Multimedia Đọc Báo in

Hỏi - đáp về Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và Luật Bầu cử đại biểu HĐND

11:23, 27/03/2011

4. Quyền bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND của công dân được quy định như thế nào?
Trả lời: Theo quy định tại Điều 2 của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và Luật Bầu cử đại biểu HĐND thì công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam không phân biệt dân tộc, nam nữ, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo, trình độ văn hóa, nghề nghiệp, thời hạn cư trú, đủ mười tám tuổi trở lên có quyền bầu cử đại biểu Quốc hội, HĐND theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, để bảo đảm quyền này được thực hiện một cách hiệu quả, thiết thực thì pháp luật đã hạn chế một số trường hợp không được tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND gồm:
* Những người không được tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND: Là những người không được ghi tên vào danh sách cử tri và những người bị xóa tên trong danh sách cử tri (được quy định tại Điều 23 Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và Điều 25 Luật bầu cử đại biểu HĐND), cụ thể:
- Những người không được ghi tên vào danh sách cử tri gồm 4 trường hợp:
+ Những người đang bị tước quyền bầu cử theo bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án;
+ Người đang phải chấp hành hình phạt tù có thời hạn, tù chung thân hoặc bị kết án tử hình đang trong thời gian xin ân giảm hoặc chưa thi hành án;
+ Bị can, bị cáo đang bị tạm giam theo quy định của pháp luật;
+ Người mất năng lực hành vi dân sự theo quyết định của Tòa án hoặc có xác nhận của bệnh viện tâm thần hoặc chuyên khoa tâm thần của bệnh viện đa khoa.
- Những người bị xóa tên trong danh sách cử tri: là những người đã có tên trong danh sách cử tri nếu đến thời điểm bắt đầu bỏ phiếu bị Tòa án tước quyền bầu cử, phải chấp hành hình phạt tù, bị bắt tạm giam, bị tuyên bố mất tích hoặc bị chết, bị mất năng lực hành vi dân sự thì Tòa án hoặc cơ quan hữu quan phải thông báo cho UBND xã đã lập danh sách cử tri để xóa tên người đó trong danh sách cử tri và thu hồi thẻ cử tri.
- Người thuộc các trường hợp nêu trên, nếu đến trước thời điểm bắt đầu bỏ phiếu 24 giờ được khôi phục lại quyền bầu cử, được trả tự do hoặc được cơ quan có thẩm quyền xác nhận không còn mất năng lực hành vi dân sự thì đến UBND xã nơi thường trú hoặc nơi tạm trú đề nghị được bổ sung vào danh sách cử tri và nhận thẻ cử tri.

5. Quyền ứng cử của công dân được Luật quy định như thế nào?
Trả lời: Theo quy định tại Điều 2, Điều 3 Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và Luật bầu cử HĐND thì Công dân nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam không phân biệt dân tộc, nam nữ, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo, trình độ văn hoá, nghề nghiệp, thời hạn cư trú, đủ hai mươi mốt tuổi trở lên và bảo đảm các tiêu chuẩn, năng lực quy định tại Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội, Luật Bầu cử đại biểu HĐND thì có quyền ứng cử đại biểu HĐND theo quy định của pháp luật, đồng thời chỉ được ứng cử đại biểu HĐND không quá hai cấp; nếu đã ứng cử đại biểu Quốc hội thì chỉ được ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân một cấp.
Theo quy định tại Điều 30 của Luật bầu cử HĐND thì người tự ứng cử, người được giới thiệu ứng cử đại biểu HĐND địa phương nào thì phải là người cư trú hoặc làm việc thường xuyên ở địa phương đó. Đồng thời chỉ được ghi tên ứng cử ở một đơn vị bầu cử và không được tham gia Ban Bầu cử hoặc Tổ bầu cử thuộc đơn vị mình ra ứng cử.
* Những trường hợp không được ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND (Điều 29 Luật Bầu cử ĐBQH, Điều 31 Luật bầu cử đại biểu HĐND) gồm:
- Những người không được tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND thì đương nhiên không được ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND;
- Người đang bị khởi tố về hình sự;
- Người đang phải chấp hành bản án, quyết định hình sự của Tòa án;
- Người đã chấp hành xong bản án, quyết định hình sự của Tòa án nhưng chưa được xóa án tích;
- Người đang chấp hành quyết định xử lý hành chính về giáo dục tại xã, phường, thị trấn, tại cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh hoặc đang bị quản chế hành chính.
* Trường hợp bị xóa tên trong danh sách ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND (được quy định tại Điều 29 Luật bầu cử đại biểu Quốc hội, Điều 31 Luật bầu cử đại biểu HĐND và Điều 8, Điều 9 Nghị quyết 1020/2011/UBTVQH12 ngày 14-2-2011 của Ủy ban thường vụ Quốc hội hướng dẫn một số điểm về việc tổ chức cuộc bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XIII và Đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011 - 2016) gồm:
- Người đã có tên trong danh sách ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND mà đến thời điểm bắt đầu bỏ phiếu bị khởi tố về hình sự, bị bắt giữ vì phạm tội quả tang, bị mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị chết thì:
+ Ủy ban bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh phải báo cáo ngay cho Hội đồng bầu cử để xóa tên người đó trong danh sách những người ứng cử đại biểu Quốc hội;
+ Ủy ban bầu cử, sau khi thống nhất ý kiến với Ban thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cùng cấp, quyết định xóa tên người đó trong danh sách những người ứng cử đại biểu HĐND và thông báo cho cử tri biết.
- Người ứng cử đã được Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hoặc Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đưa vào danh sách chính thức những người ứng cử đại biểu Quốc hội đã có hành vi vi phạm pháp luật trong thời gian Hội đồng bầu cử chưa công bố danh sách này.

(còn nữa)

 

Châu Thủy
[links()]

 


Ý kiến bạn đọc