Hỏi - đáp về Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và Luật Bầu cử đại biểu HĐND (Tiếp theo)
20. Việc bỏ phiếu được bắt đầu và kết thúc khi nào? Việc bỏ phiếu có thể bắt đầu sớm và kết thúc sớm hoặc muộn hơn không? Ai có quyền quyết định?
Trả lời: Theo quy định tại Điều 57, 62 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội, Điều 48, 53 Luật Bầu cử đại biểu HĐND thì cuộc bỏ phiếu bắt đầu từ 7 giờ sáng đến 7 giờ tối cùng ngày. Đây là khoảng thời gian thuận lợi và phù hợp nhất đối với mọi người trong ngày. Tuy nhiên, tùy tình hình thực tế ở địa phương, Tổ bầu cử có thể quyết định cho bắt đầu bỏ phiếu sớm hơn, nhưng không được trước 5 giờ sáng hoặc kết thúc muộn hơn nhưng không quá 10 giờ đêm.
Khi đã hết giờ bỏ phiếu, nếu còn cử tri ở phòng bỏ phiếu mà chưa kịp bỏ phiếu thì chỉ sau khi số cử tri này bỏ phiếu xong, Tổ bầu cử mới được tuyên bố kết thúc cuộc bỏ phiếu.
21. Trước khi bỏ phiếu, Tổ bầu cử có phải kiểm tra hòm phiếu trước sự chứng kiến của cử tri không?
Trả lời: Trước khi bỏ phiếu, Tổ bầu cử phải kiểm tra hòm phiếu trước sự chứng kiến của cử tri (Điều 57 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội, Điều 48 Luật Bầu cử đại biểu HĐND) để bảo đảm tính công khai, khách quan và thực hiện nguyên tắc nhân dân kiểm tra. Đây cũng là hình thức để cử tri trực tiếp giám sát cuộc bầu cử.
22. Người không tự mình viết được phiếu bầu có được nhờ người khác viết hộ hay không?
Trả lời: Việc bầu cử được tiến hành theo nguyên tắc trực tiếp. Tuy nhiên, Điều 59 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội, Điều 50 Luật Bầu cử đại biểu HĐND có quy định tạo điều kiện cho những cử tri do ốm đau, tàn tật, già yếu mà không thể tự viết phiếu bầu thì có thể nhờ người khác viết hộ, nhưng phải tự mình bỏ phiếu vào hòm phiếu. Người viết phiếu hộ phải bảo đảm tuyệt đối giữ bí mật phiếu bầu của cử tri.
23. Trong trường hợp nào thì dùng hòm phiếu phụ?
Trả lời: Điều 59 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội, Điều 50 Luật Bầu cử đại biểu HĐND có quy định “Trong trường hợp cử tri ốm đau, già yếu, tàn tật không thể đến phòng bỏ phiếu được thì Tổ bầu cử mang hòm phiếu phụ và phiếu bầu đến tận chỗ ở của cử tri để cử tri nhận phiếu và trực tiếp bỏ phiếu”.
(Còn nữa)
Ý kiến bạn đọc