Multimedia Đọc Báo in

Một số quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ

21:29, 31/07/2010

(Tiếp theo)*

45. Hỏi: Vậy Luật gia cho biết người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy có hành vi buông cả hai tay khi đang điều khiển xe; dùng chân điều khiển xe; ngồi về một bên điều khiển xe; nằm trên yên xe điều khiển xe; thay người điều khiển khi xe đang chạy; lạng lách hoặc đánh võng trên đường bộ trong, ngoài đô thị; chạy bằng một bánh đối với xe hai bánh; điều khiển xe thành nhóm từ 2 xe trở lên chạy quá tốc độ quy định mà không chấp hành hiệu lệnh dừng xe của người thi hành công vụ hoặc chống người thi hành công vụ hoặc gây tai nạn bị xử phạt thế nào? Mức phạt này có thay đổi so với Nghị định 146?
Trả lời: Tại khoản 8 Điều 9 Nghị định 34/2010/NĐ-CP đã tăng mức phạt tiền đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy có một trong các hành vi vi phạm trên mà không chấp hành hiệu lệnh dừng xe của người thi hành công vụ hoặc chống người thi hành công vụ hoặc gây tai nạn, cụ thể phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 14.000.000 đồng (mức phạt cũ từ 6.000.000 đồng đến 14.000.000 đồng); tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe không thời hạn (mức phạt này không thay đổi).
46. Hỏi: Luật gia cho biết mức phạt đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy không có còi; đèn soi biển số; đèn báo hãm; gương chiếu hậu bên trái người điều khiển hoặc có nhưng không có tác dụng; biển số không rõ chữ, số; biển số bị bẻ cong, bị che lấp, bị hỏng; không có đèn tín hiệu hoặc có nhưng không có tác dụng?
Trả lời: So với Nghị định cũ, tại điểm a, b, c khoản 1 Điều 20 Nghị định 34/2010/NĐ-CP đã tăng mức phạt đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy có hành vi vi phạm trên, cụ thể phạt tiền từ 80.000 đồng đến 100.000 đồng (mức phạt cũ cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 20.000 đồng đến 50.000 đồng).
47. Hỏi: Vậy Luật gia cho biết người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy không có bộ phận giảm thanh, giảm khói hoặc có nhưng không bảo đảm quy chuẩn môi trường về khí thải, tiếng ồn; không có đèn chiếu sáng gần, xa hoặc có nhưng không có tác dụng; không có hệ thống hãm hoặc có nhưng không bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật bị phạt thế nào? Mức phạt này có thay đổi so với Nghị định 146?
Trả lời: Tại điểm b, c, d khoản 2 Điều 20 Nghị định 34/2010/NĐ-CP đã tăng mức phạt tiền đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy không có hệ thống hãm hoặc có nhưng không bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật, cụ thể phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng (mức phạt cũ từ 50.000 đồng đến 100.000 đồng); giữ nguyên mức phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với hành vi không có bộ phận giảm thanh, giảm khói hoặc có nhưng không bảo đảm quy chuẩn môi trường về khí thải, tiếng ồn; không có đèn chiếu sáng gần, xa hoặc có nhưng không có tác dụng.
48. Hỏi: Người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy không có Giấy đăng ký xe theo quy định; sử dụng Giấy đăng ký xe đã bị tẩy xóa; Giấy đăng ký xe không đúng số khung, số máy của xe hoặc không do cơ quan có thẩm quyền cấp; không gắn biển số (nếu có quy định phải gắn biển số); gắn biển số không đúng với số hoặc ký hiệu trong Giấy đăng ký; biển số không do cơ quan có thẩm quyền cấp bị phạt thế nào? Luật gia cho biết mức phạt này có tăng so với Nghị định cũ?
Trả lời: So với Nghị định cũ, tại điểm a, b, c khoản 3 Điều 20 Nghị định 34/2010/NĐ-CP đã tăng mức phạt tiền, giữ nguyên mức phạt bổ sung đối với người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy có một trong các hành vi vi phạm trên, cụ thể phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng (mức phạt cũ từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng); tịch thu Giấy đăng ký, biển số không đúng quy định đối với hành vi sử dụng Giấy đăng ký xe đã bị tẩy xóa; Giấy đăng ký xe không đúng số khung, số máy của xe hoặc không do cơ quan có thẩm quyền cấp; không gắn biển số; gắn biển số không đúng với số hoặc ký hiệu trong Giấy đăng ký; biển số không do cơ quan có thẩm quyền cấp.

(còn nữa)

Lg. Quốc Huy

 


Ý kiến bạn đọc