Multimedia Đọc Báo in

Nhóm lên những "đốm lửa thiện"...

08:53, 24/10/2018

Trong phòng truyền thống của Trại tạm giam (Công an tỉnh) có một chiếc tủ kính đặc biệt trưng bày nhiều kỷ vật của các tử tù tự làm và tặng cho Trại trước khi thi hành án.

Đó là những chú chim công gấp giấy rất đẹp trong tư thế giang cánh, vươn mình; những con tôm, con cá, quả bầu hồ lô hoặc là tượng Phật Di Lặc cười tươi vô ưu, độ lượng, là con rồng oai nghiêm được làm từ bánh xà phòng thơm.  Trong đó, còn có lá thư của từ tù Nguyễn Quốc Cảnh gửi lại cho cán bộ, chiến sĩ của Trại. Tuy viết vội nhưng vẫn nói lên được những cảm xúc thật lòng cuối cùng của người tử tù: “Kính gửi Ban giám thị cùng tất cả cán bộ Trại tạm giam! Hôm nay, tôi không ở lại với các cán bộ được nữa. Cảm ơn tất cả những tình cảm Ban giám thị và cán bộ đã dành tặng cho Cảnh. Những lúc làm cho mọi người buồn đừng trách Cảnh nhé! Bao sẻ chia để vượt qua, tôi nhận ra được nhiều điều tốt đẹp trong cuộc sống hơn! Thôi vĩnh biệt mọi người nhé! Tử tù Nguyễn Quốc Cảnh”.

Ban giám thị Trại tạm giam (Công an tỉnh) căn dặn một tù nhân được tha tù trước thời hạn tiếp tục phấn đấu vươn lên hoàn lương.
Ban giám thị Trại tạm giam (Công an tỉnh) căn dặn một tù nhân được tha tù trước thời hạn tiếp tục phấn đấu vươn lên hoàn lương.

Vẫn nhớ cách đây hơn 10 năm, trong Trại tạm giam đã giam giữ tử tù Trần Xuân Thọ (SN 1960, ở thị trấn Quảng Phú, huyện Cư M’gar) - kẻ đã gây ra một loạt bốn vụ giết, cướp kinh hoàng từ tỉnh Đắk Lắk sang tỉnh Phú Yên theo kiểu giả làm khách đi đường, thuê xe thồ chở vào đường vắng, dùng búa đinh bất ngờ tấn công vào đầu nạn nhân từ phía sau rồi cướp xe máy cùng các tài sản khác; trong đó, chỉ có một nạn nhân may mắn thoát chết vì chiếc búa bị long cán, còn ba nạn nhân khác đều bị tước đoạt mạng sống. Thoạt nhìn, không ai nghĩ Thọ là một kẻ giết người không ghê tay bởi cái vẻ quê mùa và có phần ngô nghê khi nói chuyện với chúng tôi. Các cán bộ của Trại tạm giam thường thấy tử tù này hay loay hoay với một chiếc hộp giấy và cọng cỏ. Hóa y đang… nuôi dế. Thế đấy, lúc ở ngoài xã hội, y coi mạng người không là gì cả, còn khi vào trại lại biết quý đến cả con côn trùng. Những cán bộ quản giáo cho hay: Thọ gây nhiều vụ án tàn bạo quá nên đến người thân cũng xa lánh. Thọ bảo ở trong phòng giam rất buồn. Thành ra, ngoài việc trò chuyện để động viên, các cán bộ quản giáo còn làm hộp giấy, bắt dế mèn, ngắt ít cỏ non về cho y nuôi và nghe dế gáy để giải khuây. Âu cũng là một liệu pháp an thần cho kẻ giết người máu lạnh này được phần nào trở về những bản chất nguyên sơ với những trò chơi trẻ thơ.

Bên cạnh trách nhiệm được giao, các cán bộ Trại tạm giam còn có một trách nhiệm từ trái tim trong việc quản lý, giáo dục, cảm hóa tử tù đến tận những giây phút cuối cùng của cuộc đời họ.

Tình cảm, ân tình của cán bộ quản giáo đã theo nhiều tử tù cho đến những giây phút cuối cùng của cuộc đời. Tháng 5-2010, tử tù Hà Giang (SN 1986, quê ở tỉnh Phú Thọ), đối tượng phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản với thủ đoạn giả vờ xin làm rẫy thuê rồi sát hại dã man người chủ rẫy ở xã Cư Suê (huyện Cư M’gar) cướp xe máy và tiền bỏ trốn làm thủ tục thi hành án tại Trại tạm giam.  Trong thời gian làm các thủ tục cần thiết, Hà Giang bày tỏ muốn được gặp cán bộ quản giáo Dương Đình Then (mà Giang thường gọi là “thầy Then”) để chào vĩnh biệt. Hôm đó không phải ca trực nên cán bộ Dương Đình Then không có mặt, tâm trạng Giang đầy vẻ áy náy, thỉnh thoảng y lại đưa mắt nhìn quanh tìm “thầy Then” trong rất đông những người xung quanh. Không thấy “thầy Then”, Giang xin giấy và bút để viết thư. Nội dung thư ngắn, nhưng  rất tình cảm: “Thầy Then kính nhớ! Vậy là em phải xa thầy rồi, trước lúc ra đi, em gửi lời chào và kính chúc sức khỏe thầy cùng gia đình. Trước đây, ở với thầy có gì lỗi lầm với thầy thì em mong thầy bỏ qua cho em. Thôi chào thầy nhé!  Hà Giang,  Cẩm Khê - Phú Thọ”.  Khi được hỏi tại sao không viết thư về cho gia đình mà lại viết cho cán bộ Then, Giang trả lời: “Em không viết thư cho gia đình vì không muốn gợi lên nỗi đau cho người thân. Thứ hai, vì gia đình em ở xa xôi quá, trong thời gian em ở đây, chỉ có các cán bộ, nhất là thầy Then thường xuyên chăm sóc, động viên nên em chỉ muốn viết thư cho thầy!”.  Lúc đó, chỉ mới vào hơn 4 giờ sáng nhưng khi nghe đơn vị báo tin, quản giáo Dương Đình Then vội vàng đến Trại tạm giam để gặp Hà Giang lần cuối. Hà Giang tiến tới nắm chặt tay “thầy Then” chào vĩnh biệt.  Rất nhiều người có mặt trong Hội đồng thi hành án hôm đó đã lặng đi vì cuộc chia biệt của hai “thầy, trò”  hy hữu ấy.

