cặp vợ chồng này phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản ở xã Hòa Khánh, TP. Buôn Ma Thuột và bỏ trốn từ năm 2001 mà không để lại bất kỳ dấu vết gì. Sau một thời gian khá lâu điều tra xác minh, các trinh sát phát hiện họ có một người con đang sống ở xã Hòa Lễ (Krông Bông). Bí mật điều tra người con này, các trinh sát lại phát hiện thêm vợ chồng Đoàn – Hóa có thêm một người con hiện đang sống ở TP. Hồ Chí Minh. Anh kể: Nhận được thông tin quý hơn vàng này, tôi tức tốc bắt xe về TP. Hồ Chí Minh ngay. Suốt hơn 10 ngày tôi ròng rã đóng giả xe ôm túc trực 24/24 theo dõi mọi di biến động của người con này. Cho đến một hôm, chúng tôi phát hiện người này không đi học như mọi ngày mà chuyển hướng đi về Bình Dương, tôi phán đoán ngay là người này đi thăm cha mẹ nên kiên trì bám theo. Đúng như dự đoán, vợ chồng Đoàn – Hóa đã bị bắt ngay sau đó trong một khu nhà trọ ở Bình Dương sau 10 năm lẩn trốn.

Cũng đóng giả vai xe ôm ở TP. Hồ Chí Minh, nhưng trường hợp của Đại úy Nguyễn Xuân Dương xem ra vất vả hơn nhiều trong chuyên án bắt đối tượng Ngô Thị Nam Phương phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Sau khi phạm tội, tháng 5-2011 Phương giả bệnh đi TP. Hồ Chí Minh điều trị rồi trốn luôn. Sau đó, ít lâu, người mẹ và con ruột của Phương cũng đột ngột chuyển về TP.Hồ Chí Minh thuê nhà sinh sống. Biết chắc là đối tượng đang ẩn náu đâu đó tại TP. Hồ Chí Minh nhưng không tài nào lần ra manh mối, Đại úy Nguyễn Xuân Dương quyết định đeo bám người mẹ và con của đối tượng đến cùng. Trong vai người lái xe ôm đợi khách, anh cùng đồng đội thay nhau theo dõi suốt gần 1 năm trời. Cho đến một chiều cuối tháng 3-2012, sau buổi tan trường, người mẹ của Phương không đón cháu về nhà như thường lệ mà đưa đến một siêu thị. Linh tính mách bảo, Đại úy Dương triển khai ngay lực lượng bám sát đầu mối quan trọng này. Vòng vo mãi trong siêu thị, đến khoảng 21 giờ 30 phút hôm đó Phương mới chịu xuất hiện gặp mẹ và con. Sau phút gặp nhau ngắn ngủi ấy, Phương đành phải theo các trinh sát về trại tạm giam chịu sự trừng phạt của pháp luật.       

Chiến công và trách nhiệm

PC52 Dak Lak được thành lập từ tháng 6-2010 trên cơ sở tách ra từ một bộ phận của Phòng Cảnh sát hình sự. Mặc dù mới thành lập nhưng những thành tích mà PC52 đã lập được thật xứng đáng để mọi người xưng tụng là “khắc tinh của tội phạm”.

Thành lập đến nay vừa tròn 2 năm rưỡi, PC52 Dak Lak đã bắt, vận động đầu thú tổng cộng 266 đối tượng truy nã, trong đó có đến 94 đối tượng truy nã có tính chất nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm, tính trung bình khoảng 4 ngày, bắt hoặc vận động đầu thú được 1 đối tượng. Nghe thì có vẻ bình thường, nhưng có ở trong nghề mới biết, mới thấu hiểu được hết những gian truân vất vả của anh em mới có được kết quả như vậy. Đại tá Văn Ngọc Thi tâm sự: “Đặc thù nghề của chúng tôi là làm những việc mà các phòng chức năng khác không làm được. Nói đúng hơn là chúng tôi giúp bắt đối tượng bỏ trốn để phục vụ công tác điều tra của các phòng chuyên môn. Trời đất bao la, kẻ trốn người tìm thì chẳng khác gì mò kim đáy bể... Đã vậy, chúng tôi còn gặp khó khăn hơn trong công việc bởi địa hình Tây Nguyên rất rộng lớn, đồi núi, sông suối hiểm trở; thành phần dân cư đa dạng, phức tạp đã khiến cho các trinh sát vô cùng nan giải trong việc truy lùng tội phạm”.

Một cái “khó” nữa mà theo anh là rất… khó nói. Ví dụ như đồ đồng phục thì cứ được cấp đều hằng năm. Cấp rồi để đó chứ có mấy khi mặc. Anh em đi làm thì phải cải trang liên tục, chứ nếu mặc đồ của ngành thì hỏng bét hết! Mà đồ cải trang thì có ai cấp cho đâu? Rồi có những lúc nhập vai “ông này, bà nọ” đi theo đối tượng…, cũng phải “tẹt ga” với nó chứ! Đó là chưa kể những chi phí không thể có hóa đơn trong lúc đi làm nhiệm vụ… “Đã mang trên người sắc phục người công an nhân dân thì phải luôn thuộc nằm lòng lời thề danh dự “Vì nước quên thân, vì dân phục vụ”. Nhưng nhiều khi nghĩ cũng thương cho anh em, suốt ngày rong ruổi đến mọi hang cùng ngõ cụt vì nhiệm vụ. Có hôm, mọi người về đến nhà, chưa kịp ăn bữa cơm đoàn tụ với gia đình, nghe nguồn tin báo phát hiện đối tượng, lập tức lại khăn gói lên đường. Cũng may là “hậu phương” của chúng tôi tin tưởng, thông cảm và chia sẻ với nghề này nên anh em cũng phần nào yên tâm công tác. Và đổi lại, chúng tôi có được niềm vui vì đã đóng góp sức mình vào việc bảo đảm trật tự an toàn xã hội, giữ gìn cuộc sống bình yên hạnh phúc của nhân dân!” – Đại tá Văn Ngọc Thi trải lòng.

Việt Cường

 

 

 

 


Ý kiến bạn đọc