Lời cảnh báo từ sự việc hai trẻ em bị giết hại dã man ở xã Ea Hiao (Ea Hleo)
Trong những năm gần đây, tại Dak Lak nói riêng và cả nước nói chung liên tiếp xảy ra các vụ xâm hại, giết hại trẻ em. Mới đây nhất là vụ hai trẻ em bị sát hại dã man tại xã Ea Hiao (huyện Ea H’leo) đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về công tác chăm sóc, bảo vệ, giáo dục trẻ em của cả cộng đồng.
Một ngày sau khi xảy ra cái chết oan nghiệt của hai trẻ em vô tội, chúng tôi cùng đoàn công tác của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội vào thăm gia đình em Hà Phú Quý (sinh năm 2000) và Hà Cao Nguyên (sinh năm 2003) – những nạn nhân bị giết hại dã man tại thôn 7C (xã Ea Hiao). Từ trung tâm thôn, đi bộ, lội suối gần 3 km đường đất trơn trượt, lầy lội mới đến được căn nhà sâu trong rẫy – nơi sinh sống của gia đình các em. Mặc dù các em đã được chôn cất nhưng không khí đau thương, u uất vẫn bao trùm cả một vùng. Người dân sống ở khu vực này phần lớn đều làm nông, đang bận rộn với mùa vụ hoặc làm thuê kiếm tiền trang trải cuộc sống, nhưng khi nghe tin về việc hai cháu bé bị giết hại dã man đã tạm gác mọi công việc đến động viên, an ủi gia đình và cùng chung tay lo hậu sự cho các cháu. Căn nhà rẫy của gia đình cháu Phú và cháu Nguyên chỉ rộng khoảng 10 m2, trên tường và chiếc bàn học bằng gỗ vẫn còn vương lại rất nhiều vết máu. Gặp chúng tôi, chị Triệu Thị Bài – mẹ hai cháu nấc nghẹn kể lại: “6 giờ sáng ngày 21-10, tôi chở thằng út đi học lớp 1, tiện thể bán luôn ít cua, ốc mấy mẹ con mò được tối hôm qua. Trước khi đi tôi gọi cháu Nguyên dậy học bài. Đến khoảng 7 giờ 30 phút, cháu Hà Văn Cường (sinh năm 1998) vào nhà thay đồ chuẩn bị đi làm thuê thì phát hiện 2 hai em ruột của mình nằm chết giữa nhà với nhiều vết chém trên đầu. Sau khi xảy ra sự việc, gia đình đã báo với lực lượng chức năng đến khám nghiệm hiện trường và phát hiện tang vật là một chiếc cuốc chim do thủ phạm bỏ lại cách nhà khoảng 30m. Hai con tôi còn nhỏ, có gây thù chuốc oán với ai đâu mà lại bị giết hại dã man như vậy. Trong nhà không mất gì mà cũng có tài sản gì đáng giá đâu”. Anh Trương Văn Mình, Trưởng thôn 7C cho biết: gia đình chị Triệu Thị Bài là người dân tộc Nùng từ Cao Bằng vào đây sinh sống, lập nghiệp từ năm 1996. Nhờ chăm chỉ lao động nên sau một thời gian cũng dành dụm làm được căn nhà và mua 8 sào đất trồng hoa màu. Nhưng không may vào năm 2007, anh Hà Văn Thiết – chồng chị Bài bị tai nạn giao thông, sau đó bị tai biến, sức khỏe yếu, lúc nhớ, lúc quên, hầu như không làm được gì. Để chạy chữa cho chồng, chị Bài đã bán hết nhà cửa và 4 sào rẫy nhưng bệnh tình của anh vẫn không thuyên giảm. Từ đó, gia đình chị phải dựng tạm ngôi nhà trong rẫy để ở, mọi việc nương rẫy và chăm lo cho 4 con đều do một tay chị gánh vác. Do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên cháu Cường phải đi ở, làm thuê cho nhà người quen, cháu Quý thì bị tàn tật từ nhỏ; ngoài giờ học, cháu Nguyên và cháu Văn (con trai út) phụ mẹ mò cua bắt ốc kiếm thêm tiền mua gạo. Hơn 17 năm sinh sống ở đây, gia đình chị cũng không xích mích, thù hằn với ai.
Căn nhà nơi hai trẻ em bị giết hại dã man. |
Chị Từ Thị Khanh, Trưởng phòng Bảo vệ chăm sóc trẻ em (Sở Lao động – Thương binh và Xã hội) cho biết, sau khi xảy ra sự việc đau lòng trên, các cấp, ngành chức năng đã kịp thời đến động viên, chia sẻ và hỗ trợ tiền gia đình các em, nhưng nỗi đau mà gia đình các em phải gánh chịu là quá lớn. Từ sự việc trên cho thấy công tác chăm sóc, bảo vệ, giáo dục trẻ em hiện nay đang tồn tại rất nhiều vấn đề đáng lưu tâm. Sự tác động của cơ chế thị trường, tác động xấu của các phương tiện truyền thông, tình trạng bạo lực gia tăng… là nguyên nhân dẫn đến tình hình trẻ em bị xâm hại ngày càng diễn biến phức tạp. Bên cạnh tình trạng trẻ em hư hỏng, sa đà vào các tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật ngày càng nhiều thì số vụ tai nạn thương tích, xâm hại, giết hại trẻ em cũng gia tăng với mức độ phức tạp, nguy hiểm hơn. Theo số liệu của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội: chỉ tính riêng 9 tháng đầu năm 2013, toàn tỉnh xảy ra 38 vụ xâm hại trẻ em với 41 trẻ bị hại; 592 vụ tai nạn thương tích, trong đó có 40 em tử vong. Và đau lòng hơn, vụ hai trẻ em ở thị xã Buôn Hồ bị giết và thiêu cháy năm 2010 vừa lắng xuống thì nay lại xảy ra vụ giết hại dã man 2 trẻ em ở xã Ea Hiao gây bức xúc, bàng hoàng trong dư luận. Hơn lúc nào hết, các bậc cha mẹ ngày càng lo lắng trước sự an toàn của con cái. Cũng theo chị Khanh, mặc dù thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã dành rất nhiều sự quan tâm, chăm sóc trẻ em – những mầm non tương lai của đất nước, nhưng trên thực tế ở nhiều địa phương, công tác chăm sóc giáo dục, bảo vệ trẻ em hiện đang gặp rất nhiều khó khăn. Ngoài vấn đề kinh phí hạn hẹp, không có mạng lưới cộng tác viên thôn, buôn thì ở nhiều nơi, cấp ủy, chính quyền địa phương hầu như bỏ ngỏ hoặc phó mặc công tác này cho ngành Lao động – Thương binh – Xã hội. Thêm vào đó, nhiều gia đình chỉ chú trọng phát triển kinh tế mà ít quan tâm, chăm sóc, dạy bảo con em mình, thậm chí “khoán trắng” cho nhà trường. Và đối tượng chịu thiệt thòi nhiều nhất chính là các em.
Thiết nghĩ, để trẻ em được phát triển toàn diện, hạn chế thấp nhất tình trạng xâm hại, giết hại trẻ em, bên cạnh việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng, các cấp, ngành, địa phương cần giành nhiều sự quan tâm, đầu tư, chăm lo về cơ sở vật chất, đời sống tinh thần cho các em. Nhưng quan trọng hơn cả, mỗi gia đình hãy giành sự quan tâm, yêu thương nhiều nhất cho con em mình.
Nguyễn Xuân
Ý kiến bạn đọc