Ban giám thị Trại tạm giam (Công an tỉnh) trao quyết định giảm án, tha tù trước thời hạn cho các phạm nhân cải tạo tiến bộ dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018.
Ban giám thị Trại tạm giam (Công an tỉnh) trao quyết định giảm án, tha tù trước thời hạn cho các phạm nhân cải tạo tiến bộ dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018.

Với tử tù, phép màu trong đời thực vẫn có. Đó là chuyện của tử tù Bùi Văn H. (55 tuổi, trú xã Hòa Khánh, TP. Buôn Ma Thuột). Từ năm 2012 - 2013, Bùi Văn H. đã nhiều lần hiếp dâm hai đứa con gái ruột còn nhỏ của mình.

Qua hai phiên sơ thẩm và phúc thẩm, Hội đồng xét xử đều tuyên phạt Bùi Văn H. án tử hình. Hay Hứa Văn Tr. (SN 1987, ở xã Ea H’leo, huyện Ea H’leo) phạm các tội “giết người” và “hiếp dâm trẻ em” vào đầu năm 2008. Lần lượt vào tháng 5 và tháng 9-2009, các phiên xử sơ thẩm và phúc thẩm của TAND tỉnh Đắk Lắk và TAND tối cao tại Đà Nẵng đều tuyên phạt Tr. án tử hình. Dù cũng là người có tội nhưng ngay cả các phạm nhân cũng rất khinh ghét những kẻ hiếp dâm mà kẻ hiếp dâm con ruột thì càng bị ghẻ lạnh, ghê tởm hơn cả cầm thú.

Thế nên, thời gian chờ thi hành án đối với tử tù Bùi Văn H. và Hứa Văn Tr. thực sự là những chuỗi ngày khốn quẫn. Cả hai đều mong muốn được các cơ quan chức năng xem xét giảm bớt hình phạt. Trong cơn tuyệt vọng đó của các tử tù, một mặt các cán bộ Trại tạm giam giám sát chặt chẽ, tuyệt đối không để họ có bất cứ một điều kiện nào có thể thực hiện hành vi manh động, một mặt gần gũi, chia sẻ, động viên, nhen lên ngọn lửa hy vọng, giúp họ làm đơn, thư và các thủ tục cần thiết gửi đến các cơ quan chức năng xin xem xét lại những tình tiết có lợi cho họ, dù nhỏ nhất. Thế rồi, cuối năm 2016, Chủ tịch nước đã có quyết định giảm án tử hình xuống chung thân cho Bùi Văn H.

Ngày được trao quyết định “ cải tử hoàn sinh" đó, H. khóc rưng rức, nói trong tiếng nấc nghẹn: “Các cán bộ ở đây như những người đã sinh ra em lần thứ hai! Em sẽ phấn đấu cải tạo tốt để chuộc lỗi với vợ con và xã hội!”. Còn Hứa Văn Tr., sau đằng đẵng 6 năm bị giam, khi bản án chuẩn bị thi hành, pháp trường đã sẵn sàng thì có công văn của cấp trên chuyển về đề nghị hủy án điều tra lại. Tháng 7-2016 và tháng 9-2017, lần lượt qua hai phiên xử sơ thẩm và phúc thẩm, TAND tỉnh và TAND tối cao tại Đà Nẵng đều tuyên Hứa Văn Tr. án chung thân. Giờ đây, Tr. đang cải tạo ở Trại giam Xuân Phước của Bộ Công an. Hành trình hoàn lương của thanh niên này còn rất dài và gian nan nhưng có lẽ, mỗi ngày, khi thấy mình vẫn được hít thở khí trời, Tr. sẽ không thể quên đoạn đời ở Trại tạm giam (Công an tỉnh) - nơi ấy, Tr. đã có một cuộc hồi sinh.

Đối với hầu hết các tử tù, khi đã nhận bản án tử hình là coi như cuộc đời đã kết thúc. Người đời cũng coi họ chẳng khác nào ác thú, không thể thuần phục, cải tạo được nữa bởi những tội ác, nỗi đau tột cùng mà họ đã gây ra cho các nạn nhân và sự kinh hoàng cho cả cộng đồng xã hội. Vì thế, tâm trạng, tâm lý của những tử tù rất phức tạp và bất ổn.  Bất cần, đập phá, toan tính trốn trại, tuyệt vọng, hoảng loạn, kêu khóc, tuyệt thực, tự sát và nhiều chiêu trò khác. Những hành vi đó khiến cho các cán bộ Trại tạm giam rất vất vả khi trông coi tử tù. Thế nhưng, không vì thế mà tử tù bị các cán bộ quản giáo phân biệt đối xử mà trái lại, chính các cán bộ Trại tạm giam lại là một điểm tựa tinh thần quan trọng của tử tù.

Trọng Tính


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.