Hỏi đáp về Luật Nuôi con nuôi
(Tiếp theo kỳ trước)
8. Việc nuôi con nuôi nhằm mục đích gì?
Trả lời: Theo quy định tại Điều 2 của Luật thì: Việc nuôi con nuôi nhằm xác lập quan hệ cha, mẹ và con lâu dài, bền vững, vì lợi ích tốt nhất của người được nhận làm con nuôi, bảo đảm cho con nuôi được nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trong môi trường gia đình.
9. Việc nuôi con nuôi được giải quyết trên nguyên tắc nào?
Trả lời: Tại Điều 4 của Luật quy định việc nuôi con nuôi được giải quyết trên những nguyên tắc sau:
- Tôn trọng quyền của trẻ em được sống trong môi trường gia đình gốc.
- Bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của người được nhận làm con nuôi và người nhận con nuôi, tự nguyện, bình đẳng, không phân biệt nam nữ, không trái pháp luật và đạo đức xã hội.
- Chỉ cho làm con nuôi người ở nước ngoài khi không thể tìm được gia đình thay thế ở trong nước.
10. Như thế nào gọi là gia đình gốc, gia đình thay thế?
Trả lời: Theo quy định tại Điều 3 của Luật thì:
- Gia đình gốc là gia đình của những người có quan hệ huyết thống.
- Gia đình thay thế là gia đình nhận trẻ em làm con nuôi.
11. Thứ tự ưu tiên lựa chọn gia đình thay thế được quy định như thế nào?
Trả lời: Thứ tự ưu tiên lựa chọn gia đình thay thế được quy định tại Điều 5 của Luật như sau:
- Cha dượng, mẹ kế, cô, cậu, dì, chú, bác ruột của người được nhận làm con nuôi;
- Công dân Việt Nam thường trú ở trong nước;
- Người nước ngoài thường trú ở Việt Nam;
- Công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài;
- Người nước ngoài thường trú ở nước ngoài.
12. Trường hợp có nhiều người cùng hàng ưu tiên xin nhận một người làm con nuôi thì giải quyết như thế nào?
Trả lời: Tại khoản 2 Điều 5 của Luật quy định: Trường hợp có nhiều người cùng hàng ưu tiên xin nhận một người làm con nuôi thì xem xét, giải quyết cho người có điều kiện nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con nuôi tốt nhất.
13. Con nuôi có quyền được biết về nguồn gốc của mình không?
Trả lời: Theo quy định tại Điều 11 của Luật thì con nuôi có quyền được biết về nguồn gốc của mình. Không ai được cản trở con nuôi được biết về nguồn gốc của mình.
14. Người nhận nuôi con nuôi có phải nộp lệ phí không?
Trả lời: Tại Điều 12 của Luật quy định người nhận con nuôi phải nộp lệ phí đăng ký nuôi con nuôi theo quy định của pháp luật. Ngoài lệ phí đăng ký nuôi con nuôi, người nước ngoài không thường trú ở Việt Nam nhận con nuôi ở Việt Nam phải trả một khoản tiền để bù đắp một phần chi phí giải quyết nuôi con nuôi nước ngoài, bao gồm chi phí nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em từ khi được giới thiệu làm con nuôi đến khi hoàn thành thủ tục giao nhận con nuôi, xác minh nguồn gốc của người được giới thiệu làm con nuôi, giao nhận con nuôi và thù lao hợp lý cho nhân viên của cơ sở nuôi dưỡng.
(còn nữa)
[links()]
Ý kiến bạn đọc