Multimedia Đọc Báo in

Một số quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ

15:45, 04/06/2010

 


13. Hỏi: Luật gia có thể cho biết người điều khiển xe công nông thuộc diện bị đình chỉ tham gia giao thông bị xử phạt như thế nào?
Trả lời:
Theo quy định tại điểm c khoản 5 Điều 19 Nghị định 34/2010/NĐ-CP, người có hành vi điều khiển xe công nông thuộc diện bị đình chỉ tham gia giao thông, sẽ bị phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng; tịch thu phương tiện và tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe 60 ngày.
14. Hỏi: Nghị định cũ không quy định việc xử phạt đối với các hành vi: chở hàng hoặc chất thải để nước chảy xuống mặt đường gây mất an toàn giao thông và vệ sinh môi trường; làm rơi, vãi chất thải trong quá trình thu gom, vận chuyển. Luật gia cho biết Nghị định mới có xử phạt đối với hành vi này không?
Trả lời:
Nhằm hạn chế tới mức thấp nhất các hành vi gây mất an toàn giao thông, gây ô nhiễm môi trường, tại điểm b khoản 3, khoản 4 Điều 23 Nghị định 34/2010/NĐ-CP đã bổ sung các hành vi trên; theo đó, người điều khiển xe ô tô tham gia giao thông có hành vi chở hàng hoặc chất thải để nước chảy xuống mặt đường gây mất an toàn giao thông và vệ sinh môi trường sẽ bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng; phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi làm rơi, vãi chất thải trong quá trình thu gom, vận chuyển; đồng thời, người có một trong các hành vi vi phạm trên còn bị buộc phải khắc phục vi phạm, thu dọn vật liệu, rác, chất phế thải và khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra; nếu gây ô nhiễm môi trường phải thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường.
15. Hỏi: Luật gia cho biết mức phạt đối với người điều khiển xe ô tô có hành vi thải mùi hôi thối vào không khí; để dầu nhờn, hóa chất rơi vãi xuống đường bộ có gì khác so với Nghị định cũ?
Trả lời:
Theo quy định tại khoản 2, điểm a khoản 3 Điều 23 Nghị định 34/2010/NĐ-CP, người điều khiển xe ô tô có một trong các hành vi vi phạm trên sẽ bị áp dụng mức phạt cao hơn so với Nghị định cũ:
- Người điều khiển xe ô tô có hành vi thải mùi hôi thối vào không khí, sẽ bị phạt tiền từ 200.000 đồng đến 300.000 đồng; buộc phải khắc phục vi phạm, thu dọn chất phế thải và khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra; nếu gây ô nhiễm môi trường phải thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường (Nghị định cũ chỉ quy định phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng, không áp dụng hình thức xử phạt bổ sung và các biện pháp khắc phục hậu quả).
- Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi để dầu nhờn rơi vãi xuống đường bộ; buộc phải khắc phục vi phạm, thu dọn chất phế thải và khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra; nếu gây ô nhiễm môi trường phải thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường (mức phạt cũ từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng; buộc phải khắc phục hậu quả do hành vi vi phạm hành chính gây ra).
16. Hỏi: Vậy, mức phạt đối với hành vi chở hàng rời, vật liệu xây dựng dễ rơi vãi mà không có mui, bạt che đậy hoặc có mui, bạt che đậy nhưng vẫn để rơi vãi; lôi kéo đất, cát hoặc chất phế thải khác từ công trình ra đường bộ gây mất an toàn giao thông và vệ sinh môi trường có gì khác so với Nghị định cũ?
Trả lời:
So với Nghị định cũ, tại điểm b, c khoản 3 Điều 23 Nghị định 34/2010/NĐ-CP đã tăng mức phạt tiền, đối với các hành vi vi phạm trên, cụ thể là phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng; buộc phải khắc phục vi phạm, thu dọn vật liệu, chất phế thải và khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra; nếu gây ô nhiễm môi trường phải thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường (mức phạt cũ từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng; buộc phải khắc phục hậu quả do hành vi vi phạm hành chính gây ra).
17. Hỏi: Đề nghị Luật gia cho biết người điều khiển xe ô tô có hành vi đổ rác, phế thải ra đường phố không đúng quy định bị xử phạt thế nào? Mức phạt này có tăng so với Nghị định cũ?.
Trả lời:
Theo quy định tại khoản 5 Điều 23 Nghị định 34/2010/NĐ-CP, người điều khiển xe ô tô có hành vi vi phạm trên sẽ bị áp dụng mức phạt cao hơn so với Nghị định cũ, đó là phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng; buộc phải khắc phục vi phạm, thu dọn rác, chất phế thải và khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra; nếu gây ô nhiễm môi trường phải thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường; bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe 30 ngày (mức phạt cũ từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng; buộc phải khắc phục hậu quả do hành vi vi phạm hành chính gây ra).
(Còn nữa)
LG. Quốc Huy

Ý kiến bạn đọc