Tìm hiểu về Luật Cạnh tranh Việt Nam (Tiếp theo)
84. Thủ tục ra quyết định xử lý hành vi hạn chế cạnh tranh được thực hiện như thế nào?
Theo quy định tại Điều 98 Luật Cạnh tranh, vụ việc cạnh tranh có liên quan đến hành vi hạn chế cạnh tranh thuộc thẩm quyền giải quyết của Hội đồng cạnh tranh phải được xem xét, xử lý thông qua phiên điều trần.
85. Thủ tục chuẩn bị mở phiên điều trần?
Theo quy định tại Điều 99 Luật Cạnh tranh, sau khi nhận được báo cáo điều tra và toàn bộ hồ sơ vụ việc cạnh tranh, Chủ tịch Hội đồng cạnh tranh quyết định thành lập Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh.
Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận hồ sơ vụ việc cạnh tranh, Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh phải ra một trong các quyết định sau đây:
- Mở phiên điều trần;
- Trả hồ sơ để điều tra bổ sung;
- Đình chỉ giải quyết vụ việc cạnh tranh.
Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày có quyết định mở phiên điều trần, Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh phải mở phiên điều trần.
Trường hợp trả hồ sơ để điều tra bổ sung thì trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận lại hồ sơ, Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh phải ra một trong các quyết định nêu trên.
86. Những ai tham gia phiên điều trần?
Theo quy định tại Điều 104 Luật Cạnh tranh, những người tham gia phiên điều trần bao gồm:
- Thành viên Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh, thư ký phiên điều trần;
- Bên bị điều tra;
- Bên khiếu nại;
- Luật sư;
- Điều tra viên đã điều tra vụ việc cạnh tranh;
- Những người khác được ghi trong quyết định mở phiên điều trần.
87. Yêu cầu chung đối với một phiên điều trần là gì?
- Phiên điều trần phải được tiến hành đúng thời gian, địa điểm đã được ghi trong quyết định mở phiên điều trần hoặc trong giấy báo mở lại phiên điều trần trong trường hợp phải hoãn phiên điều trần.
- Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh phải trực tiếp xác định những tình tiết của vụ việc cạnh tranh bằng cách hỏi và nghe lời trình bày của các bên khiếu nại, bên bị điều tra, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và những người tham gia tố tụng khác; xem xét, kiểm tra tài liệu, chứng cứ đã thu thập được; nghe điều tra viên đã điều tra vụ việc cạnh tranh tóm tắt kết luận điều tra. Quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh chỉ được căn cứ vào kết quả của việc hỏi tại phiên điều trần, tranh luận và các chứng cứ đã được xem xét, kiểm tra tại phiên điều trần.
- Việc hỏi và tranh luận tại phiên điều trần phải được tiến hành liên tục, trừ thời gian nghỉ. Các thành viên của Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh phải tham dự phiên điều trần từ khi bắt đầu cho đến khi kết thúc, trừ trường hợp thành viên Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh không thể tiếp tục tham gia phiên điều trần thì thành viên Hội đồng cạnh tranh tham dự phiên điều trần sẽ được thay thế cho thành viên Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh đó (Khoản 1 Điều 102 Nghị định số 116).
- Trong trường hợp đặc biệt thì phiên điều trần có thể tạm ngừng không quá 05 ngày làm việc. Hết thời hạn tạm ngừng, phiên điều trần được tiếp tục.
- Mỗi phiên điều trần phải có ít nhất một thành viên Hội đồng cạnh tranh không phải là thành viên Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh tham dự.
88. Phiên điều trần có thể bị hoãn trong trường hợp nào?
Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh có thể quyết định hoãn phiên điều trần trong các trường hợp sau đây:
- Trường hợp phải thay đổi người giám định, người phiên dịch (Điều 73 Luật Cạnh tranh);
- Trường hợp phải thay đổi thành viên Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh, thư ký phiên điều trần (Điều 85 Luật Cạnh tranh);
- Bên khiếu nại, bên bị điều tra, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan theo giấy triệu tập của Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh vắng mặt lần thứ nhất có lý do chính đáng (Điều 103 Nghị định số 116);
- Luật sư của bên khiếu nại, bên bị điều tra, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan theo giấy triệu tập của Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh vắng mặt lần thứ nhất có lý do chính đáng (Điều 105 Nghị định số 116);
- Trường hợp người làm chứng vắng mặt và Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh quyết định hoãn phiên điều trần (Điều 106 Nghị định số 116);
- Trường hợp người giám định vắng mặt và Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh quyết định hoãn phiên điều trần (Điều 107 Nghị định số 116);
- Trường hợp người phiên dịch vắng mặt mà không có người khác thay thế và Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh quyết định hoãn phiên điều trần (Điều 108 Nghị định số 116);
- Trường hợp vụ việc cạnh tranh do Cục Quản lý cạnh tranh điều tra theo quy định tại Khoản 2 Điều 65 Luật Cạnh tranh mà cả hai điều tra viên không thể tiếp tục tham gia phiên điều trần (Điều 109 Nghị định số 116);
- Khi có người tham gia tố tụng không đồng ý với kết luận giám định được công bố tại phiên điều trần và có yêu cầu giám định bổ sung hoặc giám định lại và Hội đồng xử lý vụ việc cạnh tranh quyết định chấp nhận yêu cầu giám định bổ sung hoặc giám định lại (Điều 123 Nghị định số 116).
89. Trong trường hợp nào thì phiên điều trần được tổ chức công khai, trường hợp nào tổ chức kín?
Theo quy định tại Điều 104 Luật Cạnh tranh, phiên điều trần được tổ chức công khai. Trường hợp nội dung điều trần có liên quan đến bí mật quốc gia, bí mật kinh doanh thì phiên điều trần được tổ chức kín.
Ý kiến bạn đọc