Multimedia Đọc Báo in

Tìm hiểu một số quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ

18:18, 22/05/2010

5. Luật gia cho biết mức xử  phạt đối với hành vi sử dụng rượu, bia của người điều khiển xe ô tô tham gia giao thông được Nghị định mới quy định như thế nào?
Trả lời:
Với mục tiêu tăng cường bảo đảm an toàn giao thông, tại điểm b khoản 3, điểm b khoản 5, điểm b khoản 6 Điều 8 Nghị định 34/2010/NĐ-CP quy định người điều khiển xe ô tô trên đường có hành vi sử dụng rượu, bia, bị xử phạt như sau:
- Phạt tiền từ 600.000 đồng đến 800.000 đồng, tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe 60 ngày nếu gây tai nạn giao thông nhưng chưa tới mức nghiêm trọng đối với người điều khiển xe ô tô trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn nhưng chưa vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc chưa vượt quá 0,25 miligam/1 lít khí thở. 
- Trường hợp điều khiển xe ô tô trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam đến 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,25 miligam đến 0,4 miligam/1 lít khí thở thì sẽ bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng và tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe 30 ngày. Trường hợp gây tai nạn giao thông nhưng chưa tới mức nghiêm trọng sẽ bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe 60 ngày.
- Đối với người điều khiển xe ô tô trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá 80 miligam/100 mililít máu hoặc vượt quá 0,4 miligam/1 lít khí thở sẽ bị phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng và tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe 60 ngày.
Ngoài ra, người điều khiển xe ô tô tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn (không phân biệt mức độ bao nhiêu) sẽ bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe không thời hạn, nếu gây tai nạn giao thông từ mức nghiêm trọng trở lên.
6. Đề nghị Luật gia cho biết người điều khiển xe ô tô chạy quá tốc độ quy định bị xử phạt như thế nào? Mức phạt này có thay đổi gì so với Nghị định cũ?
Trả lời:
Theo quy định tại điểm c khoản 2, điểm c khoản 4, điểm a khoản 5 và điểm a khoản 6 Điều 8 Nghị định 34/2010/NĐ-CP, người điều khiển xe ô tô có hành vi chạy quá tốc độ quy định sẽ bị áp dụng mức phạt tiền cao hơn so với Nghị định cũ, cụ thể:
- Phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng nếu điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định từ 5 km/h đến dưới 10 km/h (mức phạt cũ từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng).
- Trường hợp điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định từ 10 km/h đến 20 km/h, thì sẽ bị phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.200.000 đồng (mức phạt cũ từ 600.000 đồng đến 1.000.000 đồng).
- Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng và tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe 30 ngày đối với trường hợp điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định trên 20 km/h đến 35 km/h (mức phạt cũ từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng và tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe 30 ngày).
- Người điều khiển xe chạy quá tốc độ quy định trên 35 km/h sẽ bị phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng và tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe 60 ngày (mức phạt cũ từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng và tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe 60 ngày).
7. Vậy, Luật gia cho biết mức phạt đối với người điều khiển xe ô tô không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông có gì khác so với Nghị định cũ?
Trả lời:
So với Nghị định cũ thì mức phạt đối với người điều khiển xe ô tô không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông theo Nghị định mới được điều chỉnh theo hướng tăng mức phạt tiền, giảm thời hạn chấp hành hình thức phạt bổ sung. Cụ thể:
Theo quy định tại điểm g, khoản 3 Điều 8 Nghị định 34/2010/NĐ-CP, người điều khiển xe ô tô không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông sẽ bị phạt tiền từ 600.000 đồng đến 800.000 đồng (mức phạt cũ từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng).
Ngoài việc bị phạt tiền, người vi phạm còn bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe 60 ngày nếu gây tai nạn giao thông nhưng chưa tới mức nghiêm trọng (mức phạt cũ là 90 ngày). Trường hợp gây tai nạn giao thông từ mức nghiêm trọng trở lên sẽ bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe không thời hạn.

(còn nữa)

LG. Quốc Huy

 


Ý kiến bạn đọc