Multimedia Đọc Báo in

Hỏi - đáp về Luật Nuôi con nuôi

23:08, 31/10/2010

(Tiếp theo kỳ trước)


31. Hỏi: Những trường hợp nào được xem là nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài?
Trả lời: Tại Điều 28 của Luật quy định các trường hợp nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài gồm:
- Người Việt Nam định cư ở nước ngoài, người nước ngoài thường trú ở nước cùng là thành viên của điều ước quốc tế về nuôi con nuôi với Việt Nam nhận trẻ em Việt Nam làm con nuôi.
- Người Việt Nam định cư ở nước ngoài, người nước ngoài thường trú ở nước ngoài được nhận con nuôi đích danh theo quy định.
- Công dân Việt Nam thường trú ở trong nước nhận trẻ em nước ngoài làm con nuôi.
- Người nước ngoài thường trú ở Việt Nam nhận con nuôi ở Việt Nam.

32. Hỏi: Trong trường hợp nào thì người Việt Nam định cư ở nước ngoài, người nước ngoài thường trú ở nước ngoài được nhận con nuôi đích danh?
Trả lời: Theo quy định tại khoản 2 Điều 28 của Luật thì Người Việt Nam định cư ở nước ngoài, người nước ngoài thường trú ở nước ngoài được nhận con nuôi đích danh trong các trường hợp:
- Là cha dượng, mẹ kế của người được nhận làm con nuôi;
- Là cô, cậu, dì, chú, bác ruột của người được nhận làm con nuôi;
- Có con nuôi là anh, chị, em ruột của trẻ em được nhận làm con nuôi;
- Nhận trẻ em khuyết tật, nhiễm HIV/AIDS hoặc mắc bệnh hiểm nghèo khác làm con nuôi;
- Là người nước ngoài đang làm việc, học tập ở Việt Nam trong thời gian ít nhất là 1 năm.

33. Hỏi: Căn cứ để giới thiệu trẻ em làm con nuôi
Trả lời: Theo quy định tại Điều 35 của Luật thì việc giới thiệu trẻ em làm con nuôi người nước ngoài được thực hiện vì lợi ích của trẻ em, có tính đến lợi ích của người nhận con nuôi trên cơ sở bảo đảm những yêu cầu cơ bản sau đây:
- Đặc điểm, sở thích, thói quen đáng lưu ý của trẻ em;
- Khả năng hòa nhập và phát triển của trẻ em;
- Điều kiện kinh tế, môi trường gia đình, xã hội và nguyện vọng của người nhận con nuôi.

34. Hỏi: Công dân Việt Nam ở trong nước nhận trẻ em nước ngoài làm con nuôi được quy định như thế nào?
Trả lời: Tại Điều 40 của Luật quy định: Công dân Việt Nam nhận trẻ em nước ngoài làm con nuôi phải lập hồ sơ theo quy định, gồm: Đơn xin nhận con nuôi; bản sao Hộ chiếu, Giấy chứng minh nhân dân hoặc giấy tờ có giá trị thay thế; phiếu lý lịch tư pháp; văn bản xác nhận tình trạng hôn nhân; giấy khám sức khoẻ do cơ quan y tế cấp huyện trở lên cấp; văn bản xác nhận hoàn cảnh gia đình, tình trạng chỗ ở, điều kiện kinh tế do UBND cấp xã nơi người nhận con nuôi thường trú cấp, gửi Bộ Tư pháp.
 Bộ Tư pháp xem xét, cấp giấy xác nhận người nhận con nuôi có đủ điều kiện nuôi con nuôi theo quy định của pháp luật Việt Nam trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ. Trường hợp cần thiết, Bộ Tư pháp yêu cầu Sở Tư pháp nơi người đó thường trú xác minh thì thời hạn có thể kéo dài, nhưng không quá 60 ngày.
Sau khi hoàn tất các thủ tục nhận trẻ em nước ngoài làm con nuôi, công dân Việt Nam có trách nhiệm làm thủ tục ghi chú việc nuôi con nuôi tại Sở Tư pháp và UBND cấp xã nơi người đó thường trú.

(Còn nữa)

 

Châu Thủy

 


Ý kiến bạn đọc