Multimedia Đọc Báo in

Để lựa chọn được người xứng đáng là đại biểu của dân

10:02, 10/05/2011

Để  có cơ sở cho cử tri lựa chọn và bầu những đại biểu đủ đức, đủ tài tham gia vào cơ quan quyền lực Nhà nước, cơ quan đại biểu của nhân dân, Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và Luật Bầu cử đại biểu HĐND đã quy định 5 nhóm tiêu chuẩn của người đại biểu, thể hiện tập trung ở những tiêu chuẩn sau:

- Trung thành với Tổ quốc, phấn đấu thực hiện công cuộc đổi mới của đất nước;
- Có phẩm chất đạo đức tốt, gương mẫu chấp hành pháp luật; kiên quyết đấu tranh chống mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền, tham nhũng và các hành vi vi phạm pháp luật;
    - Có  trình độ và năng lực thực hiện nhiệm vụ đại biểu, tham gia quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, của địa phương;
- Liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân, được nhân dân tín nhiệm;
- Có điều kiện tham gia các hoạt động của Quốc hội.

Các tiêu chuẩn chung trên đây cũng đã được xác định trong Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và trong Chỉ thị của Bộ Chính trị.

Tại Hội  nghị toàn quốc về bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011- 2016 tổ chức ngày 2-3-2011, Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh vấn đề bảo đảm tiêu chuẩn, kết hợp hợp lý với cơ cấu trong bầu cử, nhưng “không nên quá chú trọng vào cơ cấu mà quên tiêu chuẩn”.

Rõ ràng việc bầu được những đại biểu đủ tiêu chuẩn tham gia vào cơ quan quyền lực Nhà nước, cơ quan đại biểu của nhân dân là điều kiện quan trọng để nâng cao chất lượng hoạt động của Quốc hội và HĐND các cấp.

Trong bài viết này, chúng tôi có một số ý kiến trao đổi, làm rõ thêm  về tiêu chuẩn “có trình độ và năng lực thực hiện nhiệm vụ đại biểu”.

Thứ  nhất, về trình độ của đại biểu, hiện nay trên các phương tiện thông tin đại chúng có nhiều người đưa ra quan điểm người ứng cử đại biểu Quốc hội trong thời đại công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thì văn hóa, chuyên môn, nghiệp vụ, năng lực phải đạt đến một trình độ nhất định thì mới làm được nhiệm vụ đại biểu. Chúng tôi cho rằng quan điểm trên không phù hợp, vì:

- Điều 54 Hiến pháp 1992 quy định: “Công dân, không phân biệt dân tộc, nam nữ, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo, trình độ văn hóa, nghề nghiệp, thời hạn cư trú, đủ mười tám tuổi trở lên đều có quyền bầu cử và đủ hai mươi mốt tuổi trở lên đều có quyền ứng cử vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân theo quy định của pháp luật”. Như vậy, Hiến pháp không phân biệt trình độ văn hóa đối với ứng cử viên đại biểu Quốc hội hay đại biểu  HĐND. Việc dựa vào trình độ văn hóa (học vấn) để loại bỏ khả năng tham gia Quốc hội, HĐND của một công dân nào đó là trái với tinh thần của Hiến pháp.

-Theo nguyên lý chủ quyền nhân dân, bất cứ người dân nào (trừ những người chưa đạt độ tuổi nhất định hay những người mất năng lực hành vi), không kể có kiến thức hay không, đều có một phần trong khối chủ quyền và có quyền tham gia làm người đại diện cho khối chủ quyền nhân dân. Nếu “bằng cấp hóa” tiêu chuẩn người đại biểu sẽ đi ngược với nguyên lý chủ quyền nhân dân.

Như  vậy, ở khía cạnh nào đó, “bằng cấp hóa”  tiêu chuẩn đại biểu là điều tốt, nhưng sẽ tốt hơn nhiều nếu trong quá trình tổ chức bầu cử, có cơ chế thực sự để những ứng cử viên xứng đáng được lựa chọn.
Thứ hai, về năng lực thực hiện nhiệm vụ của người đại biểu, chúng tôi cho rằng Người đại biểu là người được dân lựa chọn đại diện cho nhân dân, do đó trước hết người đại biểu cần có năng lực đại diện. Năng lực đại diện được biểu hiện thông qua năng lực tiếp xúc rộng rãi với cử tri, năng lực nắm bắt nhanh và đúng ý kiến, nguyện vọng của cử tri, năng lực phân tích sâu tư tưởng, nguyện vọng của nhân dân, năng lực tham gia thảo luận, tranh luận tại nghị trường với tinh thần độc lập suy nghĩ, trình bày ý kiến của mình tại Quốc hội, tại HĐND một cách rõ ràng, có sức thuyết phục... Đương nhiên, để có được những năng lực trên thì người đại biểu cần phải am hiểu về luật pháp.

Trong tác phẩm “Tinh thần pháp luật” (Hoàng Thanh Đạm dịch, NXB Giáo dục, H, 1996, tr.49), Montesquieu đã viết  “Dân chúng rất giỏi khi họ chọn người để giao một phần quyền lực của mình. Họ chỉ  cần xác định những điều mà họ biết, họ  thấy, họ cảm nhận được... Dân rất nhạy bén biết tin một công dân kia trở nên giàu có vì đâu, để họ bầu hay không bầu anh ta làm nghị viên thành phố”.  

Quan điểm trên cho chúng ta thấy việc mở rộng tranh cử,  tạo điều kiện để ứng cử viên tiếp xúc với cử tri, thực hiện tốt các quy định về vận động bầu cử… sẽ là những cách làm tốt để người dân lựa chọn được người đại diện xứng đáng cho mình tham gia Quốc hội và HĐND các cấp.

 

Trương Thị Hiền

 


Ý kiến bạn đọc