Multimedia Đọc Báo in

Hỏi đáp về Luật con nuôi

07:07, 19/09/2010

1.Luật con nuôi có hiệu lực từ khi nào?
Luật con nuôi đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XII, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 17 tháng 6 năm 2010, có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2011.

2.Luật con nuôi quy định những nội dung gì?
Luật con nuôi quy định nguyên tắc, điều kiện nuôi con nuôi; thẩm quyền, trình tự, thủ tục giải quyết việc nuôi con nuôi; quyền, nghĩa vụ của cha mẹ nuôi, con nuôi và cha mẹ đẻ; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong việc nuôi con nuôi.
Như vậy, luật nuôi con nuôi điều chỉnh cả hai lĩnh vực: nuôi con nuôi trong nước và nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài.

3. Cách phân biệt giữa hai lĩnh vực: nuôi con nuôi trong nước và nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài ?
Nuôi con nuôi trong nước là việc nuôi con nuôi giữa công dân Việt Nam với nhau thường trú ở Việt Nam.
Nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài là việc nuôi con nuôi giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài, giữa người nước ngoài với nhau thường trú ở Việt Nam, giữa công dân Việt Nam với nhau mà một bên định cư ở nước ngoài.

4. Cách xác định thẩm quyền đăng ký nuôi con nuôi?
 Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi thường trú của người được giới thiệu làm con nuôi hoặc của người nhận con nuôi đăng ký việc nuôi con nuôi trong nước.
 Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi thường trú của người được giới thiệu làm con nuôi quyết định việc nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài; Sở Tư pháp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đăng ký việc nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài.
Cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài đăng ký việc nuôi con nuôi của công dân Việt Nam tạm trú ở nước ngoài.

5. Điều kiện để làm con nuôi?
Người được nhận làm con nuôi phải là những người thuộc một trong các trường hợp sau:
a. Trẻ em dưới 16 tuổi.
b. Người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
- Được cha dượng, mẹ kế nhận làm con nuôi;
-  Được cô, cậu, dì, chú, bác ruột nhận làm con nuôi.
c. Một người chỉ được làm con nuôi của một người độc thân hoặc của cả hai người là vợ chồng.
d. Nhà nước khuyến khích việc nhận trẻ em mồ côi, trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khác làm con nuôi.

6. Cơ quan nào có thẩm quyền chấm dứt việc nuôi con nuôi?
Tòa án nhân dân có thẩm quyền giải quyết yêu cầu chấm dứt việc nuôi con nuôi theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.

7. Các hành vi bị nghiêm cấm trong việc nuôi con nuôi?
- Lợi dụng việc nuôi con nuôi để trục lợi, bóc lột sức lao động, xâm hại tình dục; bắt cóc, mua bán trẻ em.
- Giả mạo giấy tờ để giải quyết việc nuôi con nuôi.
- Phân biệt đối xử giữa con đẻ và con nuôi.
- Lợi dụng việc cho con nuôi để vi phạm pháp luật về dân số.
- Lợi dụng việc làm con nuôi của thương binh, người có công với cách mạng, người thuộc dân tộc thiểu số để hưởng chế độ, chính sách ưu đãi của Nhà nước.
- Ông, bà nhận cháu làm con nuôi hoặc anh, chị, em nhận nhau làm con nuôi.
- Lợi dụng việc nuôi con nuôi để vi phạm pháp luật, phong tục tập quán, đạo đức, truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc.

(còn nữa)

Luật gia: Trần Duy Phương


Ý kiến bạn đọc