Multimedia Đọc Báo in

Hỏi - đáp về Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và Luật Bầu cử đại biểu HĐND (Tiếp theo)

14:35, 03/04/2011

6. Thời gian công bố và niêm yết danh sách người ứng cử được quy định như  thế nào?
* Đối với danh sách người ứng cử đại biểu Quốc hội: Theo quy định tại Điều 46, Điều 47 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội thì Hội đồng bầu cử lập và công bố danh sách những người ứng cử theo từng đơn vị bầu cử trong cả nước theo danh sách chính thức do Ban thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Ủy ban bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND cấp tỉnh gửi đến chậm nhất là 25 ngày trước ngày bầu cử;
Ban bầu cử phải niêm yết danh sách người ứng cử ở địa phương mình theo quyết định của Hội đồng bầu cử chậm nhất là 20 ngày trước ngày bầu cử.
* Đối với danh sách người ứng cử đại biểu HĐND: Hội đồng bầu cử công bố danh sách những người ứng cử theo từng đơn vị bầu cử, chậm nhất là 25 ngày trước ngày bầu cử (Điều 40 Luật Bầu cử đại biểu HĐND);
Chậm nhất là 20 ngày trước ngày bầu cử, Tổ bầu cử phải niêm yết danh sách những người ứng cử theo công bố của Hội đồng bầu cử ở các khu vực bỏ phiếu (Điều 41 Luật Bầu cử HĐND).

 7. Những khiếu nại, tố cáo, kiến nghị về những người ứng cử, về sai sót trong việc lập danh sách những người ứng cử được giải quyết thế nào?
Kể từ ngày công bố danh sách những người ứng cử, công dân có quyền khiếu nại, tố cáo về người ứng cử, khiếu nại, kiến nghị về những sai sót trong việc lập danh sách những người ứng cử với Ban bầu cử, Ủy ban bầu cử Quốc hội và bầu cử HĐND cấp tỉnh, Hội đồng bầu cử (đối với người ứng cử đại biểu Quốc hội); với Ban bầu cử ở cấp đó (đối với người ứng cử Đại biểu HĐND).
Các Ban bầu cử, Ủy ban bầu cử Quốc hội và bầu cử HĐND cấp tỉnh, Hội đồng bầu cử phải ghi vào sổ và giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị theo thẩm quyền.
Trong trường hợp người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị không đồng ý với kết quả giải quyết của Ban bầu cử, Ủy ban bầu cử Quốc hội và bầu cử HĐND cấp tỉnh thì có quyền khiếu nại với Hội đồng bầu cử. Quyết định của Hội đồng bầu cử là quyết định cuối cùng.

8. Việc tạm ngưng xem xét giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với người ứng cử được quy định ra sao?
Trong thời hạn 10 ngày trước ngày bầu cử, Hội đồng bầu cử, Ủy ban bầu cử Quốc hội và HĐND cấp tỉnh, Ban bầu cử ngưng việc xem xét, giải quyết mọi khiếu nại, tố cáo, kiến nghị về người ứng cử và việc lập danh sách những người ứng cử.
 Những khiếu nại, tố cáo, kiến nghị đã được tiếp nhận trước thời điểm này vẫn được xem xét, giải quyết.
 Trong trường hợp những khiếu nại, tố cáo đã rõ ràng, có đủ cơ sở kết luận người ứng cử không đủ tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND thì Hội đồng bầu cử quyết định xóa tên người đó trong danh sách những người ứng cử trước ngày bầu cử và thông báo cho cử  tri biết.
Hội đồng bầu cử chuyển toàn bộ hồ sơ về khiếu nại, tố cáo chưa được giải quyết và những khiếu nại, tố cáo đã được giải quyết nhưng đương sự không đồng ý đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa mới (đối với hồ sơ khiếu nại, tố cáo về người ứng cử đại biểu Quốc hội); đến Thường trực HĐND cùng cấp khóa mới (đối với hồ sơ khiếu nại, tố cáo về người ứng cử đại biểu HĐND) để giải quyết theo thẩm quyền;.

9. Đơn tố cáo nặc danh về người ứng cử có được xem xét giải quyết không?
 Đơn tố cáo nặc danh về người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND không được xem xét, giải quyết.

10. Các tổ chức phụ trách bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND gồm những tổ chức nào?
Trả lời: Theo quy định tại khoản 1 Điều 1 sửa đổi, bổ sung Điều 13 và khoản 2 Điều 2 sửa đổi, bổ sung Điều 15 Luật sửa đổi một số điều của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và Luật Bầu cử đại biểu HĐND năm 2010 thì các tổ chức phụ trách bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND gồm có:
1. Hội đồng bầu cử ở trung ương;
2. Ủy ban bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND cấp tỉnh ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; đối với bầu cử đại biểu HĐND có thêm Ủy ban bầu cử ở cấp huyện và cấp xã.
3. Ban bầu cử ở đơn vị bầu cử;
4. Tổ bầu cử ở khu vực bỏ phiếu.

11. Các tổ chức phụ trách bầu cử làm việc theo chế độ nào?
Trả lời: Theo quy định tại các Điều 19, Điều 20 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội, Luật Bầu cử đại biểu HĐND thì các tổ chức phụ trách bầu cử làm việc theo chế độ tập thể; các cuộc họp được tiến hành khi có ít nhất hai phần ba tổng số thành viên tham dự; các quyết định được thông qua khi có quá nửa số thành viên biểu quyết tán thành.

12. Các tổ chức phụ trách bầu cử chấm dứt hoạt động khi nào?
Trả lời: Đối với các tổ chức phụ trách bầu cử đại biểu Quốc hội, theo quy định tại Điều 21 Luật sửa đổi, bổ sung năm 2010 thì Hội đồng bầu cử hết nhiệm vụ sau khi đã trình Quốc hội khóa mới biên bản tổng kết cuộc bầu cử và hồ sơ, tài liệu về bầu cử đại biểu Quốc hội. Các Ủy ban bầu cử, Ban bầu cử, Tổ bầu cử hết nhiệm vụ sau khi Hội đồng bầu cử công bố kết quả bầu cử trong cả nước.
Đối với các tổ chức phụ trách bầu cử đại biểu HĐND thì Hội đồng bầu cử hết nhiệm vụ đối với bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân sau khi các Ủy ban bầu cử đã trình biên bản tổng kết cuộc bầu cử và hồ sơ, tài liệu về bầu cử tại kỳ họp thứ nhất của Hội đồng nhân dân khóa mới.
Ủy ban bầu cử hết nhiệm vụ đối với bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân sau khi Ủy ban bầu cử đã trình biên bản tổng kết cuộc bầu cử và hồ sơ, tài liệu về bầu cử tại kỳ họp thứ nhất của Hội đồng nhân dân khóa mới.
Ban bầu cử, Tổ bầu cử hết nhiệm vụ đối với bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân sau khi Ủy ban bầu cử kết thúc việc tổng kết công tác bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân.

(Còn nữa)

Diễm Hằng


Ý kiến bạn đọc