Multimedia Đọc Báo in

Tìm hiểu một số quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ

21:54, 15/05/2010

1. Hỏi: Có phải Chính phủ vừa ban hành Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ mới thay thế cho Nghị định cũ? Nghị định mới ban hành có những điểm khác biệt gì?
Trả lời:
Đúng là vào ngày 2-4-2010, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 34/2010/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ (thay thế cho Nghị định số 146/2007/NĐ-CP ngày 14/9/2007 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và Nghị định số 67/2008/NĐ-CP ngày 29-5-2008 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 42 Nghị định số 146/2007/NĐ-CP). Nghị định này sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 20-5-2010.
So với Nghị định 146, Nghị định 34/2010/NĐ-CP bổ sung nhiều điểm mới phù hợp hơn với thực tế giao thông hiện nay; đồng thời, quy định chế tài mạnh hơn đối với các hành vi vi phạm, tăng thêm quyền xử phạt cho các cơ quan chức năng, áp dụng thí điểm chế tài mạnh hơn đối với một số vi phạm trong khu vực nội thành của các đô thị loại đặc biệt nhằm tăng cường tính nghiêm minh của pháp luật, tăng cường việc đảm bảo an toàn giao thông đường bộ…
2. Xin Luật gia cho biết, những địa phương nào được quyền áp dụng thí điểm mức chế tài tại khu vực nội thành cao hơn mức chung của cả nước và thời hạn áp dụng thí điểm bao lâu?
Trả lời:
Để giải quyết vấn đề ùn tắc và tai nạn giao thông đang diễn biến phức tạp, nhất là tại các đô thị, Nghị định 34/2010/NĐ-CP có thêm Mục 7, Chương II với nội dung quy định “Áp dụng thí điểm đối với một số vi phạm trong khu vực nội thành của các đô thị loại đặc biệt”; theo đó, cho phép các đô thị loại đặc biệt là thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh được tăng mức xử phạt với một số hành vi vi phạm tại khu vực nội thành cao hơn mức chung của cả nước từ 40 % - 200%...).
Việc áp dụng các mức xử phạt cao hơn tại khu vực nội thành của các đô thị loại đặc biệt sẽ được thực hiện thí điểm trong thời gian 36 tháng. Sau khi kết thúc thí điểm, các đơn vị sẽ tổng hợp, đánh giá và đề xuất Chính phủ chủ trương thực hiện tiếp theo.
3. Theo quy định của Nghị định cũ, hành vi không thắt dây an toàn khi xe đang chạy của người điều khiển, người ngồi hàng ghế phía trước trong xe ô tô có trang bị dây an toàn chỉ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 40.000 đồng đến 60.000 đồng. Luật gia có thể cho biết, mức phạt đối với hành vi trên theo quy định của Nghị định mới có thay đổi không?
Trả lời:
Nhằm hạn chế tới mức thấp nhất các hành vi gây mất an toàn giao thông, Nghị định 34/2010/NĐ-CP đã bỏ hình thức phạt cảnh cáo, đồng thời tăng mức phạt tiền đối với hành vi không thắt dây an toàn khi xe đang chạy của người điều khiển, người ngồi hàng ghế phía trước trong xe ô tô có trang bị dây an toàn; theo đó, người điều khiển, người ngồi hàng ghế phía trước trong xe ô tô có trang bị dây an toàn mà không thắt dây an toàn khi xe đang chạy sẽ bị phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng.
4. Xin Luật gia cho biết, người điều khiển xe ô tô có một trong các hành vi bấm còi hoặc gây ồn ào, tiếng động lớn làm ảnh hưởng đến sự yên tĩnh trong đô thị và khu đông dân cư trong thời gian từ 22 giờ ngày hôm trước đến 5 giờ ngày hôm sau; bấm còi, rú ga liên tục hoặc bấm còi hơi, sử dụng đèn chiếu xa trong khu đô thị bị xử phạt như thế nào? Mức phạt này có gì khác so với Nghị định cũ?
Trả lời:
Theo quy định tại điểm l khoản 1, điểm m khoản 2 Điều 8 Nghị định 34/2010/NĐ-CP, người điều khiển xe ô tô (không phải xe ưu tiên đang đi làm nhiệm vụ) mà có một trong các hành vi vi phạm nêu trên sẽ bị xử phạt như sau:
- Người điều khiển xe ô tô có một trong các hành vi bấm còi hoặc gây ồn ào, tiếng động lớn làm ảnh hưởng đến sự yên tĩnh trong đô thị và khu đông dân cư trong thời gian từ 22 giờ ngày hôm trước đến 5 giờ ngày hôm sau, sẽ bị phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 (mức phạt này không thay đổi so với Nghị định cũ).
- Đối với người điều khiển xe ô tô có một trong các hành vi bấm còi, rú ga liên tục hoặc bấm còi hơi, sử dụng đèn chiếu xa trong khu đô thị, sẽ bị phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng (mức phạt này tăng so với mức phạt cũ từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng).

(Còn nữa)

LG. Quốc Huy

 


Ý kiến bạn đọc