Từ 1-7, quy định thêm thẩm quyền giải quyết khiếu kiện về đất đai
09:38, 30/07/2011
Giải quyết khiếu kiện về đất đai là lĩnh vực rất phức tạp, thuộc thẩm quyền giải quyết của nhiều cơ quan khác nhau: cơ quan hành chính, Tòa án nhân dân. Tòa hành chính của Tòa án nhân dân. Những năm qua chúng ta đã có nhiều nỗ lực trong việc giải quyết các vụ án hành chính về đất đai, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, tăng cường trách nhiệm của cơ quan nhà nước và nhân viên nhà nước trước nhân dân, bảo đảm hiệu lực và hiệu quả trong hoạt động quản lý nhà nước về đất đai.
Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn nhiều vấn đề tồn tại, vướng mắc phát sinh trong quá trình giải quyết khiếu kiện về đất đai mà nguyên nhân cơ bản là hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn khiếu kiện và giải quyết về đất đai ban hành nhiều song vẫn còn có sự chồng chéo, mâu thuẫn hoặc xung đột pháp luật và nảy sinh một số vướng mắc trong quá trình thực thi. Cụ thể về quyền khởi kiện, thì nội dung được qui định tại điểm a khoản 2 Điều 138 Luật Đất đai 2003 với nội dung quy định tại khoản 2 Điều 2 Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án hành chính năm 2006 đã vô tình làm hạn chế quyền khởi kiện vụ án hành chính của công dân. Hoặc quy định về thời hiệu khởi kiện vụ án hành chính đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính về quản lý đất đai: thời hiệu khởi kiện vụ án hành chính theo quy định của Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án hành chính là 45 ngày kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết khiếu nại. Trong khi đó, Điều 31 Luật Khiếu nại, tố cáo cho phép thời hiệu khiếu nại là 90 ngày kể từ ngày nhận được quyết định hành chính hoặc biết được hành vi hành chính… Bên cạnh đó, Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án hành chính chưa có quy định cụ thể về thi hành bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính (nói chung) và trong lĩnh vực đất đai (nói riêng) dẫn đến thực trạng có nhiều bản án, quyết định của Tòa án về vụ án hành chính trong đó không ít vụ án liên quan đến sử dụng, quản lý đất đai không được thi hành hoặc không được thi hành đầy đủ; đó cũng là một trong nhiều nguyên nhân làm phát sinh khiếu nại bức xúc trong lĩnh vực quản lý đất đai. Những hạn chế, bất cập của Pháp lệnh Thủ tục giải quyết các vụ án hành chính nêu trên đã làm giảm hiệu quả giải quyết các vụ án hành chính của Tòa án nhân dân, gây trở ngại cho cá nhân, cơ quan, tổ chức khởi kiện vụ án hành chính bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của mình, trong đó có phần lớn là các vụ án hành chính liên quan đến lĩnh vực đất đai. Để bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất đối với lĩnh vực tố tụng hành chính trong hệ thống pháp luật, bảo đảm tính khả thi, bảo đảm trình tự và thủ tục tố tụng hành chính dân chủ, công khai, đơn giản, công bằng, thuận lợi cho người tham gia tố tụng thực hiện các quyền và nghĩa vụ của mình, đề cao vai trò, trách nhiệm của cá nhân, cơ quan, tổ chức trong hoạt động tố tụng hành chính đối với công tác giải quyết khiếu kiện về đất đai, ngày 24-11-2010 tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XII đã thông qua Luật Tố tụng hành chính, trong đó tại Điều 264 của luật đã sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 136 của Luật Đất đai 2003 về giải quyết tranh chấp, khiếu nại về đất đai, cụ thể:
Nếu tranh chấp về quyền sử dụng đất mà đương sự không có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc không có một trong các loại giấy tờ quy định tại các khoản 1, 2 và 5 Điều 50 của Luật Đất đai năm 2003 thì được giải quyết như sau:
-Trường hợp Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh giải quyết mà một bên hoặc các bên đương sự không đồng ý với quyết định giải quyết thì có quyền khiếu nại đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương giải quyết hoặc khởi kiện theo quy định của Luật Tố tụng hành chính.
-Trường hợp Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương giải quyết mà một bên hoặc các bên đương sự không đồng ý với quyết định giải quyết thì có quyền khiếu nại đến Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường hoặc khởi kiện theo quy định của Luật Tố tụng hành chính.
Hai quy định này đã mở rộng thêm quyền của người khiếu kiện được lựa chọn cơ quan có thẩm quyền giải quyết, đó là cơ quan hành chính (UBND cấp tỉnh; Bộ Tài nguyên và Môi trường) hoặc cơ quan tố tụng (Tòa hành chính của Tòa án nhân dân) để giải quyết lần 2. Còn theo quy định cũ, tại Điều 136 của Luật Đất đai quy định về quyền khiếu nại lần 2 của đương sự đối với Quyết định giải quyết lần đầu của chủ tịch UBND cấp huyện chỉ quy định khiếu nại nại tiếp đến chủ tịch UBND cấp tỉnh để giải quyết lần 2 và đó cũng là quyết định giải quyết cuối cùng. Tương tự khiếu nại lần 2 của đương sự đối với Quyết định giải quyết lần đầu của chủ tịch UBND cấp tỉnh chỉ quy định khiếu nại tiếp đến
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường để giải quyết lần 2 và đó cũng là quyết định giải quyết cuối cùng. Cũng từ những quy định làm hạn chế quyền khởi kiện của công dân trong tranh chấp đất đai, mặt khác tính công khai, minh bạch, trình tự, thủ tục trong quá trình giải quyết chưa được tuân thủ nghiêm minh do vậy khiếu kiện hành chính về tranh chấp đất đai vẫn là một trong những khiếu kiện bức xúc hiện nay. Tuy nhiên quy định của Điều 136 Luật Đất đai năm 2003 đã hết hiệu lực thi hành từ 1-7-2011.
Ngoài ra Điều 264 của Luật Tố tụng hành chính cũng tiến hành sửa đổi, bổ sung Điều 138 của Luật Đất đai năm 2003, như sau:
“Người sử dụng đất có quyền khiếu nại quyết định hành chính hoặc hành vi hành chính về quản lý đất đai.
Trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính về đất đai thực hiện theo quy định của pháp luật về khiếu nại. Trình tự, thủ tục giải quyết khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính về đất đai thực hiện theo quy định của Luật Tố tụng hành chính”.
Trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính về đất đai thực hiện theo quy định của pháp luật về khiếu nại. Trình tự, thủ tục giải quyết khiếu kiện quyết định hành chính, hành vi hành chính về đất đai thực hiện theo quy định của Luật Tố tụng hành chính”.
Từ ngày 1-7-2011 Luật Tố tụng hành chính có hiệu lực thi hành, phần nào bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật trong việc giải quyết khiếu kiện về đất đai, góp phần bảo vệ tốt nhất các quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, bảo đảm nâng cao trách nhiệm của cơ quan hành chính nhà nước và của cán bộ, công chức nhà nước trong việc thực thi nhiệm vụ.
LG.
Đinh Xuân Dũng (Sở Tư pháp)
Ý kiến bạn đọc